Nhiệm vụ nặng nề trên vai tân tổng thống Sri Lanka

Ông Ranil Wickremesinghe trở thành tổng thống mới trong bối cảnh Sri Lanka vẫn đang mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị nghiêm trọng.

Kênh Channel News Asia đưa tin ông Ranil Wickremesinghe ngày 21-7 đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Sri Lanka.

Trên cương vị lãnh đạo mới, ông Wickremesinghe sẽ cần phải chuẩn bị kỹ càng để thực hiện nhiệm vụ đưa đảo quốc Nam Á này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử.

Hãng tin AFP dẫn số liệu từ Cục Xuất nhập cảnh Sri Lanka cho biết số người dân ở nước này muốn rời khỏi đất nước đang ngày càng tăng. Cơ quan này đã cấp 122.000 hộ chiếu trong tháng 6, tăng đáng kể so với con số 50.000 trong tháng 5. Hiện số người lao động Sri Lanka làm việc ở nước ngoài chiếm khoảng 10% dân số nước này.

Kinh tế suy thoái, chính trị chia rẽ

Theo hãng thông tấn DW, tân Tổng thống Wickremesinghe trong bài phát biểu khi vừa đắc cử đã thừa nhận Sri Lanka đang ở trong tình thế hết sức cấp bách và con đường phía trước đang xuất hiện rất nhiều thử thách. Chính quyền của ông sẽ phải tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu lớn là đưa đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế và khôi phục an ninh trật tự. Điều cần thiết ngay trong thời điểm này là ổn định chính trị để đạt được sự ổn định kinh tế, đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của người biểu tình nhằm khôi phục lòng tin của người dân vào đảng cầm quyền và chính quyền mới.

“Cần phải có một sự thay đổi trong tư duy lãnh đạo ở Sri Lanka để giải quyết cuộc khủng hoảng. Người dân đang yêu cầu chính quyền phải hoạt động có trách nhiệm và ít tham nhũng hơn. Vấn đề ở đây là liệu chính phủ mới có thể vượt qua những thử thách này hay không. Chừng nào chính quyền mới không thể cải cách điều hành và đem tới những thay đổi thật sự thì vẫn sẽ tiếp tục có phản kháng trong nước” - GS Jayadeva Uyangoda thuộc ĐH Colombo (Sri Lanka) nhận định.

Về vấn đề kinh tế, chính quyền mới sẽ phải khẩn trương đưa ra được giải pháp cụ thể để từng bước khắc phục khủng hoảng, với bài toán lớn là tái cơ cấu các khoản nợ để tìm kiếm những khoản cứu trợ mới của cộng đồng quốc tế.

ông Wickremesinghe đã đặt mục tiêu khôi phục ổn định chính trị trong nước để tạo điều kiện nối lại quá trình đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về các gói cứu trợ. Hiện Sri Lanka ước tính cần khoảng 5 tỉ USD trong sáu tháng tới để chi trả cho những nhu cầu thiết yếu của hơn 20 triệu dân nước này. Hồi tháng 6, sau khi cử một đoàn chuyên gia sang làm việc với chính quyền Colombo thời điểm đó, IMF đã công bố một báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu để giải quyết vấn đề tham nhũng, thúc đẩy việc khai thác tiềm năng tăng trưởng của Sri Lanka.

Song song đó, chính quyền mới cũng cần kiểm soát được cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và lạm phát giá hàng hóa đang tiếp diễn - vốn là hậu quả từ tình trạng suy thoái kinh tế chung ở Sri Lanka. Những sai lầm trong điều hành kinh tế của các chính quyền Sri Lanka tiền nhiệm, cộng hưởng thêm bởi tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, đã gần như kéo lùi hoàn toàn các tiến bộ phát triển và giảm cơ hội hoàn thành các mục tiêu bền vững kinh tế của nước này.

Thách thức đến từ bản thân ông Wickremesinghe

Đài CNN đưa tin vào thời điểm trước và sau khi kết quả bầu cử tổng thống được công bố, một bộ phận người dân Sri Lanka đã tập trung biểu tình trước văn phòng tổng thống ở thủ đô Colombo. Hiện tượng này được một số chuyên gia cho là có thể mở màn cho một làn sóng biểu tình quy mô lớn ở nước này trong thời gian tới nhằm phản đối tân Tổng thống Wickremesinghe bởi ông có thể được cho là quá thân thiết với gia tộc cầm quyền Rajapaksa vốn chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ông Wickremesinghe đã từng đảm nhận chức vụ bộ trưởng Tài chính trong giai đoạn các thành viên của gia đình Rajapaksa lãnh đạo đất nước. Chính vì sự gần gũi này mà nhiều người dân Sri Lanka cho rằng ông Wickremesinghe cũng phải chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng. Tuần trước, những người biểu tình đã từng kêu gọi ông Wickremesinghe từ chức sau khi ông này được trao quyền tổng thống tạm thời và ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Dù vậy, ông Wickremesinghe bước đầu đã có những bước đi tiến bộ trong nỗ lực kiểm soát quyền lực và cải tổ bộ máy chính quyền. Đến nay ông chưa đưa ra các kế hoạch cho tương lai nhưng một số nhà lập pháp đã tuyên bố ủng hộ ông nhằm tiến tới thành lập một chính quyền nhiều thành phần. Bài phát biểu đắc cử của ông cũng có nội dung khẳng định sẽ bắt đầu các bước thay đổi hiến pháp để cắt giảm quyền lực của tổng thống và củng cố Quốc hội, khôi phục luật pháp và trật tự.•

Bài toán đối ngoại cũng rất nan giải

Với vị trí đặc biệt của mình, Sri Lanka là quốc gia mà các cường quốc như Ấn Độ, Trung Quốc (TQ) hay Mỹ muốn tranh thủ giành ảnh hưởng. Việc điều phối các mối quan hệ với bên ngoài để vừa duy trì quan hệ, vừa tận dụng được các nguồn lực nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và tránh rơi vào những vòng xoáy cạnh tranh sẽ là câu chuyện rất phức tạp cho chính quyền mới.

Đối với TQ, Sri Lanka là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch Vành đai - Con đường và dự án Chuỗi ngọc trai ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện chưa đáp ứng đề nghị của Colombo về việc giúp đỡ tài chính. Nguyên nhân có thể là TQ đang gặp khó khăn về kinh tế và không muốn bị chỉ trích thêm về cáo buộc đã thực hiện “ngoại giao bẫy nợ” đối với Sri Lanka. TQ cũng có thể đang chờ đợi chính quyền mới đi vào hoạt động chính thức, sau đó mới quyết định dùng viện trợ để đưa Sri Lanka vào quỹ đạo của mình.

Với Ấn Độ, Sri Lanka bị khủng hoảng và rơi vào quỹ đạo của TQ sẽ là một thách thức an ninh lớn đối với sườn phía đông nam của mình cũng như đối với nỗ lực duy trì ảnh hưởng nổi trội của Ấn Độ ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương. Từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, New Delhi đã rất tích cực can dự và đến nay đã hỗ trợ Colombo gần 4 tỉ USD để tái cơ cấu nợ và có ngoại tệ để nhập hàng thiết yếu.

Với Mỹ, Sri Lanka đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mỹ đang tích cực thông qua IMF để giúp Sri Lanka vượt qua khủng hoảng, tuy nhiên sự giúp đỡ của IMF luôn kèm theo các điều kiện chặt chẽ khiến quá trình đàm phán bị trì hoãn cho đến nay.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhiem-vu-nang-ne-tren-vai-tan-tong-thong-sri-lanka-post690279.html