Nhân loại trước thách thức cuộc chiến kinh tế vì tài nguyên

Khi các tài nguyên như dầu mỏ, khoáng chất, than đá, nước ngọt… và gỗ trên thế giới đang có nguy cơ cạn kiệt, các quốc gia đang cạnh tranh để giành lấy những gì còn lại. Mức độ nghiêm trọng của vấn đề sẽ khiến các quốc gia phải thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo nguồn dự trữ, dẫn đến những xung đột, làm thay đổi thế giới đương đại.

Liên hợp quốc dự báo, dân số toàn cầu sẽ tăng lên 7,95 tỷ vào năm 2025 và khoảng 9 tỷ vào năm 2050. Điều này sẽ thúc đẩy hơn bao giờ hết sự cạnh tranh vốn đã khốc liệt giữa các quốc gia trong tìm nguồn cung cấp nguyên liệu thô. Hàng triệu người từ nghèo đói ở một số quốc gia nay đang chuyển sang tầng lớp trung lưu. Trong số đó có 1,3 tỷ công dân Trung Quốc và 1,1 tỷ của Ấn Độ. Họ sắm ô tô, mua các thiết bị gia dụng, sắm đồ điện tử và ăn với chế độ giàu protein... như các quốc gia công nghiệp phương Tây.

Cuộc chiến kinh tế vì tài nguyên đang dẫn đến những xung đột, làm thay đổi thế giới đương đại. (Nguồn: Modern Diplomacy)

Cuộc chiến kinh tế vì tài nguyên đang dẫn đến những xung đột, làm thay đổi thế giới đương đại. (Nguồn: Modern Diplomacy)

Sự gia tăng dân số và sự thịnh vượng đã thúc đẩy nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên tăng vọt. Cầu đã vượt cung, giá các tài nguyên quan trọng như dầu mỏ, khoáng sản và hàng hóa đã tăng chóng mặt, tạo ra những thách thức đối với sự ổn định và phát triển.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nạn đói xảy ra vào năm 2008, sau khi giá nguyên liệu thô nông nghiệp tăng mạnh, đã thúc đẩy phong trào mua lại đất canh tác trên toàn cầu, bởi các nhà đầu tư nước ngoài, mà Mỹ, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia là những khách mua chính. Mục tiêu của họ là châu Phi và châu Mỹ Latinh, nơi có 90% diện tích đất canh tác chưa được khai thác.

Cuộc chiến nguồn nước ngày càng cam go

Con người không thể sống thiếu nước ngọt. Nước ngọt cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và vệ sinh... Hơn hai phần ba bề mặt Trái đất được bao phủ bởi nước, tuy nhiên, chỉ có 2,5% trong số đó là nước ngọt, còn lại là nước mặn, không thể sử dụng được. Thêm vào đó, khoảng 70% nước được chứa dưới dạng băng ở hai cực Bắc và Nam, phần lớn phần còn lại nằm trong đất dưới dạng hơi ẩm hoặc trong các tầng chứa nước sâu dưới lòng đất mà con người không thể tiếp cận. Điều này có nghĩa là con người có thể tiếp cận được ít hơn 1% tổng lượng nước ngọt trên Trái đất.

Ngày nay, nhiều con sông lớn nhất thế giới - sông Nile ở Ai Cập, sông Hoàng Hà ở Trung Quốc, sông Indus ở Pakistan, Rio Grande và Colorado ở Mỹ, sông Murray ở Australia và sông Jordan ở Trung Đông - đã cạn kiệt trước khi chảy ra đến biển. Nhiều con sông chính được chia sẻ bởi hai hoặc nhiều quốc gia ở những khu vực khô hạn hoặc bán khô hạn. Chẳng hạn như sông Nile (Ai Cập, Ethiopia và Sudan), sông Jordan (Israel, Lebanon, Jordan và Syria); Tigris và Euphrates (Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ); Indus (Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan); Amu Darya (Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan)... Theo đó, sự phụ thuộc lẫn nhau đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho xung đột.

