Nhận diện giá trị cốt lõi của gia đình Việt hiện đại
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều đổi thay, việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh không chỉ là mục tiêu của từng cá nhân mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
“Tôn trọng - yêu thương - chia sẻ”
Trong căn nhà lớn với 3 thế hệ với 3 cặp vợ chồng, 12 thành viên cùng chung sống, dù đã nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Vinh Quy (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn tất bật mỗi ngày để chăm lo sinh hoạt cho cả gia đình. Bữa cơm tối nào cũng 2 mâm, mẹ con bà Quy cùng chuẩn bị. Cuộc sống chung phức tạp, mỗi người đều phải lựa nhau hơn nhưng gia đình luôn gắn kết, đầy ắp tiếng cười.
Chia sẻ về bí quyết vun đắp tổ ấm lớn hạnh phúc, duy trì gia đình tam tứ đại đồng đường đã thành của hiếm nơi thành phố lớn, bà Quy cho biết, nguyên tắc được thống nhất, quán triệt với mỗi thành viên trong nhà gói gọn với 6 chữ “Tôn trọng - yêu thương - chia sẻ”. Dù việc thực hiện 6 chữ vàng đó không hề dễ dàng trong nhịp sống đô thị hóa, trong những tất bật riêng của mỗi người, ông bà Quy đã khéo léo, linh hoạt điều tiết các mối quan hệ cũng như sinh hoạt của cả nhà.
“Chúng tôi đều cao tuổi, nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn duy trì việc đọc sách, vui thú bạn bè, đoàn thể riêng mà con cháu cần tôn trọng, ủng hộ. Ngược lại, ông bà cũng phải hiểu các con đi làm rất vất vả, chịu không ít áp lực từ cuộc sống rồi công việc, nên luôn luôn có cách để động viên, trợ giúp con khi cần thiết và lắng nghe những điều các con góp ý cho mình”, bà Quy nói.
Từ câu chuyện của đại gia đình bà Quy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng nhận định, việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình tại thủ đô là yêu cầu có tính cấp thiết. Mặt trái nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập toàn cầu đã có những tác động làm thay đổi quan niệm của nhiều người về hệ giá trị gia đình. Xu hướng đề cao giá trị vật chất, danh vị, tính ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân đã và đang có nguy cơ đảo lộn những giá trị văn hóa gia đình truyền thống, sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình đang trở nên dần lỏng lẻo.
Định vị những giá trị cốt lõi của gia đình Việt, dù ở thời xưa hay thời nay, theo đó, đều mang ý nghĩa sâu sắc, là chăm lo cho từng tế bào của xã hội phát triển lành mạnh, tích cực. Trong bối cảnh hiện đại, việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh không chỉ là mục tiêu của từng cá nhân mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Những giá trị “gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” như đã được ghi trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là định hướng, kim chỉ nam cho các chính sách được xây dựng để vun đắp mỗi gia đình Việt.
Sự bình đẳng trong gia đình
Giá trị ấm no được đo bằng chất lượng cuộc sống của gia đình với các biểu hiện về kinh tế - vật chất và thể chất, trước hết là thỏa mãn các nhu cầu ăn, mặc, ở, học hành và giải trí của các thành viên một cách tương đối đầy đủ; cho các thành viên có cơ hội phát triển về tài năng, trí tuệ, sức khỏe và khả năng đóng góp với gia đình và xã hội. Ở một mức độ cao hơn, giá trị ấm no của gia đình hiện nay đang hướng đến ăn ngon, mặc đẹp, có nhà ở, chỗ ở riêng; có đủ tiện nghi sinh hoạt; thu nhập ổn định; có việc làm theo sở thích; có phương tiện đi lại phù hợp với sở thích; khỏe mạnh, trường thọ, có tài sản để dành và sống trong môi trường tự nhiên, xã hội ôn hòa, không ô nhiễm.
Theo quan niệm của người Việt Nam, hạnh phúc gia đình là sự yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu, kính trọng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; là cuộc sống đủ đầy về vật chất và tinh thần. Giá trị hạnh phúc của gia đình được biểu hiện rõ nét thông qua các mối quan hệ giữa các thành viên. Có những mối quan hệ được coi là chuẩn mực như “cha từ con hiếu”, cũng có mối quan hệ cởi mở, bình đẳng hơn trong cuộc sống hiện đại…
Giá trị tiến bộ được cụ thể hóa bằng sự bình đẳng trong gia đình. Mặc dù bị ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, gia đình Việt Nam vẫn luôn coi trọng giá trị bình đẳng trong các mối quan hệ.
Mối quan hệ gia đình được vun đắp bền vững, tốt đẹp dựa trên sự phân công hợp lý và tích cực cũng như sự giúp đỡ hỗ trợ của các thành viên, qua đó phát huy tối đa các khả năng cá nhân trong xây dựng và phát triển gia đình.
Gia đình tiến bộ được xây dựng trên cơ sở tình yêu, sự tôn trọng và bình đẳng trong tất cả các mối quan hệ; được thể hiện trong việc tự do lựa chọn bạn đời, tham gia sản xuất và hưởng thụ thành quả lao động; ngăn chặn bạo lực gia đình và những bất công, mâu thuẫn giữa các thành viên.
Trong gia đình hiện nay, mối quan hệ, ứng xử giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái đang có những thay đổi, phù hợp hơn với một xã hội văn minh, hiện đại. Đó là các biểu hiện của sự tôn trọng, chia sẻ, thực hiện các quyền bình đẳng giữa những thành viên nhưng luôn đề cao giá trị đạo đức, nhân cách.
Trong gia đình hiện đại, bên cạnh những trang thiết bị góp phần nâng cao đời sống vật chất, tiện nghi sinh hoạt thì phương thức ứng xử văn hóa cũng được coi trọng. Các mối quan hệ theo chiều dọc (ông bà - cha mẹ - con cái) và mối quan hệ theo chiều ngang (vợ - chồng; anh chị - em) đều được điều chỉnh, hài hòa với điều kiện mới với sự tôn trọng, chia sẻ giữa các thành viên.
Gia đình văn minh luôn chú trọng nâng cao các giá trị giao tiếp ứng xử giữa các mối quan hệ đa chiều như thế sao cho hòa nhịp sống của xã hội đương đại, tiếp thu các giá trị mới, tích cực từ bên ngoài.