Nhân lên sức sống mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Tháng Tám từ 75 năm trước

Trong mỗi một người dân Việt Nam, Tháng Tám hằng năm của non sông, đất nước ta không chỉ là khoảng thời gian đẹp nhất, dịu mát và an hòa nhất của tiết trời sang thu, mà còn thiêng liêng hơn cả là đã in một mốc son khó phai mờ, có một không hai trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

 Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện Cam Lộ đã chọn miếu An Mỹ làm địa điểm họp bàn, quyết định ngày khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân - Ảnh: ĐT

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa huyện Cam Lộ đã chọn miếu An Mỹ làm địa điểm họp bàn, quyết định ngày khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân - Ảnh: ĐT

Mùa thu phấp phới cờ hồng và khí thế xung thiên rủ tung xiềng xích nô lệ, được sống trong một đất nước tự do, độc lập 75 năm trước vẫn mãi luôn bừng dậy trong lòng nhiều thế hệ người dân Việt Nam niềm tự hào về Đảng, Bác Hồ kính yêu, về giang sơn Tổ quốc. Mùa thu năm 1945, khắp tỉnh Quảng Trị cũng đã vùng lên trong khí thế của đoàn quân xung trận, cùng cả nước tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Chưa đầy 3 ngày, từ 22- 24 tháng Tám năm 1945, ở thị xã Quảng Trị, các phủ, huyện Triệu Phong, Hải Lăng Vĩnh Linh, Gio Linh, thị trấn Đông Hà, rồi Cam Lộ, Hướng Hóa, chính quyền đã về tay Nhân dân.

Lịch sử vẫn luôn nhắc nhớ, vào những ngày này 75 năm trước, khoảng cuối tháng 6/1945, Tỉnh ủy lâm thời nhận được chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và đã gấp rút triệu tập hội nghị lần thứ 2 tại Liêm Công Đông (Vĩnh Linh). Thấy rõ sự sáng suốt, kiên quyết, kịp thời và sáng tạo của Đảng, hội nghị đã ra nghị quyết: Đẩy mạnh mọi mặt công tác để phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, bao gồm nhiều hình thức hoạt động phong phú như biểu tình, mít tinh ở các vùng có phong trào quần chúng mạnh; tuyên truyền xung phong có vũ trang ở những nơi xung yếu; binh vận, phân hóa hàng ngũ địch; tích cực chuẩn bị lương thực, thực phẩm, rèn đúc và tìm mua các loại vũ khí; đặc biệt chú trọng xây dựng các đội tự vệ cứu quốc tại các làng, xã; lập các khu căn cứ của tỉnh, của các phủ, huyện. Hội nghị Tỉnh ủy còn quyết định chọn hai phủ Triệu Phong, Vĩnh Linh làm trọng điểm chỉ đạo, kịp thời đúc rút kinh nghiệm chung cho toàn tỉnh.

Sáng ngày 12/8/1945, qua cơ sở ở tỉnh lỵ và Cửa Tùng, Phủ ủy Triệu Phong và Phủ ủy Vĩnh Linh nắm được tin phát xít Nhật xin có cuộc điều đình với phe đồng minh liền mở hội nghị khẩn cấp ngay giữa trưa để bàn và quyết định đẩy mạnh hơn nữa công tác vũ trang tuyên truyền loan tin Nhật sắp đầu hàng phe đồng minh cho mọi người biết. Chiều ngày 12/8/1945, một cuộc mít tinh do Phủ ủy Triệu Phong tổ chức tại chợ Thuận với mục đích kêu gọi toàn thể Nhân dân trong phủ khẩn trương chuẩn bị mọi mặt và sẵn sàng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa giành chính quyền khi có lệnh của cấp trên ban xuống.

Tin Nhật sắp đầu hàng lan truyền đi đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng lên cao chưa từng thấy trong các tầng lớp nhân dân. Tiếp theo cuộc mít tinh tại chợ Thuận, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Mặt trận Việt Minh tỉnh, trong các ngày 14,15,16...tháng Tám, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành, thị uy, diễn thuyết… liên tục nổ ra ở nhiều nơi để phát động khí thế, hiệu triệu đồng bào chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, siết chặt hàng ngũ, đoàn kết bên cạnh Mặt trận Việt Minh, đứng dậy đánh đổ phát xít Nhật và chính phủ bù nhìn Bảo Đại- Trần Trọng Kim, giành lại độc lập thực sự cho nước nhà.

Ngày 18/8/1945, hội nghị toàn tỉnh đã được triệu tập tại làng Phước Lễ (Triệu Phong) nhằm thống nhất các lực lượng cách mạng trong tỉnh để tiến hành khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị đang tiến hành phân tích tình hình, vạch chương trình hành động thì đêm 19/8/1945, nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do hai đồng chí Trần Hữu Dực và Đặng Thí mang về, trực tiếp truyền đạt với hội nghị. Hội nghị lần này có đầy đủ đại biểu các phủ, huyện trong tỉnh, các đảng viên vừa ở lao xá Quảng Trị và nhà đày Buôn Ma Thuột trở về tham dự. Sau khi thảo luận và đi đến thống nhất kế hoạch tổng khởi nghĩa vũ trang trong toàn tỉnh, bầu Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, hội nghị quyết định đêm 22 rạng ngày 23/8/1945 sẽ tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong toàn tỉnh. Trước khi bế mạc, hội nghị đã bàn bạc, phân công người phụ trách chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở từng phủ, huyện. Hội nghị còn quyết định lấy lực lượng của phủ Triệu Phong làm mũi chủ yếu và một phần lực lượng của huyện Hải Lăng làm nhiệm vụ phối hợp với thị xã Quảng Trị, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Thực hiện chủ trương của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, ngày 21, sáng ngày 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa của các phủ, huyện đều được thành lập và cấp tốc họp bàn nhiệm vụ, vạch kế hoạch huy động lực lượng để tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa ở địa phương mình và ở tỉnh lỵ đúng thời gian quy định. Lệnh tổng khởi nghĩa phổ biến đến đâu, phong trào quần chúng sôi nổi, mạnh mẽ đến đó.