Trong 40 năm qua, lượng nước rút từ sông và hồ đã tăng gấp đôi do dân số và nhu cầu sử dụng công nghiệp ngày càng tăng. Con người hiện sử dụng 40% đến 50% tổng lượng nước ngọt tự nhiên. Trong vòng 50 năm tới, dân số thế giới tăng cùng với sự gia tăng công nghiệp hóa và đô thị hóa, sẽ dẫn đến nhu cầu về nước lớn hơn, do đó làm căng thẳng nguồn cung tài nguyên hạn chế này. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy có khoảng 300 cuộc xung đột tiềm ẩn về nước trên khắp thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 1/6 dân số thế giới không được tiếp cận với nước sạch, trong khi 40% không được tiếp cận với các dịch vụ vệ sinh thích hợp.

Cuộc đua giành giật các giếng dầu

Với giá dầu trên 100 USD/thùng và đang tăng, các chuyên gia ngày càng đồng thuận rằng thời kỳ dầu giá rẻ đã kết thúc. Và với thế giới đô thị hóa, công nghệ phức tạp, nhu cầu về dầu chưa bao giờ lớn như vậy. Dầu chiếm 43% lượng tiêu thụ nhiên liệu của thế giới và 95% trong số này được sử dụng cho giao thông vận tải. Bộ Năng lượng Mỹ đã ước tính, tiêu thụ dầu toàn cầu tăng từ 77 triệu thùng/ngày vào năm 2000 lên 110 triệu vào năm 2020 - tăng 43%.

Nếu phân tích này đúng, khoảng 670 tỷ thùng dầu sẽ được tiêu thụ trong thời gian đó, tương đương với khoảng 2/3 trữ lượng dầu được biết đến của thế giới. Mặc dù có khả năng phát hiện nguồn dự trữ mới, nhưng nguồn cung có thể sẽ không theo kịp nhu cầu, đặc biệt là với việc sử dụng năng lượng tăng vọt ở các xã hội phương Tây và sự xuất hiện của các gã “khổng lồ” kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ.

Người ta ước tính, tại 54/65 quốc gia sản xuất dầu lớn nhất, sản lượng dầu đã đạt đỉnh và hiện đang suy giảm, bao gồm Mỹ, Indonesia, Australia, các quốc gia dọc theo Biển Bắc và Mexico. Điều đáng quan tâm là phần lớn dầu được sản xuất ngày nay là dầu thô chua nặng (biểu thị ở đáy giếng), không phải dầu thô ngọt nhẹ (ở trên cùng). Những nơi có thể tìm thấy và khai thác và chứa dầu trên thế giới đang giảm dần, và cầu sẽ vượt xa nguồn cung trong tương lai gần.

Khi các quốc gia tìm kiếm nguồn cung cấp mới, một số nguồn hứa hẹn nhất nằm ở các khu vực ngoài khơi đang bị tranh chấp gay gắt, bao gồm Biển Caspi, Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ, Biển Timor và Vịnh Guinea. Ngay cả ở những khu vực không có nguồn dự trữ tranh chấp, vẫn có những lo ngại về khả năng khai thác trong tương lai vì bất ổn chính trị và xã hội, chiến tranh hoặc sự đối địch giữa các chính phủ, bao gồm các quốc gia như Algeria, Indonesia, Nigeria, Sudan, Iran, Iraq, Venezuela, Colombia, Angola và Saudi Arabia.

Việc tìm kiếm dầu đang khiến các quốc gia phát triển các liên minh mới, chẳng hạn như việc Trung Quốc tài trợ cho sự phát triển của châu Phi, Mỹ và châu Âu tiến vào các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á và sự quan tâm của Nhật Bản đối với các mỏ dầu ở Siberia. Các điểm nóng tiềm năng bao gồm Vịnh Ba Tư, Sudan, Venezuela, Nigeria, Biển Caspi, Chad, Algeria, Angola và Biển Đông. Những khu vực này chứa khoảng 80% nguồn cung dầu của thế giới.

