Nhân rộng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng

Từ năm 1993, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (chương trình IPM) được đưa vào áp dụng tại tỉnh Quảng Trị trên nhiều loại cây trồng như lúa, lạc, hồ tiêu, cà phê… Đến nay, chương trình đã chứng minh được tính ưu việt trong quản lý các đối tượng dịch hại, thay đổi thói quen sản xuất của người dân, giảm phần lớn lượng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường và sức khỏe của Nhân dân.

 Thí nghiệm cắt lá (giả tạo sâu ăn lá) của lớp tập huấn IPM ở Gio Linh - Ảnh: T.T

Thí nghiệm cắt lá (giả tạo sâu ăn lá) của lớp tập huấn IPM ở Gio Linh - Ảnh: T.T

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đột phá theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, áp lực tăng năng suất, diễn biến sâu bệnh ngày càng phức tạp, khó lường, nhiều đối tượng dịch hại mới phát sinh, khó kiểm soát ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Trước áp lực đó, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học diễn ra phổ biến trong quá trình sản xuất các loại cây trồng. Tính trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng 83 tấn thuốc BVTV, 86.000 tấn phân bón các loại.

Là một trong những hợp tác xã (HTX) đi đầu áp dụng bài bản chương trình IPM trên cây trồng từ năm 2016, đến nay, IPM đã thay đổi nhận thức của thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị (HTX Phước Thị), xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh một cách rõ rệt. Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị chia sẻ: “Người dân đã hoàn toàn thay đổi lối canh tác trong sản xuất cây lúa. Khi xảy ra sâu bệnh, cán bộ Trạm Trồng trọt - BVTV và HTX đi thăm đồng kiểm tra và đưa ra biện pháp khuyến cáo phù hợp cho người dân. Từ đó đã giảm đáng kể số lần phun thuốc BVTV, bảo vệ được môi trường, hệ sinh thái, nhất là thiên địch trên đồng ruộng, đảm bảo sức khỏe của con người, vật nuôi. Từ khi áp dụng IPM, toàn bộ diện tích 140 ha lúa của HTX ít xảy ra sâu bệnh, 23 ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ đảm bảo năng suất, tiêu chuẩn để doanh nghiệp thẩm định chất lượng đạt yêu cầu trước khi thu mua”.

Triển khai chương trình IPM vào sản xuất trên địa bàn tỉnh, đến nay có khoảng 4.124 ha các loại cây trồng được áp dụng và 9.510 nông dân được đào tạo IPM. Với phương pháp “cầm tay chỉ việc”, đội ngũ giảng viên IPM và cán bộ các trạm trồng trọt - BVTV ở cơ sở đã đào tạo nông dân thực tế trên các mô hình trình diễn và cuối vụ tổ chức tổng kết, đánh giá nhân rông mô hình. Cứ như vậy qua nhiều vụ, hầu hết nông dân đã nắm bắt cơ bản về chương trình IPM. Việc áp dụng chương trình IPM trên các loại cây trồng đã giúp người dân sử dụng các loại thuốc, phân bón một cách hợp lý, khoa học hơn. So với năm 2015, tỉ lệ các hộ nông dân quay trở lại dùng phân hữu cơ tăng 19,3%, giảm 9,4% lượng thuốc hóa học được sử dụng, đồng thời lượng thuốc BVTV sinh học tăng 6,4%, lượng lúa giống gieo sạ giảm 15,9%. Năng suất các loại cây trồng khi áp dụng chương trình đều tăng, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với sản xuất đại trà từ 10 - 15%. Cụ thể, cứ bình quân 1 ha lúa, chương trình đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả thâm canh từ 2,4 - 4,2 triệu đồng, trồng rau, người dân có lãi thêm từ 0,5 - 2 triệu đồng/sào, đối với cà phê người nông dân có khoản thu nhập tăng thêm 2 - 3 triệu đồng/ha do tiết kiệm được phân bón, thuốc BVTV và chênh lệch năng suất. Đặc biệt, đối với cây rau, lượng thuốc BVTV, phân đạm giảm đáng kể, số lần phun thuốc giảm từ 4 - 5 lần xuống còn 1 - 2 lần, dư lượng các loại hóa chất đều ở dưới ngưỡng cho phép, sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật IPM giúp giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, mang lại hiệu quả sản xuất. Các biện pháp áp dụng trong IPM còn là cơ sở để phát triển các tiến bộ kỹ thuật như ICM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, rau an toàn, thực hành nông nghiệp tốt - GAP, hệ thống thâm canh lúa cải tiến - SRI,… là nền tảng định hướng sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sinh vật gây hại và canh tác theo hướng hữu cơ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng chương trình IPM vào sản xuất thời gian qua vẫn chưa được lan tỏa trên diện rộng, trên nhiều loại cây trồng mới có giá trị. Số lượng người nông dân được đào tạo và diện tích áp dụng chương trình đang còn hạn chế. Người dân vẫn còn sản xuất theo truyền thống, sử dụng nhiều phân bón vô cơ và thuốc BVTV. Qua khảo sát cho thấy, nhu cầu nông dân cần được đào tạo, hướng dẫn nhân rộng chương trình IPM trên các loại cây trồng hiện tại là rất lớn nhưng đội ngũ giảng viên IPM được Cục Bảo vệ thực vật đào tạo từ năm 1993 đến nay chỉ còn 9 giảng viên tham gia giảng dạy. Đây là một trong những khó khăn cho việc triển khai công tác huấn luyện, áp dụng chương trình trên diện rộng thời gian tới. Một khó khăn nữa là chưa có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ phát triển và nhân rộng chương trình IPM đáp ứng nhu cầu phát triển của người sản xuất.

Đẩy mạnh ứng dụng chương trình IPM trên các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh làm nền tảng cho sản xuất hữu cơ, giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống là mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo giảng viên IPM trên các loại cây trồng, huấn luyện nông dân nòng cốt cùng với xây dựng mô hình thực hành về IPM, tổ chức các hội nghị đầu bờ, xây dựng mô hình cánh đồng lớn áp dụng IPM, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình thực hành IPM. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về IPM cho tất cả đối tượng liên quan trong từng chuỗi sản phẩm. Khuyến khích các thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất, từ doanh nghiệp sản xuất cung ứng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, đến doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản... có trách nhiệm gắn kết, có cơ chế ưu tiên nguồn lực và phối hợp triển khai áp dụng chương trình IPM.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=160212&title=nhan-rong-chuong-trinh-quan-ly-dich-hai-tong-hop-tren-cay-trong