Nhẹ gánh tỷ giá, Nhiệt điện Hải Phòng báo lãi tăng gấp 3 lần

Hoạt động kinh doanh thuận lợi cùng diễn biến tích cực của thị trường ngoại hối là hai nguyên nhân chính giúp doanh nghiệp nhiệt điện vốn 5.000 tỷ đồng này báo lãi lớn. Thông báo lãi kỷ lục được đưa ra không lâu sau khi SCIC công bố kế hoạch thoái vốn trọn lô.

Nhẹ gánh tỷ giá nhờ sự ổn định của tiền đồng

CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HND) vừa công bố báo cáo tài chính cả năm 2019 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.265 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm trước. Với mức lãi ròng hơn 1.200 tỷ đồng, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu của công ty là 2.406 đồng.

Riêng trong quý IV, sản lượng điện thực phát tăng 548,8 triệu kWh, giúp doanh thu cao hơn 745 tỷ đồng so với quý 4/2018. Doanh thu cả năm của doanh nghiệp này đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Dù biên lợi nhuận giảm nhẹ 1 điểm phần trăm, từ 16,7% xuống 15,7%, lợi nhuận gộp riêng hoạt động kinh doanh vẫn tăng 180 tỷ đồng, đạt 1.776 tỷ đồng trong cả năm.

Ngoài gia tăng sản lượng điện, lỗ chênh lệch tỷ giá chỉ bằng 40% năm trước là nguyên nhân chính thứ hai giúp lợi nhuận cả năm tăng mạnh. Lỗ chênh lệch tỷ giá đến năm 2018 xấp xỉ 494 tỷ đồng, trong khi chỉ khoảng 14 tỷ đồng ở năm nay. Doanh nghiệp nhiệt điện này có khoản vay lớn bằng đồng đôla và yên Nhật. Cả hai đồng tiền này đều tăng thấp hơn so với cùng kỳ, thậm chí tiền đồng còn lên giá nhẹ so với đôla trong tháng cuối cùng của năm.

Các khoản nợ vay của Nhiệt điện Hải Phòng

Các khoản nợ vay của Nhiệt điện Hải Phòng

Lãi kỷ lục trước thêm thoái vốn

Nhiệt điện Hải Phòng nằm trong số các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng có quy mô vốn lớn (5.000 tỷ đồng). Tổng tài sản hiện ở mức 12.663 tỷ đồng, giảm được hơn 1.100 tỷ đồng trong cả năm vừa qua nhờ khấu hao bớt tài sản cố định. Doanh nghiệp này cũng đã trả dần bớt nợ vay ngắn và dài hạn, từ 7.252 tỷ đồng còn 5.397 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90% các khoản nợ là vay bằng ngoại tệ do vay lại từ Tập đoàn Điện lực (EVN).

Nhiệt điện Hải Phòng có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Tính theo mức giá đóng cửa ngày 17/1 (14.100 đồng/cp), vốn hóa thị trường hiện xấp xỉ 7.050 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo định giá của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), giá cổ phiếu HND tối thiểu ở mức 26.000 đồng/cổ phiếu. SCIC dự tính sẽ chào bán trọn lô toàn bộ 45 triệu cổ phần HND với giá khởi điểm trên trong quý I/2020.

Trong năm 2019, SCIC cũng nhiều lần đấu giá cổ phần tại doanh nghiệp với giá khởi điểm cao hơn đáng kể mức mà thị trường chấp nhận. Theo giải thích của ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC, khi xác định giá khởi điểm SCIC phải tuân thủ quy định là giá khởi điểm không thấp hơn trung bình giá cổ phiếu trong ít nhất 30 phiên liên tục trước khi chọn thời điểm chốt giá. Việc định giá theo các quy định mới là rất chặt chẽ, phải tính đủ, tính tối đa dựa trên tiềm năng doanh nghiệp, chứ không đơn thuần theo phương pháp định giá tài sản. Nhiều phiên đấu giá vì không tìm được tiếng nói chung về giá đã không thu hút được nhà đầu tư nào tham gia. Tuy nhiên, cú hích về lợi nhuận quý IV/2019 có thể giúp cơ hội thoái vốn của SCIC tại Nhiệt điện Hải Dương sáng hơn. Với mức EPS đạt hơn 2.000 đồng/cp, hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu sẽ ở mức 13 lần nếu tính theo giá khởi điểm mà SCIC đặt ra.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhe-ganh-ty-gia-nhiet-dien-hai-phong-bao-lai-tang-gap-3-lan-d114776.html