Nhân sự có còn là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp trong đại dịch?

Khi hoạt động thuận buồm xuôi gió, nhân sự luôn được xem là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Thế nhưng, tới khi khó khăn, cắt giảm nhân sự là một trong những giải pháp được đưa ra.

Theo khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.

Trước thực trạng đó, doanh nghiệp Việt Nam trong khắp mọi lĩnh vực đã đưa ra các giải pháp ứng phó, như tiết giảm chi phí, đổi mới sản phẩm và kênh bán hàng, giảm lương, thậm chí sa thải hàng loạt nhân viên...

Trong đó, câu hỏi hóc búa khiến các chủ doanh nghiệp đau đầu nhất có lẽ là bài toán nhân sự. Bởi có một mâu thuẫn, khi thuận buồm xuôi gió, các nhà lãnh đạo vẫn luôn khẳng định rằng nhân sự chính là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Thế nhưng, tới khi gặp khó khăn, nhân sự lại "tài sản" bị cắt giảm trước nhất?

Trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Hoàng Trung - Nhà sáng lập & CEO Loship cho biết, khi thị trường biến động, việc đầu tiên cần đảm bảo đối với doanh nghiệp là không có sự thay đổi về vị trí làm việc.

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung khẳng định sẽ không có chuyện cắt giảm nhân sự để đối phó với đại dịch Covid-19

CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung khẳng định sẽ không có chuyện cắt giảm nhân sự để đối phó với đại dịch Covid-19

"Nhân sự là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, và Loship sẽ không cắt giảm hoặc sa thải nhân sự để ứng phó với đại dịch. Chúng tôi đã cùng đồng hành trong khoảng thời gian tốt đẹp, và vẫn sẽ đi cùng nhau qua những tháng ngày tồi tệ. Người giỏi không phải là bạn làm gì khi mọi thứ điều tốt, người giỏi là người thực sự phản ứng, khi sự khủng hoảng diễn ra và bạn mạnh mẽ dẫn dắt mọi người đi qua những thời điểm khó khăn.” Ông Nguyễn Hoàng Trung - CEO Loship cho biết.

Loship thời gian qua không tiếp tục tuyển mới, nhưng cũng không cho bất cứ ai kết thúc công việc. Theo ông Trung, mọi khoản chi tiêu trong giai đoạn nhạy cảm này đều sẽ phải thận trọng hơn: "Chúng ta cần phải chắc chắn rằng, chúng ta đang không chi tiêu như một ông Hoàng trong điều kiện tồi tệ của nền kinh tế. Mọi khoản chi đều là 'phí', chỉ riêng dành cho nhân sự là không phí".

"Những khoản chi khác như marketing, trang thiết bị hay văn phòng phẩm sẽ phần nào bị cắt giảm, nhưng chi phí về nhân sự vẫn sẽ được giữ nguyên. Bộ nhận nhân sự cần đảm bảo rằng mọi nhân viên đều phải được định hướng và giúp đỡ trong thời điểm này để họ không cảm thấy hoang mang và an tâm trong công việc", CEO Loship nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Loship cũng thể hiện sự quan tâm với các đối tác tài xế. Được biết, công ty đã cung cấp miễn phí khẩu trang và dung dịch rửa tay cho toàn bộ tài xế; đồng thời trang bị cho họ đầy đủ kiến thức và biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và khách hàng.

Đặc biệt, phía Loship đã tạm thời ngưng hình thức thanh toán trực tiếp cho tài xế bằng tiền mặt, và chuyển sang hình thức thanh toán online. Tùy vào tình hình diễn biến dịch bệnh, Loship sẽ đưa ra chính sách đảm bảo thu nhập bình quân hàng tháng dành cho những đối tác tài xế có hiệu suất hoạt động cao, đồng thời có mức hỗ trợ tài chính trong trường hợp tài xế dương tính với Covid-19 theo xác nhận của cơ quan y tế.

Nhiều startup chọn phương án làm việc từ xa trong đợt cao điểm dịch Covid-19

Nhiều startup chọn phương án làm việc từ xa trong đợt cao điểm dịch Covid-19

Ông Phạm Kim Hùng - nhà sáng lập & CEO Base.vn đánh giá, Covid-19 thực sự đã dồn nhiều doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, khiến không ít chủ doanh nghiệp phải đứng trước bài toán cắt giảm nhân sự, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, thậm chí phải chuyển đổi mô hình và cách thức làm việc.