Vấn đề về hydrocarbon luôn là trung tâm của trò chơi quyền lực. Sau khi khai thác thành công trữ lượng khí đá phiến, Mỹ một lần nữa sẽ tự cung tự cấp. Saudi Arabia, một nhà cung cấp chính trước đây, hiện lo ngại về việc nới lỏng mối ràng buộc với nước Mỹ, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến mối quan hệ với Iran. Hành vi gây sốt của nước này trong cuộc khủng hoảng Iraq và Syria một phần là do phương trình chính trị-năng lượng mới này.

Một ví dụ khác là trường hợp của Greenland, nơi trữ lượng dầu hiện ước tính bằng một nửa của Saudi Arabia. Kết hợp với cuộc trưng cầu dân ý năm 2008 về quyền tự chủ mở rộng (75% đồng ý), quan điểm mới này sẽ thúc đẩy phong trào hướng tới nền độc lập cuối cùng. Các cuộc viếng thăm của các cường quốc đang tăng lên xung quanh hòn đảo làm tăng thêm triển vọng hấp dẫn cho vị trí chiến lược của nó.

Nội chiến gia tăng vì khoáng sản và gỗ

Các khoáng sản quan trọng đối với các ngành công nghiệp đang bị thiếu hụt ở các nước công nghiệp hóa của châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Họ đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ các quốc gia khác, đặc biệt là châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên. Châu Phi sở hữu nguồn kim loại cơ bản, quý và chiến lược, bao gồm 99% crome, 85% bạch kim, 68% coban và 54% vàng của thế giới. Châu Phi đã trở thành một đấu trường cạnh tranh giữa Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp và Anh.

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, gỗ, dầu mỏ và kim cương đã thúc đẩy các cuộc nội chiến tàn bạo ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Angola, Sudan, Bờ Biển Ngà, Sierra Leone và Liberia. Congo giàu khoáng sản với hàng triệu tấn kim loại, bao gồm kim cương, coban, uranium, vàng, mangan và niobium. Đỉnh điểm, xung đột ở Congo từ năm 1998 đến năm 2003 đã thu hút sự tham chiến quân đội của bảy nước và cướp đi sinh mạng 2,5 triệu người.

Gỗ là một nguồn tài nguyên khác có nhu cầu cao do nạn phá rừng nghiêm trọng trên khắp thế giới, đã thúc đẩy một số cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trên thế giới ở các nước như Campuchia, Sierra Leone, Bờ Biển Ngà, Congo, Myanmar và Liberia. Sự tập trung khoáng chất và gỗ cao nằm trong các khu vực có thể sẽ bị tranh chấp gay gắt là các mỏ kim cương ở Angola, Congo và Sierra Leone; các mỏ đồng và vàng ở Congo, Indonesia và Papua New Guinea; các mỏ ngọc lục bảo của Colombia; các khu rừng ở Brazil, Fiji, Liberia, Mexico, Philippines, Campuchia, Congo, Brunei, Indonesia, Malaysia và Borneo.

Bóng ma của dhủ nghĩa dân tộc tài nguyên đang xuất hiện trở lại. Madagascar đã công bố vào tháng 9/2014 về việc thành lập một công ty khai thác công khai để khai thác toàn bộ tài nguyên của đất nước. Tháng 8/2020, Boeing và United Technologies Corporation đã quyết định tích trữ titan, một chất thiết yếu cho ngành hàng không, vì nó chiếm 15-20% kim loại được sử dụng trong một chiếc máy bay hiện đại, mặc dù luật pháp Mỹ trên lý thuyết cấm các công ty làm việc cho Bộ Quốc phòng mua titan từ nước ngoài.

Cuộc đối đầu Trung-Nhật năm 2010 quanh quần đảo Senkaku, nối lại vào năm 2012 và 2013, do đó, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Nhóm 17 kim loại này, do Trung Quốc thống trị sản xuất, rất cần thiết cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao - một trong những thế mạnh của nền kinh tế Nhật Bản. Ngày 13/3/2012, Nhật Bản, được sự hậu thuẫn của Mỹ và EU, đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tố cáo những hạn chế mà Trung Quốc áp đặt đối với việc xuất khẩu đất hiếm của nước này. Bắc Kinh đã bị lên án vào tháng 3/2014, nhưng không có bất kỳ thay đổi nào.