22 giờ ngày 22/8/1945, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, hàng vạn quần chúng có vũ trang cùng các đơn vị tự vệ chiến đấu từ khu căn cứ Triệu Phong kéo lên; từ Tích Tường, Như Lệ, La Vang, Phú Long... kéo về; từ Mai Đàn, Thượng Xá, An Thái, Long Hưng... kéo ra; từ Nhan Biều, An Đôn, Thượng Phước, Nại Cửu, Xuân Yên... kéo sang, cùng với hàng ngàn Nhân dân thị xã Quảng Trị quật khởi vùng lên. Lực lượng khởi nghĩa rầm rập tiến vào tỉnh lỵ với khí thế trào sôi như nước vỡ bờ, phút chốc đã nhuốm cả thị xã trong biển người, rừng cờ, khẩu hiệu đỏ thắm...

Đúng 24 giờ ngày 22/8, chuẩn bị chuyển sang thời khắc ngày 23/8/1945, theo phát súng lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, lực lượng tự vệ đột nhập vào thị xã và thực hiện theo kế hoạch đã định, nhanh chóng chiếm đóng và làm chủ các công sở: Tòa sứ, đồn lính khố xanh, sở mật thám, bưu điện, kho bạc, nhà máy đèn, nhà máy nước... Lực lượng bảo an của địch ngã về phía cách mạng. Chính quyền thân Nhật khiếp nhược trước khí thế của ta, đầu hàng vô điều kiện. Lá cờ quẻ ly bị hạ xuống. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên các cột cờ, các công sở và các tuyến phố tỉnh lỵ.

Cùng đêm, dưới sự chỉ huy của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và các phủ, huyện, quần chúng cách mạng khắp nơi, có lực lượng vũ trang tự vệ làm nòng cốt đã tiến hành khởi nghĩa thắng lợi ở các phủ, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh. Cam Lộ và thị trấn Đông Hà có mật độ địch đóng quân dày dặc hơn nên tiến hành khởi nghĩa chậm hơn một ngày đêm (ngày 24/8). Riêng tại Cam Lộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân đã hiên ngang tước súng và quân trang của phát xít Nhật khi chúng vẫn còn nguyên binh hùng tướng mạnh trong tay và hàng chục kho tàng chiến lược ở chợ Phiên, rải rác dọc theo hai bên đường số 9. Hướng Hóa với địa bàn rừng núi rộng lớn, quân phát xít Nhật tập trung nhiều ở Khe Sanh và dọc đường 9. Sau khi có sự hỗ trợ của tỉnh, đồng bào các dân tộc ở Hướng Hóa đã nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng triệt để, nhất tề đứng lên khởi nghĩa. Trước khí thế cách mạng của cả tỉnh và của quần chúng địa phương, chính quyền bù nhìn ở Hướng Hóa do tên tri phủ Lữ Mộng Liên đứng đầu đã tự tan rã. Nhân dân Hướng Hóa giành được chính quyền vào ngày 25/8/1945.

Việc thực hiện lệnh Tổng khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân ở tỉnh Quảng Trị diễn ra nhanh, kết thúc gọn, trong một thời gian ngắn (3 ngày đêm). Trước khi ra quân, Đảng bộ và toàn dân trong tỉnh đã có sự đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí cao, chuẩn bị mọi mặt chu đáo, làm tốt công tác binh vận, phân hóa kẻ thù một cách khéo léo, mềm dẻo, hiệu quả. Trên cơ sở đó đã tiến hành khởi nghĩa đồng thời cả vùng nông thôn và đô thị, lấy nông thôn hỗ trợ cho đô thị, lấy khí thế của đô thị lan tỏa về nông thôn và giành thắng lợi trọn vẹn,vẻ vang. Trước cuộc mít tinh có trên một vạn người đại diện đầy đủ các tầng lớp nhân dân trên khắp các địa bàn cùng hội tụ về tỉnh lỵ, thay mặt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, đồng chí Trần Hữu Dực long trọng tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, kêu gọi toàn thể Nhân dân đoàn kết một lòng, tích cực tham gia bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, giữ vững thành quả cách mạng đã thu được...

Trong suốt chiều dài của lịch sử, mảnh đất Quảng Trị luôn “với cả nước, vì cả nước”, hoàn thành xuất sắc những trọng trách mà Đảng, Tổ quốc, Nhân dân giao phó. Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Trị đang tích cực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; tranh thủ cơ hội và vận hội mới, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển; phát huy sức mạnh về truyền thống văn hóa, lịch sử và phẩm chất con người Quảng Trị để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh với khí thế và tinh thần mạnh mẽ như cuộc Cách mạng Tháng Tám 75 năm trước…

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=150865