Nhiều cầu thủ từ châu Âu về đá AFF Cup: Xu thế mới của bóng đá Đông Nam Á?
AFF Cup 2020 có đến 13 cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu trở về khoác áo các đội tuyển ở Đông Nam Á. Liệu đây có phải là xu thế mới trong việc sử dụng nhân sự của các nền bóng đá trong khu vực?
"Làn sóng" châu Âu ở AFF Cup 2020
Theo danh sách đăng ký mà các đội tuyển gửi lên ban tổ chức AFF Cup 2020, có tất cả 13 cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu trở về tranh tài ở giải đấu hàng đầu khu vực. Đây là con số kỷ lục ở một kỳ AFF Cup khi trước đây, các cầu thủ đã thi đấu ở châu Âu thì rất ít khi xuất hiện ở giải đấu này.
13 cầu thủ nói trên sẽ khoác áo 6 đội tuyển là Thái Lan, Lào, Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore (tức chiếm hơn một nửa số đội dự giải). Ngoài những gương mặt khoác áo các tuyến trẻ của những CLB châu Âu, lực lượng ở "lục địa già" về tranh tài tại AFF Cup năm nay còn có những cầu thủ đang chơi cho những CLB thi đấu ở hạng cao nhất (giải VĐQG) của những nước có nền bóng đá phát triển như Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan... Thậm chí, tiền vệ Thanawat Suengchitthawon (Thái Lan) đã từng được đăng ký thi đấu ở 1 trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh trong màu áo Leicester.
Bên cạnh những cầu thủ lai để trở về cống hiến cho quê hương, đã xuất hiện những cầu thủ có 100% dòng máu Đông Nam Á đang thi đấu ở châu Âu trở về với giải đấu lần này như trường hợp của những Egy Maulana (Indonesia), Luqman Hakim Shamsudin (Malaysia) hay Ikhsan Fandi (Singapore). Điều đó cho thấy các nền bóng đá trong khu vực đều đã có những bước chuyển mình trong sự phát triển bóng đá những năm gần đây.
Việc trình độ của các cầu thủ Đông Nam Á đang được nâng cao khiến các đội tuyển cũng phải chịu đôi chút thiệt thòi khi triệu tập các cầu thủ thi đấu ở châu Âu. Một số gương mặt như Egy Maulana (Indonesia), Jesper Nyholm (Philippines) hay Dion Cools (Malaysia) không thể góp mặt trong những trận đầu tiên của AFF Cup do CLB không nhả cầu thủ vì giải đấu không diễn ra trong dịp FIFA Days.
Nói về điều này, phóng viên Isidorus Rio, người từng có thời gian dài theo dõi bóng đá Indonesia và Đông Nam Á của trang tin IDN Times chia sẻ với VOV.VN: "Những cầu thủ thi đấu ở châu Âu có vai trò rất quan trọng với các đội tuyển ở Đông Nam Á. Với trường hợp của ĐT Indonesia, HLV Shin Tae Yong xây dựng lực lượng dựa trên những cầu thủ này. Họ có đóng góp không chỉ về chuyên môn mà còn về tinh thần cho đội bóng. Vì thế, dù có thể không sử dụng được những gương mặt này từ đầu giải (trường hợp của Egy Maulana) nhưng các cầu thủ ở châu Âu vẫn được triệu tập tham dự AFF Cup 2020".
Xu thế mới của bóng đá Đông Nam Á?
Năm 2018, thủ môn Neil Etheridge khi đó đang khoác áo Cardiff đã chấp nhận về thi đấu cho ĐT Philippines tại AFF Cup chỉ trong 1 trận đấu đầu tiên (thuộc FIFA Days) rồi sau đó phải trở lại CLB. Điều đó dường như đã là tín hiệu đầu tiên khẳng định các cầu thủ có chất lượng khá đã quan tâm nhiều hơn đến giải đấu diễn ra ở khu vực vốn được coi là vùng trũng của bóng đá thế giới. Họ sẵn sàng di chuyển một quãng đường dài để trở về làm nhiệm vụ ở đội tuyển để tìm kiếm vinh quang, điều mà trước đây gần như không diễn ra.
AFF Cup 2020 diễn ra năm nay là giải đấu không diễn ra vào FIFA Days nhưng vẫn có số lượng khá lớn các cầu thủ thi đấu ở châu Âu về tranh tài. Điều đó cho thấy sức hút của bóng đá khu vực đang ngày một tăng lên. Nếu những cầu thủ từ châu Âu đến Singapore lần này có thể thành công với các đội tuyển của họ, sức hút của AFF Cup sẽ ngày một tăng trong mắt các cầu thủ có gốc Đông Nam Á đang thi đấu ở châu Âu.
Tất nhiên, thật khó để ngay lập tức AFF Cup thu hút một lương lớn những cầu thủ gốc Đông Nam Á đến từ những giải đấu lớn hàng đầu châu Âu khi giải đấu này không phải năm nào cũng diễn ra trong dịp FIFA Days và chất lượng chuyên môn cũng chưa ở mức cao so với bóng đá thế giới. Dù vậy, con số 13 cầu thủ thi đấu tại châu Âu trở về với giải đấu năm nay hoàn toàn có thể là sự khởi đầu cho xu thế sử dụng những cầu thủ ở "lục địa già" cũng như xa hơn là "xuất khẩu" cầu thủ sang châu Âu của các nền bóng đá Đông Nam Á./.