Nhận diện và phân loại các hình thức bạo lực học đường

Theo ý kiến chuyên gia, các nhà trường cần phát triển công tác tham vấn học đường, tạo điều kiện để mô hình của phòng tham vấn hoạt động một cách rất hiệu quả. Từ đó, phát hiện và xử lý hiệu quả các hành vi bạo lực học đường.

Các vụ bạo lực học liên tiếp xảy ra ta tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó, có những hậu quả đau lòng, đang là dóng lên hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải có các phương thức nhận diện, ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt, là sự quan tâm, thấu hiểu từ thầy cô giáo và gia đình đối với cả học sinh có hành vi bạo lực bạn bè và nạn nhân bị bạo lực.

Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, điều đáng lo ngại là bạo lực học đường gây ra những tổn thương có thể nhìn thấy ở thể xác, nhưng cũng có những "vết sẹo" và căng thẳng về tâm lý tồn tại rất lâu dài.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trao đổi với phóng viên về vấn đề bạo lực học đường

PV: Bạo lực học đường đang trở thành vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt sau những vụ việc đau lòng của những học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường. Chúng ta cần phải có những giải pháp nào đối với những học sinh có hành động bạo lực, đồng thời giải pháp để chữa lành có những học sinh là nạn nhân?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Đây là một vấn đề tồn tại ở nhiều quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chúng ta cần phải lý giải vấn đề này trên nhiều góc nhìn. Ví dụ như đó chính là sự thay đổi về mặt tâm lý lứa tuổi của các em, là những áp lực mà các em đã và đang gặp phải trong đời sống xã hội, cũng như trong quá trình đi học. Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn và xung đột nội tại mà các em chưa tìm được cách giải quyết, là những áp lực từ phía gia đình, tác động từ bạn bè, đặc biệt là những tác động từ phía mạng xã hội và lợi ích nhóm.

Khi nhìn nhận được vấn đề, chúng ta nên cảm thông cho cả người đi bạo lực bạn bè và cả người bị bạo lực. Có như vậy thì chúng ta mới mới xuất phát từ quan điểm nhân văn và lý giải trên góc độ xã hội một cách công bằng.

Như vậy, với những người đi bạo lực bạn bè mình, điều đầu tiên là chúng ta phải tìm hiểu được nguyên nhân. Tại sao vấn đề nảy sinh và có phải chăng tất cả những hành vi của các em nó bộc phát hay đó là một sự toan tính có kế hoạch.

Gia đình là nơi rất quan trọng để nâng đỡ tinh thần và điều chỉnh những tác động về mặt giáo dục. Song song với đó, trong trường học, chúng ta nên tác động bằng những giải pháp như hoán đổi vai, tạo cơ hội để các em thể hiện bản thân mình và tự điều chỉnh bản thân. Đặc biệt, chúng ta nên giải quyết những xung đột và thậm chí là chúng ta định hướng để các em chủ động làm hòa với bạn mình.

Tôi cho rằng, điều rất đáng lo chính là người bị bạo lực, bởi vì có những tổn thương chúng ta nhìn thấy thể xác nhưng có những áp lực và căng thẳng về tâm lý tồn tại rất lâu dài. Điều đầu tiên, chúng ta phải định lượng về sức khỏe tâm thần hiện tại của các em, để từ đó biết được vấn đề đã và đang tồn tại ở các em sau bạo lực. Tôi nghĩ trong trường hợp này, chính sự can thiệp của những chuyên gia về tham vấn học đường hoặc tham vấn tâm lý chuyên nghiệp là điều rất quan trọng. Dứt khoát phải có sự ủng hộ của gia đình phải có sự đồng cảm của giáo viên bộ môn và đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm.

Ở cấp độ chuyên môn, có thể phải theo dõi trong vòng một vài tháng, thậm chí là nửa năm bởi vì những vết mờ khi mà đã được giải quyết một cách rất hiệu quả thì chắc chắn sẽ an toàn về mặt thể chất và kể cả tinh thần.

