Nhật Bản sẵn sàng áp dụng biện pháp hạn chế đám đông leo núi Phú Sĩ

Các nhà chức trách Nhật Bản đang chuẩn bị để cuối tuần này, lần đầu tiên áp dụng các biện pháp kiểm soát đám đông trên núi Phú Sĩ khi kỳ nghỉ lễ sắp tới dự kiến sẽ có hàng ngàn người đổ xô đến leo núi, đôi khi họ sẽ không chuẩn bị kỹ lưỡng.

Số người leo núi Phú Sĩ ngày một tăng, gây mất an toàn, buộc chính phủ Nhật Bản phải ra biện pháp hạn chế. Ảnh minh họa: AFP/Báo Thanh Niên

Ngọn núi lửa phủ tuyết nổi tiếng của Nhật Bản đã và đang mở cửa cho những người leo núi từ tháng 7 – tháng 9, qua đó thu hút hàng trăm nghìn người thường xuyên đến leo núi hàng đêm đến ngắm bình minh vào sáng hôm sau.

Cùng với sự quay lại của khách du lịch nước ngoài sau khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ, kỳ nghỉ cuối tuần này dự kiến sẽ chứng kiến số lượng du khách tăng đột biến, với xe buýt, tàu lửa và khách sạn đã được đặt trước nhiều tuần.

Đám đông leo lên ngọn núi lửa đang hoạt động, có độ cao 3.776m cũng có thể sẽ đông hơn bình thường nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Các nhà chức trách cho biết, các biện pháp được lên kế hoạch – lần đầu tiên dành cho núi Phú Sĩ – sẽ không có nghĩa là cấm hoàn toàn mọi người đến núi Phú Sĩ, nhưng nhằm mục đích “hướng dẫn” những người leo núi, người đi bộ đường dài trên những con đường mòn lên đỉnh núi có thể tạm dừng hành trình này của mình vì nhiều trường hợp có thể đã quá đông.

Theo chính sách này, cảnh sát địa phương sẽ được cảnh báo và khuyến khích cân nhắc nếu những con đường mòn trở nên đông đúc đến mức “làm tăng nguy cơ đá rơi và làm người đi bộ vấp ngã”, chính quyền địa phương từ vùng Yamanashi cho biết trong một tuyên bố.

Ghi nhận vào tháng trước, khoảng 65.000 người đã leo núi Phú Sĩ, tăng khoảng 17% so với mức trước dịch vào năm 2019.

Núi Phú Sĩ nằm giữa các vùng Yamanashi và Shizuoka, trung tâm của Nhật Bản và điểm khởi đầu cho hành trình leo núi là cách trung tâm Tokyo khoảng 2 giờ đi tàu. Tuy nhiên, ngọn núi có thể được nhìn thấy từ xa, cách hàng dặm và núi này đã trở thành hình tượng bất tử trong vô số tác phẩm nghệ thuật của Nhật Bản, bao gồm cả bức tranh in mộc bản “Sóng lừng ngoài khơi” nổi tiếng của họa sĩ Kasushika Hokusai.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/nhat-ban-san-sang-ap-dung-bien-phap-han-che-dam-dong-leo-nui-phu-si-130862.html