"Đứng ở góc độ nhân sự mà nói, việc cần làm nhất hiện nay là củng cố niềm tin với người lao động, tránh tâm lý bất ổn hoặc hoang mang trong tổ chức, làm sao để tất cả cùng nhìn về một hướng và đồng lòng vượt qua thử thách này", ông Hùng chia sẻ.

Người đứng đầu Base.vn cho biết, ngay sau khi nhận thấy Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ông đã họp toàn công ty nhằm chia sẻ về bức tranh chung, đồng thời giúp nhân sự hiểu được những khó khăn mà startup đang đối mặt, cũng như cách mà startup sẽ hành xử trong từng trường hợp cụ thể xảy ra.

"Riêng về vấn đề văn hóa, chúng tôi quan tâm đến tính kết nối về mặt tinh thần trong một tổ chức nhiều hơn là những quy tắc. Tất nhiên, quy tắc thì vẫn phải có để đảm bảo mọi thứ diễn ra một cách minh bạch rõ ràng. Nhưng để giải quyết được gốc rễ của vấn đề thì chính là tinh thần doanh nghiệp, rằng nhân viên sẽ đối mặt với thử thách như thế nào, mọi người có thực sự hiểu về khó khăn mà chúng ta đang phải trải qua và có cùng chia sẻ điều đó hay không", CEO Base.vn chia sẻ.

Hiện tại, lãnh đạo Base.vn cho biết, startup này vẫn chưa có sự điều chỉnh hay cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, chính sách lương thưởng vẫn đang duy trì đều đặn. Thay đổi lớn nhất ở startup này là đã chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa, phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay.

Các chuỗi nhà hàng, quán cà phê chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19

Các chuỗi nhà hàng, quán cà phê chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19

Trong khi đó, ở các chuỗi nhà hàng, quán cà phê nói chung, phương án cắt giảm nhân sự trở nên cấp bách hơn. Bởi doanh thu của các doanh nghiệp F&B ở thời điểm này hầu như không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như: tiền lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... dù có chuyển hướng sang các kênh online.

Golden Gate - một thương hiệu mạnh trong ngành F&B đã thông báo tạm thời dừng hoạt động 35 nhà hàng và 1 quán cafe tại Hà Nội. Đi cùng với đó là quyết định cho nghỉ việc vô thời hạn rất nhiều nhân sự, bao gồm cả các cấp quản lý.

Ông Vũ Việt Anh - nhà sáng lập & CEO Gemini Coffee xác nhận, chuỗi cà phê có 32 cửa hàng trên toàn quốc đã tạm đóng cửa khi có Chỉ thị của Chính phủ. Ngoài việc tạm thời đóng các mặt bằng, vị CEO cho biết trước mắt đã giảm các nhân sự bán thời gian, các cộng tác viên và chỉ giữ lại các nhân sự chủ chốt.

"Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi để doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động trở lại. Thời gian này, nhiều doanh nghiệp F&B chọn phương án chuyển hướng sang kênh online cũng là một giải pháp. Nhưng đi cùng với đó là các rủi ro liên quan tới sức khỏe nhân viên, mà chúng tôi chưa thể lường hết", ông Việt Anh nói.

Doanh nghiệp cố gắng không thải hồi lao động

Sáng 1/4, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tôi yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân. Tôi xin nhắc lại thời gian 15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta.

Có bà cụ gần 90 tuổi ở Hà Tĩnh đã mang 5 kg gạo cùng rau trong vườn đi bộ đưa tới điểm cách ly để ủng hộ người bên trong. Có em bé lấy tiền lì xì trong dịp Tết để hỗ trợ phòng chống dịch. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì vận động cùng với Chính phủ, đã huy động bước đầu trên 600 tỷ đồng cho phòng chống dịch. Chúng ta đã nêu cao tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn, chưa bao giờ một khí thế đoàn kết, hỗ trợ quyết tâm như thế ở nước ta trong 3 tháng qua và đặc biệt những tháng gần đây".

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/nhan-su-co-con-la-tai-san-lon-nhat-cua-doanh-nghiep-trong-dai-dich-1585729309204.htm