Cuộc săn lùng tài nguyên

Nhiều quốc gia coi việc tìm nguồn cung ứng và đảm bảo các nguồn lực là một ưu tiên hàng đầu, thậm chí là vấn đề an ninh quốc gia. Trong nỗ lực đặt cược cao này, các chính phủ đang xây dựng các liên minh mới khi họ lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm các nguồn tài nguyên quý giá và các khu vực giàu tài nguyên như châu Phi, Trung Đông, Australia, Canada và Trung Á trở thành mục tiêu của họ. Trung Quốc có lẽ đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh nhất trong lịch sử, thúc đẩy cơn khát tài nguyên vô độ và đưa nước này trở thành nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.

Việc săn lùng các nguồn tài nguyên cho thấy, Bắc Kinh có thể bắt tay với bất kỳ ai, bất kỳ chính quyền nào. Theo tờ Speigel của Đức, ban lãnh đạo Trung Quốc tin rằng cơ hội duy nhất mà họ có để nắm giữ quyền lực là liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ít nhất là 8%. Trung Quốc đã ký các hợp đồng dài hạn về việc vận chuyển quặng sắt và khí đốt tự nhiên với Australia và đã chi hàng tỷ USD cho các dự án năng lượng ở Canada. Gần 40% vốn đầu tư trực tiếp của nước này là vào châu Mỹ Latinh, và phần lớn cũng sẽ đến châu Phi.

Trong khi đó, Mỹ - nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới - vốn vẫn sở hữu trữ lượng lớn và chú trọng bảo tồn, vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên nhập khẩu. Chính quyền hiện tại nhận ra tầm quan trọng của dầu mỏ và do đó, họ đang bận rộn tạo dựng các mối quan hệ trên toàn thế giới. Phần lớn trữ lượng dầu của thế giới nằm ở các quốc gia không thân thiện với Mỹ. Giải quyết vấn đề này sẽ là một thành phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều năm tới.

Nhật Bản đang tập trung nỗ lực vào nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ của Siberia. Nga đã trao Tokyo hợp đồng để xây dựng một đường ống 3.800km từ Siberia đến bờ biển, cho phép dầu để dễ dàng vận chuyển đến Nhật Bản. Với một nền kinh tế đang bùng nổ, thống trị bởi các ngành công nghệ và sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng. Hơn 70% lượng dầu và 50% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ được nhập khẩu. Nhà cung cấp dầu lớn nhất của họ là Saudi Arabia, Iran và quân đội Myanmar.

Liên minh châu Âu sẽ dễ bị tổn thương nhất trong cuộc săn tìm tài nguyên. Khoảng một nửa nhu cầu năng lượng của khu vực hiện được nhập khẩu và EU ước tính rằng con số này có thể tăng lên hơn 70% nếu không có các giải pháp hữu hiệu được thực thi. Nga, với sự giàu có về dầu mỏ và khoáng sản ở Siberia, không phụ thuộc nhiều như các nước khác và là một nước xuất khẩu tài nguyên lớn.

Với trữ lượng dầu ở Biển Bắc ngày càng giảm và phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu không chắc chắn của Nga, cũng như thiếu tài nguyên khoáng sản, các nhà hoạch định châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề đảm bảo nguồn tài nguyên. Cuộc chiến giành tài nguyên Trái đất đã bắt đầu và khi các quốc gia cạnh tranh nhau để giành các nguồn tài nguyên, những cơn thịnh nộ của các quốc gia sẽ bùng phát.

(tổng hợp từ Modern Diplomac, RCG và Oriental Review )

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhan-loai-truoc-thach-thuc-cuoc-chien-kinh-te-vi-tai-nguyen-136354.html