Nhiều chính sách đãi ngộ đối với giáo viên
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có nhiều ý kiến cử tri cho rằng chế độ chính sách đối với giáo viên còn nhiều bất cập.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, chăm lo tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ban hành các chế độ, chính sách tương đối phù hợp với đặc thù của ngành giáo dục, cụ thể: Giáo viên được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, có chính sách riêng giáo viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, dạy lớp ghép, giáo viên đặc thù...
Tuy nhiên, trong thực tế, những chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn bất cập như lương giáo viên (nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học) còn thấp, hệ thống chính sách, văn bản quản lý chưa thực sự đồng bộ, chưa đủ nguồn lực bố trí cho các chính sách, chậm và chưa bảo đảm các mục tiêu và kế hoạch đã được phê duyệt…
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, do nhiều nguyên nhân, tình trạng thừa/thiếu giáo viên ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo thẩm quyền đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm, định mức giáo viên, nhân viên, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…; rà soát, qui hoạch lại hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên cho phù hợp với yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ trong thời gian tới.
Đầu năm học 2018-2019, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ nội vụ rà soát tổng thể vấn đề biên chế, hợp đồng giáo viên.
Theo đó, Bộ Nội vụ (chủ trì) đã báo cáo đề xuất với Chính phủ giao bổ sung biên chế giáo viên mầm non để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở 17 tỉnh tăng trưởng cơ học về dân số và 5 tỉnh Tây Nguyên (tổng số biên chế đề nghị giao thêm là 26.726 biên chế).
Việc đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục thuộc trách nhiệm trước hết của các địa phương. Để hỗ trợ các địa phương khó khăn tăng cường thêm cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ/ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Chương trình, Đề án hỗ trợ cơ sở vật chất… Các Chương trình, Đề án có nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương khó khăn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý và trách nhiệm để các địa phương huy động nguồn lực bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học.
Cử tri cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi nâng định mức chi cho sự nghiệp giáo dục. Hiện nay, định mức phân bổ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp giáo dục được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2017 và thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Trong đó đã quy định định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục đối với ngân sách địa phương tính theo dân số trong độ tuổi đến trường từ 1-18 tuổi.
Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, do Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 46/20016/QĐ-TTg, do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận ý kiến của đại biểu và sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ nâng định mức phân bổ ngân sách chi sự nghiệp giáo dục cùng với thời điểm xây dựng báo cáo dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Từ ngày 01/7/2020, Luật Giáo dục 2019 sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều quy định đáng chú ý, trong đó có đề cập đến nhiều chính sách đãi ngộ nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho đội ngũ nhà giáo, giáo viên. Đội ngũ giáo viên và người làm công tác giáo dục kỳ vọng với những quy định của Luật, sự nỗ lực của Bộ chủ quản và sự quan tâm của toàn xã hội, việc thực hiện chính sách đãi ngộ sẽ có tác động tích cực đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta.