Nhà thơ Vũ Quần Phương:'Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa'...
Cách đây 4 năm, khi nhà thơ Vũ Quần Phương là 1 trong 10 gương mặt được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020, có lẽ nhiều người cho rằng ông là một 'ngoại lệ'. Họ nghĩ vậy vì trước nay vẫn nghĩ ông sinh ra lớn lên ở đất thành Nam.
Thực tế cụ thân sinh ra nhà thơ Vũ Quần Phương là người Nam Định nhưng ông sinh ra ở quê mẹ - xã Phương Canh, phủ Hoài Đức xưa, nay là xã Xuân Phương, Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Có lẽ vì thế, Hà Nội luôn chiếm một vị trí quan trọng trong các tác phẩm của ông.
1. Đất Phương Canh đã đi vào câu ca “Mỗ, La, Canh, Cót - tứ danh hương” để chỉ ra những địa danh, ngôi làng đẹp và nổi tiếng ở đất Hà thành những năm đầu thế kỷ trước. Đây là quê ngoại của nhà thơ Vũ Quần Phương. Mẹ ông, vốn là một cô giáo trường làng đã nên duyên với cha ông, quê Nam Định, thời Hà Nội tạm chiếm.
Ngày đó, cha ông làm việc trong ngành địa chính, chuyên đi đo đạc ruộng đất. Vài năm sau khi sinh con trai đầu lòng Vũ Ngọc Chúc (tên thật của nhà thơ Vũ Quần Phương) ở phố Hà Văn (Hà Đông), người mẹ bế con theo chồng về công tác ở Quỳnh Côi (Thái Bình).
Tháng 2-1946, người cha của Vũ Quần Phương mắc bệnh rồi đột ngột qua đời. Từ đó, cậu bé Chúc mới 6 tuổi cùng với người em gái 3 tuổi và cậu em trai út chào đời chỉ vài tháng sau ngày cha mất sống nhờ gánh hàng trầu cau ở chợ Canh của mẹ và sự cưu mang, bao bọc của gia đình bên ngoại ở làng Canh.
Toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946, Vũ Ngọc Chúc được gia đình bên nội đón về Nam Định để làm lễ tuần 100 ngày của ông nội. Không ngờ chuyến đi này đã giữ chân cậu ở Nam Định tận 3 năm. Đến cuối năm 1949, người mẹ lúc bấy giờ đang tản cư ở Phú Thọ cùng hai người con nhỏ vòng về Nam Định để đón Vũ Ngọc Chúc về lại làng Canh. Để ghi nhớ quê cha đất tổ, sau này, khi bước vào thi đàn, Vũ Ngọc Chúc lấy bút danh là Vũ Quần Phương theo tên quê nội - tổng Quần Phương cũ (nay là huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).
2. Năm 1954, không khí chờ đợi quân ta tiến về giải phóng Thủ đô nên các trường khai giảng muộn. Đang nghỉ hè ở làng Canh quê ngoại, nghe tin thị xã Sơn Tây được giải phóng, Vũ Ngọc Chúc theo một người bác bên ngoại từ làng Canh ra làng Nhổn háo hức lên Sơn Tây để ngóng tin mừng. Các anh lớn con các bác bên ngoại, học sinh cũ của mẹ cậu đều đi kháng chiến cả nên “khi Ta về” (câu nói được ông nhắc nhiều khi nói về giai đoạn Chính phủ ta tiếp quản Thủ đô) cả làng Canh náo nức như sắp được đón con, đón cháu trở về. “Hà Nội những ngày ấy chộn rộn lắm” - nhà thơ Vũ Quần Phương hồi tưởng.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Vũ Ngọc Chúc bắt đầu vào lớp Đệ ngũ của trường Nguyễn Văn Tố ở phố Phan Bội Châu. Thầy giáo ở trường có nhiều người từng hoạt động cách mạng bí mật, trong đó có thầy Hoài Việt dạy môn văn. “Khi Ta về”, Vũ Ngọc Chúc nhận ra người dân ít mặc áo dài hơn. Trước đây, áo dài là trang phục thường ngày thì nay chỉ mang trong các dịp lễ lạt. Đời sống mới với nhiều bộn bề yêu cầu sự giản đơn, tiện xắn tay xây dựng lại Thủ đô. Vũ Ngọc Chúc hòa cùng không khí chiều thứ bảy toàn dân Thủ đô mặc áo cánh ra đường quét đường, vỉa hè, thông cống, những việc trước đó là trách nhiệm của phu quét đường.
Vũ Ngọc Chúc cũng nhận ra “khi Ta về” ai cũng được đi học, kể cả con em nông dân, xã hội bình đẳng hơn nhiều, ai khoe mẽ là bị coi thường. Cách mạng mang lại niềm vui cho toàn dân. Bản thân Vũ Ngọc Chúc lúc bấy giờ đã nhận được học bổng toàn phần, vừa đi học vừa dạy bổ túc văn hóa tối thứ hai, thứ năm hằng tuần, có tiền thù lao, đỡ đần mẹ phần nào nuôi em trai ra Hà Nội trọ học.