PV: Theo ông, có nhận diện và phân loại các hình thức bạo lực học đường như thế nào?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Tại Việt Nam, việc phân loại bạo lực đã rất rõ ràng. Chúng ta có 4 loại bạo lực cơ bản xét trên hình thức bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tài chính và bạo lực liên quan tới vấn đề giới hoặc tình dục. Trong môi trường học đường ngày nay cũng có những hình thức gần giống y như vậy.

Trong môi trường học đường có một vài cái biểu hiện chúng ta có thể quan tâm như các em bạo lực nhóm, bạo lực ngầm, bạo lực theo kiểu là tẩy chay hay bạo lực bằng cách là thông qua đối tượng thứ ba. Khi chúng ta quan sát và biết được con em mình có một vài biểu hiện về tinh thần thì chắc chắn chúng ta phải tiếp cận ngay, đừng bỏ qua những biểu hiện đó. Bởi vì, chúng ta tiếp cận càng sớm, nhận diện nguy cơ càng hiệu quả thì chắc chắn chúng ta sẽ có giải pháp vừa phòng ngừa, vừa tác động một cách rất nhanh chóng.

Hình ảnh nữ sinh bị bạn đánh hội đồng ở Đông Anh (Hà Nội) điều trị tại bệnh viện

PV: Liên quan đến các nội dung giảng dạy trong các trường sư phạm, hiện nay, nội dung tư vấn tâm lý và công tác giáo viên chủ nghiệm được các nhà trường triển khai, thực hiện như thế nào, thưa ông?

GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể phân tích rằng, hiện nay, các trường đào tạo giáo viên nói chung và trường Đại học Sư phạm TP.HCM nói chung rất quan tâm về vấn đề giáo dục con người, đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 - là giáo dục phẩm chất và năng lực. Vì vậy, chúng ta không chỉ tập trung phát triển về năng lực của con người mà phải phát triển về phẩm chất. Như vậy, một người làm công tác đào tạo nếu không có những phẩm chất tương ứng thì rất khó để có thể tác động về phẩm chất cho người khác.

Cụ thể, ở trường Đại học Sư phạm TP.HCM, chúng tôi rất quan tâm về nhóm các học phần nghiệp vụ, cụ thể là học về tâm lý học rồi tâm lý học giáo dục, trong đó có phần giao tiếp sư phạm. Ngoài ra, từng hoạt động cụ thể trong từng học phần, chúng tôi đều cài đặt để phát triển năng lực siêu năng lực cảm xúc xã hội của con người. Khi những giáo viên hiểu được lực cảm xúc xã hội và vận dụng được thì giáo viên sẽ rất dễ nhạy cảm đối với những biểu hiện về tâm lý của các em, nhận ra được tất cả những sự xung đột và mâu thuẫn trong lớp học. Qua đó, giáo viên rất dễ can thiệp.

Tôi cho rằng, các nhà trường cần phải tập trung tiềm lực và tập trung thời gian để phát triển công tác tham vấn học đường, tạo điều kiện để mô hình của phòng tham vấn hoạt động một cách rất hiệu quả. Chúng ta tiếp cận học sinh bằng sự thương, hướng tới những sự thoải mái về tinh thần của các em. Đặc biệt, phải xem việc chăm sóc sức khỏe tâm thần như một trách nhiệm cực kỳ quan trọng. Như vậy, chúng ta mới đảm bảo sự trưởng thành của các em học sinh và sự thành công, hạnh phúc của các em trong môi trường học đường. Đó cũng chính là trách nhiệm của các trường đào tạo, giáo viên cũng như các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong giai đoạn hiện nay.

PV:Xin cám ơn ông!./.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhan-dien-va-phan-loai-cac-hinh-thuc-bao-luc-hoc-duong-post1015713.vov