Nhật Bản siết chặt quản lý, xem xét xếp loại tiền mã hóa là sản phẩm tài chính

Với vị thế là một trong những quốc gia tiên phong công nhận tiền mã hóa, những thay đổi pháp lý tại Nhật Bản có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các quốc gia khác xem xét lại cách tiếp cận đối với lĩnh vực này.

Theo thông tin từ Nikkei, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản (FSA) đang lên kế hoạch đệ trình dự luật lên Quốc hội để sửa đổi Đạo luật Công cụ Tài chính và Giao dịch, với mục đích phân loại tiền mã hóa chính thức trở thành sản phẩm tài chính. Dự kiến, những thay đổi này sẽ được thực hiện sớm nhất vào năm 2026.

FSA hiện đang tiến hành xem xét các thay đổi thông qua các nhóm nghiên cứu nội bộ trước khi đưa ra đề xuất chính thức. Mặc dù nội dung cụ thể vẫn đang được hoàn thiện, nhưng động thái này có thể đưa tiền mã hóa vào phạm vi điều chỉnh của luật giao dịch nội gián - vốn đang áp dụng cho các sản phẩm tài chính truyền thống như cổ phiếu.

Theo giới chuyên gia nhận định, động thái này là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc cho thị trường tiền mã hóa tại Nhật Bản.

Đáng chú ý, có khả năng tiền mã hóa sẽ không được xếp cùng nhóm với các loại chứng khoán truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu, mà có thể được đưa vào một danh mục riêng biệt.

Không chỉ vậy, trong kế hoạch sắp tới, FSA sẽ mở rộng phạm vi quản lý của mình, đồng nghĩa với việc không chỉ các sàn giao dịch, mà tất cả các công ty, tổ chức kêu gọi vốn hoặc tiếp thị đầu tư liên quan đến tiền mã hóa đều sẽ phải đăng ký. Điều này sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường. Mặc dù trong dự thảo, FSA nhấn mạnh rằng quy định mới sẽ được áp dụng đối với tất cả các công ty cung cấp dịch vụ cho công dân Nhật Bản, bất kể họ đặt trụ sở ở đâu, song hiện vẫn chưa rõ luật sẽ được thực thi như thế nào đối với các tổ chức ở nước ngoài.

Một vấn đề còn bỏ ngỏ là cách thức phân biệt giữa các loại tiền mã hóa khác nhau. Hiện chưa rõ liệu FSA sẽ áp dụng cùng một chuẩn mực quản lý cho cả Bitcoin và Ether - những đồng tiền được giao dịch rộng rãi, cũng như các đồng tiền mã hóa mang tính đầu cơ và rủi ro cao như memecoin.

Thay đổi pháp lý sắp tới không phải là động thái riêng lẻ, mà nằm trong xu hướng ngày càng ủng hộ tiền mã hóa của Nhật Bản. Vào đầu tháng 3/2025, quốc gia này đã lần đầu tiên cấp phép cho một công ty giao dịch với stablecoin (đồng tiền ổn định).

SBI VC Trade, công ty con của Tập đoàn tài chính SBI, đã nhận được giấy phép này và thông báo đang chuẩn bị hỗ trợ USDC của Circle trên nền tảng của mình.

Bên cạnh đó, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản cũng đã tiến hành cải cách thuế quan trọng, cắt giảm thuế thu nhập từ vốn đối với giao dịch tiền mã hóa từ mức 55% xuống còn 20%, đồng thời phân loại tài sản điện tử thành một loại tài sản riêng biệt.

Một dấu hiệu khác cho thấy Nhật Bản đang ngày càng cởi mở với tiền mã hóa là báo cáo vào tháng 2/2025 cho biết, FSA đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm đối với các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa trên tiền điện tử.

Động thái này nhằm theo kịp với chính sách của các trung tâm tài chính khác trong khu vực, đặc biệt là Hồng Kông (Trung Quốc), nơi đã chấp thuận các quỹ ETF tiền mã hóa để giao dịch vào tháng 4/2024.

Hiện tại, tiền mã hóa vẫn được xếp loại là phương tiện thanh toán theo Luật Dịch vụ Thanh toán (Payment Services Act), khung pháp lý đã được ban hành từ năm 2017 sau vụ sụp đổ của Mt.Gox. "Tiền ảo" (virtual currency) được định nghĩa trong Luật Dịch vụ thanh toán 2017 là giá trị tài sản được lưu trữ điện tử, có thể sử dụng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ, có thể chuyển giao giữa các cá nhân; không được xem là "tiền" hoặc "tài sản được xem là tiền". Tuy nhiên, đến năm 2019, Nhật Bản đã sửa đổi lại các đạo luật liên quan đến "tiền ảo", tiến hành thay đổi thành "tài sản mã hóa" (crypto asset), nhằm mô tả chính xác hơn bản chất của tiền mã hóa.

Mặc dù vậy, trước làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ cùng số lượng tài khoản giao dịch bùng nổ, giới lập pháp nước này cho rằng đã đến lúc cần một khung pháp lý toàn diện và bắt kịp thời cuộc hơn.

Qui Ánh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhat-ban-siet-chat-quan-ly-xem-xet-xep-loai-tien-ma-hoa-la-san-pham-tai-chinh-post366508.html