Nhật Bản phát hành mẫu tiền giấy mới sau 20 năm

Nhật Bản phát hành 3 loại tiền giấy mới với mệnh giá 10.000 yen, 5.000 yen và 1.000 yen rất khó làm giả, các con số được in trên tờ tiền bằng phông chữ lớn dễ đọc hơn.

 Những tờ tiền mới của Nhật Bản được thiết kế với tính năng chống làm giả công nghệ cao, bao gồm hình ảnh 3D thay đổi theo góc nhìn. Ảnh: Mizuho Miyazaki/Nikkei Asian.

Những tờ tiền mới của Nhật Bản được thiết kế với tính năng chống làm giả công nghệ cao, bao gồm hình ảnh 3D thay đổi theo góc nhìn. Ảnh: Mizuho Miyazaki/Nikkei Asian.

Nhật Bản, quốc gia ưa chuộng tiền mặt đang có những tờ tiền mới trong lần thiết kế lại đầu tiên sau 20 năm, tích hợp công nghệ tiên tiến để tăng cường tính bảo mật và khả năng sử dụng, theo Nikkei Asian.

Ngân hàng Nhật Bản đã bắt đầu phát hành loại tiền giấy này từ ngày 3/7. Ba loại tiền giấy mới với mệnh giá 10.000 yen, 5.000 yen và 1.000 yen sử dụng các mẫu in để tạo ra ảnh 3D, từ các bức chân dung nhân vật nhìn về nhiều hướng khác nhau, tùy thuộc vào góc nhìn.

Đây là công nghệ đầu tiên trên thế giới dành cho tiền giấy theo mô tả của Cục In ấn quốc gia Nhật Bản. Tiền mới khó làm giả, đồng thời các con số được in trên tờ tiền bằng phông chữ lớn dễ đọc hơn.

Một số thay đổi nhỏ trong bản thiết kế bao gồm phóng to chữ số Ả Rập trên đồng tiền và đưa chúng dịch vào trung tâm hơn.

Hình ảnh chân dung ở mặt trước của tờ tiền cũng được thay đổi, thể hiện ba nhân vật có ảnh hưởng từ thời Minh Trị (1868-1912), khi Nhật Bản bắt đầu công cuộc hiện đại hóa.

Tờ tiền mới có mệnh giá 10.000 yen sẽ in hình ông Eiichi Shibusawa, vốn được biết là "cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản".

Tờ tiền mệnh giá 5.000 yen sẽ in hình bà Umeko Tsuda, vốn là một nhà giáo dục có tư tưởng tiến bộ, đi đầu trong phong trào giáo dục cho phụ nữ.

Trong khi đó, tờ tiền mệnh giá 1.000 yen sẽ in hình nhà vi sinh vật học Shibasaburo Kitasato, người phát triển liệu pháp huyết thanh chữa uốn ván và được biết đến là cha đẻ của nền y học hiện đại Nhật Bản.

Mặt còn lại của 3 tờ tiền lần lượt in hình nhà ga Tokyo, hoa tử đằng Nhật Bản và bức tranh núi Phú Sĩ của họa sĩ Katsushika Hokusai.

Lý do Nhật Bản thay đổi tiền giấy lần này được cho là nhờ những tiến bộ trong công nghệ in ấn, cũng như hướng tới thiết kế phổ quát, mục đích giúp tiền giấy dễ sử dụng hơn đối với người khiếm thị và người nước ngoài. Ký hiệu xúc giác sẽ cho phép người khiếm thị dễ dàng nhận biết các tờ tiền mà họ đang cầm.

Viện Nghiên cứu Nomura Research Institute ước tính việc phát hành tiền mới này sẽ khiến Nhật Bản tốn thêm 1,63 nghìn tỷ yen (khoảng 10 tỷ USD) chi phí để cập nhật hệ thống, từ máy ATM, máy bán vé tàu xe cho đến các máy bán hàng tự động nhằm nhận diện được tiền mới.

Một cuộc khảo sát của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy hơn 90% máy ATM của ngân hàng hoặc máy rút tiền tự động tại nước này có thể xử lý các tờ tiền mới khi chúng được đưa vào lưu thông; khoảng 80-90% máy tính tiền tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị lớn cũng đã sẵn sàng xử lý tiền mới.

Nhưng dự kiến chỉ có khoảng 20-30% máy bán đồ uống tự động hoàn tất việc điều chỉnh kịp thời với tiền mới vừa được phát hành.

Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản có công nghệ tự động hóa cao nhằm tiết kiệm lao động vì dân số lão hóa nhanh. Máy móc không nhận diện tiền mặt mới sẽ khiến nhiều hoạt động giao thương bị ảnh hưởng.

Tính đến năm 2021, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Nhật Bản là 32,5%, kém xa so với tỷ lệ 95,3% của Hàn Quốc và 83,8% của Trung Quốc. Mặc dù tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt sau đó tăng lên 39,3% vào năm 2023, đa số người Nhật vẫn có xu hướng ưa chuộng tiền mặt.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhat-ban-phat-hanh-mau-tien-giay-moi-sau-20-nam-post1484341.html