Nhận diện thủ phạm gây tăng nhiệt
Liệu sự nóng lên toàn cầu và El Nino có là đồng phạm duy nhất trong việc thúc đẩy cái nóng kỷ lục của mùa hè năm nay hay không? Một số nhà nghiên cứu cho rằng, phải có một yếu tố khác.
Theo báo cáo của Cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus, tháng 7 năm nay nóng hơn 0,33 độ C so với kỷ lục cũ. Đã có một đợt tăng nhiệt mạnh mẽ, đặc biệt là ở các đại dương và thậm chí mạnh hơn ở Bắc Đại Tây Dương, khiến các nhà khoa học băn khoăn, liệu có thể có yếu tố khác tác động đến đợt tăng nhiệt này hay không.
Giám đốc Copernicus, ông Carlo Buontempo cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy không chỉ là El Nino và biến đổi khí hậu. Có một nguồn không khí nóng khác nữa cũng đang vận chuyển. Một nguyên nhân khác có thể là do 165 triệu tấn nước từ một vụ phun trào núi lửa vào khí quyển. Cả hai ý tưởng đều đang được xem xét”.
Đâu là “nghi phạm” chính?
Nhà khoa học khí hậu Michael Diamond của Đại học bang Florida (Mỹ) cho biết, quy tắc vận chuyển hàng hải thay đổi có lẽ là “nghi phạm” chính. Vận chuyển hàng hải trong nhiều thập kỷ sử dụng nhiên liệu bẩn đã tạo ra các hạt phản chiếu ánh sáng mặt trời trong một quá trình thực sự làm mát khí hậu và che giấu một số hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Năm 2020, nhà khoa học khí quyển Tianle Yuan của NASA và Đại học Maryland, Hạt Baltimore đã cho biết, các quy tắc vận chuyển quốc tế có hiệu lực đã cắt giảm tới 80% các hạt làm mát đó.
Ông Yuan cho biết, đã theo dõi những thay đổi của các đám mây có liên quan đến các tuyến đường vận chuyển ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương - hai điểm nóng trong mùa hè này. Ở những điểm đó, các nghiên cứu của ông Yuan cho thấy sự nóng lên có thể xảy ra do mất ô nhiễm lưu huỳnh.
Nhà khoa học Diamond tính toán, các quy định vận chuyển mới gây ra sự nóng lên khoảng 0,1 độ C vào giữa thế kỷ. Mức độ nóng lên có thể mạnh hơn từ 5 đến 10 lần ở những khu vực có nhiều tàu bè qua lại như Bắc Đại Tây Dương.
Vào tháng 1/2022, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở Nam Thái Bình Dương đã phun trào và thải ra hơn 165 triệu tấn nước (một loại khí nhà kính giữ nhiệt dưới dạng hơi) và thổi 550 nghìn tấn lưu huỳnh đi-ô-xit vào thượng tầng khí quyển - theo nhà nghiên cứu khí hậu Margot Clyne của Đại học Colorado, người điều phối các mô phỏng máy tính quốc tế về tác động khí hậu của vụ phun trào.
Ông Holger Vomel - một nhà khoa học cho biết: “Lượng nước quá khủng khiếp, hơi nước bốc lên quá cao trong bầu khí quyển nên chưa gây ra tác động rõ rệt nào, nhưng những tác động đó có thể xuất hiện sau đó”.
Thông thường, các vụ phun trào núi lửa lớn như Pinatubo vào năm 1991, có thể làm mát Trái đất tạm thời bằng lưu huỳnh và các hạt khác phản chiếu ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, núi lửa Hunga Tonga phun ra lượng nước cao bất thường và lượng lưu huỳnh làm mát thấp.
Theo các nhà khoa học khí quyển của NASA Paul Newman và Mark Schoeberl, các nghiên cứu cho thấy, sự nóng lên từ vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga không kết hợp với việc làm mát bằng lưu huỳnh, điều này rất khó thực hiện. Ông Schoeberl đã công bố một nghiên cứu tính toán mức làm mát tổng thể là - 0,04 độ C.
Yếu tố cốt lõi
Ngoài những “nghi phạm” lớn nói trên, các nhà khoa học cũng chú ý đến các yếu tố như khan hiếm bụi châu Phi (vốn bị thuyên giảm giống như ô nhiễm lưu huỳnh), cũng như những thay đổi trong dòng phản lực và sự chậm lại của dòng hải lưu.
Gần đây, một số người đã xem xét các cơn bão mặt trời và sự gia tăng hoạt động của vết đen trong chu kỳ 11 năm của mặt trời và suy đoán rằng, ngôi sao gần Trái đất nhất có thể là thủ phạm. Tuy nhiên, ông Robert Rohde - nhà khoa học trưởng của Berkeley Earth – khẳng định, trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã theo dõi các vết đen và bão mặt trời, nhưng chúng không phù hợp với nhiệt độ ấm lên. Ông cho biết, các cơn bão mặt trời bắt đầu mạnh lên vào khoảng 30 năm trước, nhưng hiện nay đang nóng lên nhiều hơn.
Tuy nhiên, trên tất cả, các nhà khoa học khác cho rằng, không cần phải tìm kiếm quá nhiều, bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, với sự gia tăng thêm từ El Nino, là đủ để giải thích cho sự gia tăng nhiệt độ gần đây.
Nhà khoa học khí hậu Michael Mann của Đại học Pennsylvania ước tính, khoảng 5/6 sự nóng lên gần đây là do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, khoảng 1/6 còn lại là do hiện tượng El Nino.
Theo ông Michael Mann, thực tế là thế giới sắp thoát khỏi La Nina kéo dài 3 năm, vốn làm giảm nhẹ nhiệt độ toàn cầu và bước vào một đợt El Nino mạnh, làm tăng nhiệt độ toàn cầu.
“Biến đổi khí hậu và El Nino có thể giải thích tất cả. Điều đó không có nghĩa là các yếu tố khác không đóng vai trò gì. Nhưng chúng ta chắc chắn sẽ thấy nhiệt độ gia tăng một lần nữa mà không có các yếu tố khác” - nhà khoa học Friederike Otto của Đại học Hoàng gia London cho biết.
Theo các nhà khoa học, cho đến nay, nguyên nhân lớn nhất của sự nóng lên cực độ gần đây là biến đổi khí hậu do đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên gây ra xu hướng tăng nhiệt độ kéo dài. Hiện tượng El Nino, sự nóng lên tạm thời của các khu vực ở Thái Bình Dương đã góp thêm một phần nhỏ làm thay đổi thời tiết trên toàn thế giới. Nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng vẫn có thể có những yếu tố khác.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhan-dien-thu-pham-gay-tang-nhiet-5725619.html