Nhân rộng mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường

Sáng ngày 4-6, 31 khu dân cư tiêu biểu trên cả nước đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen cho những kết quả đạt được trong việc xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Đây là thông tin từ hội nghị tổng kết xây dựng và nhân rộng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND Thừa Thiên - Huế tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới.

Ba mô hình điểm về môi trường

Triển khai từ năm 2008, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ phối hợp cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thốt Nốt và quận Ô Môn xây dựng mô hình điểm khu dân cư “Tự quản bảo vệ môi trường” tại khu vực Quy Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt và khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Hai khu dân cư Quy Thạnh 1, phường Trung Kiên và khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, trước khi được chọn xây dựng mô hình còn là ấp thuộc xã, huyện ngoại thành. Phần lớn nhân dân sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, thủy sản, một bộ phận chuyển ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, mua bán nhỏ. Tuy nhiên, nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường của nhân dân còn hạn chế. Do vậy, cảnh quan môi trường, nhất là ở những nơi công cộng, ngõ hẻm, ao chứa nước đọng, sông rạch còn nhiều rác thải; thói quen vứt rác, xác súc vật còn bừa bãi; mùi hôi thối ở các khu chợ, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát tán ảnh hưởng môi trường xung quanh. Chuồng trại chăn nuôi gần nhà ở, không xử lý phân từ gia súc, gia cầm. Số hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh còn hạn chế, một bộ phận người dân còn sử dụng nước sinh hoạt trực tiếp từ sông, rạch bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, nước thải nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng đến sức khỏe…

Qua năm năm triển khai mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường, người dân đã ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, tham gia phát quang đường làng, ngõ hẻm, sử dụng nguồn nước sạch, công trình vệ sinh gia đình, nhà tiêu, nhà tắm, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, thủy sản tốt hơn.

Thông qua mô hình này, cộng đồng dân cư thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, góp phần xây dựng đường cống thoát nước, tránh ngập úng, cầu đường bê-tông, rải cát giao thông nông thôn, tạo vẻ mĩ quan cho khu dân cư với kinh phí bốn tỷ đồng.

Khu dân cư Đà Vỹ Dưới, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, trước khi chưa xây dựng mô hình khu dân cư có 15/52 hộ nghèo, đường giao thông nông thôn là đường đất, chuồng trại chăn nuôi gia súc ở dưới gầm nhà sàn chiếm 80%. Công trình nhà tiêu đa phần dùng bằng hố đất, bắc cầu bằng tre nứa tạm bợ, chưa có nhà tắm; có 25/52 hộ dùng hệ thống nước sạch, chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng. Phong tục tập quán sinh hoạt còn theo nếp cũ, chăn nuôi chưa được phát triển, sản xuất nông nghiệp một vụ/ năm.

Năm 2010, khu dân cư Đà Vỹ Dưới xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”. Khu dân cư thực hiện bốn tổ tự quản môi trường, mỗi tổ có từ mười gia đình theo khu dân cư tập trung. Sau khi tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng môi trường trong khu dân cư, xây dựng quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường, đồng thời tổ chức họp nhân dân để nhân dân bàn và góp ý, ban vận động khu dân cư đã biên soạn thành 12 nội dung về bảo vệ môi trường và phát cho các gia đình cam kết thực hiện.

Sau ba năm, 100% hộ gia đình ở đây đã sử dụng nước sạch, 100% đường làng được bê-tông hóa, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng; vận động nhân dân đưa chuồng gia súc ra khỏi gầm nhà sàn được 45/52 hộ, 90% hộ gia đình có nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh; các phong tục tập quán cũ được tổ chức theo nếp sống mới, tiết kiệm, gọn nhẹ, phù hợp với phong tục địa phương. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế được nhân dân đồng tình ủng hộ tham gia, nhân dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất. 90% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn, 85% hộ gia đình có xe máy.

Ba khu dân cư nói trên chỉ là một trong số các khu dân cư điểm đã đạt những kết quả nổi bật trong việc xây dựng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường. Đến năm 2011, Ban Chủ nhiệm chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường đã triển khai xây dựng ba loại hình khu dân cư bảo vệ môi trường ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước: mô hình lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”.

Kết quả từ các mô hình điểm

Đánh giá kết quả của việc xây dựng các mô hình điểm, ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường cho hay, từ hoạt động của các mô hình điểm công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường đi vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, sát với đời sống của cộng đồng dân cư như: cùng nhau thực hiện tổng vệ sinh vào sang thứ bảy, hoặc ngày chủ nhật xanh - sạch, giữ gìn cảnh quan khu dân cư… hằng tuần được duy trì đều đặn. Bước đầu đã hình thành được thói quen, phương pháp thực hiện trách nhiệm giám sát và tự giám sát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại khu dân cư.

Về cơ bản, người dân ở các khu dân cư xây dựng mô hình điểm đã dần khắc phục được những thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu, chỉ lo phát triển kinh tế với bất cứ phương thức canh tác, sản xuất, kinh doanh nào để thoát khỏi đói nghèo mà quên đi yêu cầu phải bảo đảm sự trong sạch, bền vững của môi trường.

Tuy nhiên, ông Trình cũng cho rằng, nhận thức về vai trò, trách nhiêm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với hệ thống mặt trận triển khai xây dựng các mô hình điểm chưa được đồng đều, có nơi còn giao khoán cho cán bộ Mặt trận. Trong khi đó, hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở và Ban Mặt trận ở một số khu dân cư xây dựng mô hình điểm còn nhiều hạn chế. Năng lực, trình độ của các thành viên trong ban vận động ở một số mô hình điểm còn yếu, còn lúng túng.

Kinh phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp môi trường ở Trung ương để đầu tư duy trì, nhân rộng các mô hình điểm cho các địa phương ngày càng khó khăn.

Bên cạnh đó, do thói quen, sinh hoạt, tập quán còn lạc hậu ở một số loại hình khu dân cư, đặc biệt tác động của cơ chế thị trường nên ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân và tổ chức, doanh nghiệp ở các cộng đồng dân cư chưa thực sự chuyển biến rõ nét, gây khó khăn cho việc xây dựng mô hình điểm.

Ông Phùng Khánh Tài, Chánh Văn phòng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm chương trình Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường cho biết, dựa trên những kết quả đã đạt được, bắt đầu từ năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đưa việc triển khai, thực hiện các mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường thành một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ VN các cấp tham gia bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, Ban Chủ nhiệm chương trình sẽ tiến hành xuât dựng mới mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng” ở các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, trước mắt là những địa phương ven biển, vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện một mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường báo cáo tại hội nghị.

LÊ HẠNH NGUYÊN

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/khoahoc/moi-truong/item/20485102-.html