3. “Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa/ Mái rêu âm dương nắng chiều ngả bóng/ Mùi thơm hoa mộc hay hoa móng rồng/ Mùi thơm bâng khuâng thơm từ trí nhớ...” - Đó là những câu mở đầu bài thơ nhan đề “Đi trong phố cổ Hà Nội” của nhà thơ Vũ Quần Phương viết cách đây 16 năm, khi ông xấp xỉ tuổi 70. Nhìn ông bây giờ và lùi lại chừng ấy thời gian để thấy thời gian không chờ đợi một ai, điều duy nhất còn lại là kỷ niệm. Và, đối với Vũ Quần Phương, kỷ niệm với Hà Nội xưa sống mãi trong những câu thơ vang động, dù có lúc ông tự nhận mình “Quên chữ... quên câu” như tên một tập thơ in năm 2000, hay thời điểm đã viết 6 tập thơ mà vẫn thấy “Giấy mênh mông trắng” (tên tập thơ in năm 2003).
Sinh ra trước Cách mạng Tháng Tám, thấm thía 9 năm kháng chiến gian lao của dân tộc rồi đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô, trải qua thời kỳ cùng cơ quan rời Thủ đô để sơ tán, chứng kiến 12 ngày đêm oanh liệt "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", rồi tiếp tục sống và sáng tác sau khi đất nước hòa bình, đổi mới..., có thể nói nhà thơ Vũ Quần Phương đã trải qua đủ nỗi vui buồn ngọt đắng của các giai đoạn lịch sử, thời đoạn đời người. Ông từng tự nhận: “Chân đã qua nhiều làng/ Mắt đã trông nhiều nước/ Nơi bần hàn rơm rác/ Thành lầu cao phố sang/ Nơi điện tía cung vàng/ Thành bờ lau bãi gió/ Chẳng gì là không thể/ Không gì là nhỏ nhoi/ Chỉ lòng mình lạ thôi/ Càng đi càng thăm thẳm”.
Thông thường, khi có tuổi, ý nghĩ và sáng tạo cũng co hẹp dần, nhưng với Vũ Quần Phương, số lượng bài thơ trong các tập của ông tăng dần lên cùng với số tuổi. Tập thơ “Những điều cùng đến” in năm 1983, khi Vũ Quần Phương ngoài 40 tuổi, chỉ 22 bài nhưng đến tập thơ tuổi 63 - “Giấy mênh mông trắng” có tới 56 bài thơ, và sau đó 5 năm, tập “Chỗ ấy sóng...” có tới 65 bài.
Năm 2013, cùng với “Tuyển tập thơ Vũ Quần Phương”, ông cho ra mắt cuốn “Vũ Quần Phương bình thơ”, tập hợp hơn 150 bài bình thơ dân gian, thơ cổ điển, thơ hiện đại và thơ nước ngoài. Ông vẫn viết cho dù đã có trong tay “bộ sưu tập” đủ các giải thưởng danh giá: Giải A của Hội Văn nghệ Hà Nội trong các năm 1967, 1971, 2013; giải A của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1976); Giải A Hội Nhà văn Việt Nam (1984, 1997); Giải A của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2000, 2004); Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007); Giải thưởng loại A Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương (2014); danh hiệu Công dân Thủ đô Ưu tú (2020)... Ít ai biết rằng từ rất lâu rồi: “Trái tim ăn đời anh/ Đến phút cuối nó còn nhay nhá mãi.../ Cái chết nấp giữa nguồn nuôi anh sống/ Làm sao anh phải thắng trái tim mình...” (“Bệnh nhân tim”).
Thấm thoắt đã 70 năm kể từ “khi Ta về”, thế hệ những người chứng kiến thời khắc lịch sử đã rơi rụng nhiều. Hàng cơm nguội trên đường Nghi Tàm xưa giờ cũng chỉ còn sót lại vài cây. Bàn tay run run, nhà thơ Vũ Quần Phương lần giở cuốn album lưu giữ những bức ảnh quý giá ghi lại tuổi thôi nôi, bức ảnh gia đình bên ngoại chụp ở làng Canh và cả hình ảnh những năm ông 14 tuổi, thời điểm “khi Ta về”. Ông tiếc mình chưa có câu thơ nào viết về những ngày đó. Rồi nhà thơ tuổi 84 lẩm nhẩm mấy câu thơ của Bằng Việt: “Sông Hồng ơi! Giông bão chẳng thay màu/ Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp/ Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc Pháp/ Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen/ Dù nhiều điều tôi nhớ tôi quên/ Nhưng Hà Nội trong tôi là vĩnh viễn”...