Nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Nặng lòng với lịch sử và số phận người yếu thế

Từ trái sang, các nhà văn: Võ Khắc Nghiêm, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Quang Thiều trong buổi gặp mặt kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, 24/5/2022. Ảnh: PHAN HOÀNG

Có hai bậc lão thành làng báo, làng văn quê miền Trung nhưng gần cả đời gắn bó với vùng than Quảng Ninh mà tôi được quen biết. Đó là nhà thơ Mai Phương quê Phú Yên và nhà văn Võ Khắc Nghiêm quê Quảng Bình. Một người đã ra đi cách đây gần 2 năm, còn một người vừa từ giã cõi trần ngày 29/9, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi và những trang viết thấm đẫm tình yêu thương…

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm nhỏ hơn nhà thơ Mai Phương 9 tuổi. Quê quán ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhưng ông sinh tại Nha Trang (Khánh Hòa) vào năm 1942. Tốt nghiệp khóa đầu tiên Trường trung cấp Cơ điện Mỏ (1959-1962), ông về Quảng Ninh công tác tại mỏ than Cọc Sáu, nay là Công ty CP Than Cọc Sáu, cho tới mấy mươi năm sau mới chuyển về Hà Nội làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than - Khoáng sản Việt Nam thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam.

Nhà văn - nhà báo Võ Khắc Nghiêm (1942-2022). Ảnh: TL

Vừa làm nghề cơ điện mỏ than vừa cầm bút, Võ Khắc Nghiêm đã gầy dựng được sự nghiệp báo chí và văn chương phong phú, đồ sộ đáng tự hào. Ông đã trình làng hơn 20 tác phẩm trong gần 60 năm sáng tác gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim và sân khấu, như: Xung đột âm thầm (tập truyện ngắn), 16 tấn vàng (tiểu thuyết), Đại dương trong mắt em (tiểu thuyết), Người cha tội lỗi (tiểu thuyết), Cướp ngày (tiểu thuyết), Nhân danh công lý (kịch), Bi kịch ngược chiều (kịch), Quy luật muôn đời (kịch), Mảnh đời của Huệ (tiểu thuyết và kịch bản phim truyện), Giới hạn của hạnh phúc (tiểu thuyết), Chân dung tình yêu (tiểu thuyết), Mạnh hơn công lý (tiểu thuyết), Phúc họa đời người (truyện ngắn), Huyết thống (tiểu thuyết), Điếm quan (tiểu thuyết), Thị Lộ chính danh (tiểu thuyết)… và hàng ngàn bài báo.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã được trao nhiều giải thưởng, đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017 với hai tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ Mạnh hơn công lý, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2020 với tiểu thuyết Thị Lộ chính danh. Điều đáng quý là ông viết Thị Lộ chính danh khi đã ở tuổi xưa nay hiếm - cái tuổi nhiều bạn văn đã gác bút. Đánh giá tác phẩm này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Xưa nay, Thị Lộ xuất hiện trong chính sử cũng như trong các tác phẩm văn học như một nhân vật phụ trong sự nghiệp và trong cả bi kịch của đại thi hào Nguyễn Trãi và trong triều đại mà bà đã sống. Nhưng nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã chọn bà là nhân vật chính ở trung tâm của câu chuyện lịch sử này. Bởi ông đã nhìn thấy con người và vị trí của Thị Lộ có tầm quan trọng hơn những gì mà chúng ta đã thấy. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm vừa tách Thị Lộ ra để làm cho chân dung bà sáng tỏ và trọn vẹn hơn nhưng đồng thời cũng vừa đặt bà vào trung tâm của mọi biến cố quan trọng nhất của thời đại ấy. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã chuẩn bị đầy đủ những gì cần thiết nhất như nguồn gốc, văn hóa, nhan sắc, tâm hồn, chí khí… cho Thị Lộ để bà sinh ra, lớn lên và hòa vào triều đại của bà. Tất cả những chuẩn bị ấy vừa logic vừa đầy sáng tạo. Nhà văn không phải là người sao chép lại lịch sử mà là người làm cho lịch sử hiện ra trong một ánh sáng mới, sâu sắc và rộng lớn hơn”.

Nói tới nhà văn Võ Khắc Nghiêm không thể không nhắc tới những tác phẩm ông viết về vùng than Quảng Ninh. Bằng sự xông xáo, tinh nhạy, công tâm, ông đã phản ánh kịp thời và xây dựng nên những hình tượng đẹp về người thợ mỏ. Ông cũng luôn bênh vực những người yếu thế và đấu tranh không khoan nhượng chống lại cái xấu, cái ác nên được Nhân dân, nhất là người lao động vùng mỏ tin yêu, kính trọng. Tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông viết về vùng đất này. Theo một đàn em thân thiết của ông là nữ nhà văn Vũ Thảo Ngọc ở Quảng Ninh, thì: “Trong sự nghiệp sáng tác của Võ Khắc Nghiêm, ông đã luôn đồng hành cùng những vui buồn của người thợ mỏ khi ông viết tiểu thuyết Mảnh đời của Huệ, sau được chuyển thành phim truyền hình cùng tên nhiều tập đã gây hiệu ứng tốt cho công chúng yêu thêm, hiểu thêm về người và đất ở vùng than. Những người thợ mỏ cần cù, lam lũ, yếu thế hay thành đạt… qua lăng kính của nhà văn Võ Khắc Nghiêm đẹp lên gấp bội và có một cái nhìn bao dung, nhân hậu hơn về sự khắc nghiệt của công việc” (Nhớ nhà văn Võ Khắc Nghiêm).

Vào ngày 24/5, trong buổi gặp mặt tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Võ Khắc Nghiêm trông còn mạnh khỏe, minh mẫn. Ông bảo với tôi rằng nếu sức khỏe và thời gian cho phép thì ông sẽ quay về Nha Trang - Khánh Hòa, Lệ Thủy - Quảng Bình và tất nhiên là Quảng Ninh để được sống lại những kỷ niệm và tìm nguồn cảm hứng cho trang văn. Nhưng bây giờ thời gian của ông ở cõi trần đã khép lại. Ông lặng lẽ bay về những nơi mơ ước và hội ngộ hàn huyên với nhà thơ Mai Phương cùng bao bạn văn vùng mỏ đợi mình!

PHAN HOÀNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/288057/nha-van-vo-khac-nghiem--nang-long-voi-lich-su-va-so-phan-nguoi-yeu-the.html