Nhiều chính sách đi vào đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở miệt biển Trần Đề
Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là huyện miệt biển có 49,6% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai đúng đối tượng thụ hưởng đã khẳng định được tính hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây.

Bà Lâm Thị Sô Phol (thứ 7, từ phải sang) rất phấn khởi trong ngày nhận bàn giao căn nhà mới từ chính sách của Đảng, Nhà nước. Ảnh: Phan Bình
Từ nguồn vốn phân bổ trên 103,4 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Trần Đề đã hỗ trợ đất ở cho 37 hộ, nhà ở cho 344 hộ, chuyển đổi nghề cho hơn 360 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 190 hộ; đầu tư xây dựng 28 công trình cầu, đường nông thôn ấp, xã đặc biệt khó khăn; xây dựng và cải tạo 2 chợ vùng DTTS; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng cho 16 dự án, phương án; đào tạo nghề cho trên 3.000 lượt người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng trên 3.600 người...
Ông Thạch Xuyên, ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình chia sẻ: “Trước đây, chưa có đường, cầu giao thông bằng bê tông chắc chắn, việc đi lại, giao thương của người dân trong ấp tương đối khó khăn, muốn ra đường lớn phải đi đường vòng hoặc di chuyển bằng ghe qua sông. Giờ được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu, đường chắc chắn, thông thoáng, người dân trong ấp rất phấn khởi. Từ nay, việc đi lại, sản xuất của người dân địa phương đã được thuận lợi hơn”.
Thuộc hộ nghèo, không có đất sản xuất, cuộc sống khó khăn nên có căn nhà để che nắng, che mưa đối với bà Lâm Thị Sô Phol, ở ấp Tắc Bướm, xã Thạnh Thới An là mơ ước bấy lâu nay. Căn nhà mới trị giá 80 triệu đồng, trong đó, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại do gia đình bà đóng góp thêm.
Bà Sô Phol vui vẻ nói: “Nhà tôi lúc trước khi gặp trời mưa là bị dột, khi hay tin chính quyền địa phương xét hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, gia đình tôi rất vui. Có chỗ ở ổn định, chúng tôi yên tâm lao động sản xuất, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở”.
Gia đình ông Thạch Na, ở ấp Bưng Cà Pốt, xã Tài Văn, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2023, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ), ông đầu tư chuyển sang mô hình trồng màu trên đất ruộng kém hiệu quả, đến nay, cuộc sống gia đình ông đã ổn định.

Ông Thạch Na có cuộc sống ổn định nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và được tham gia lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp. Ảnh: Phan Bình
Ông Thạch Na nói: “Sau khi được tham gia lớp tập huấn và đào tạo nghề về kỹ thuật trồng màu, tôi tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới nên hạn chế được rất nhiều các loại sâu tấn công, đặc biệt là cách nhận biết những dấu hiệu bệnh thường xảy ra. Với vốn vay 30 triệu đồng, tôi đầu tư mua phân bón, cải tạo 0,3ha đất ruộng và mua giống về trồng trọt. Hiện nay, gia đình tôi thu nhập mỗi ngày khoảng 500.000 đồng từ việc bán rau”.
Những năm qua, nhiều chính sách đối với đồng bào DTTS được triển khai thực hiện ở miệt biển Trần Đề đã phát huy có hiệu quả. Ông Trịnh Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: Quan tâm, chăm lo cho đời sống đồng bào DTTS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chủ trương này đã được Huyện ủy, UBND huyện Trần Đề chỉ đạo thực hiện rất tốt chỉ sau 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Từ đó, diện mạo nông thôn đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ở huyện Trần Đề được nâng lên rõ rệt.
Có thể khẳng định, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng tình, ủng hộ của người dân, huyện Trần Đề đã và đang huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS.
“Trong năm 2024, với nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Trần Đề đã giảm 495 hộ nghèo (giảm 1,66%); giảm 188 hộ cận nghèo (giảm 0,63%); hiện, Trần Đề còn 228 hộ nghèo (chiếm 0,96%), 1.025 hộ cận nghèo (chiếm 3,43%). Các chính sách hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai kịp thời và đúng đối tượng đã góp phần hun đúc thêm niềm tin của đồng bào DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Sự đổi thay từ đời sống vật chất đến tinh thần giúp đồng bào DTTS hăng hái thi đua lao động sản xuất, đoàn kết, góp sức xây dựng quê hương Trần Đề ngày thêm phát triển” - ông Trịnh Văn Bé nói.