Nhà thơ Vũ Cao - Từ núi Hổ đến núi Đôi
Nói tới Vũ Cao, người ta cũng nghĩ ngay về tiếng cười và đôi bàn chân của ông. Cái cười Vũ Cao là cái cười tự nhiên và luôn 'hết cỡ', rất thoải mái và phóng túng, rất hợp với thói quen rung đùi của ông.
I - Vũ Cao không chỉ có “núi đôi”
Người ta nói Vũ Cao là một nhà thơ, một cây bút truyện ngắn, một nhà tiểu thuyết, một tác giả được các em nhỏ yêu quý; người ta lại nói Vũ Cao là nhà quản lý văn nghệ, là “quan văn” vì ông đã từng làm Tổng biên tập một tờ tạp chí văn chương có “thương hiệu” là tờ Văn nghệ Quân đội suốt những năm bom đạn ác liệt, khó khăn nhưng lại rất “vàng son”, Giám đốc một nhà xuất bản giữa Thủ đô là Nhà xuất bản Hà Nội... Nhưng trước sau gì ông vẫn là nhà thơ quân đội, từ quân đội, của bộ đội. Nói vậy không phải vì ông đã từng đeo lon đại tá 4 sao (lúc ông còn trong quân đội, cấp đại tá có đại tá 4 sao và đại tá 3 sao, thế nên nhà thơ Phạm Tiến Duật mới có bài thơ mừng Văn nghệ Quân đội: “Nay mừng tạp chí được huân chương / Anh Thiều (nhà văn Xuân Thiều), anh Điệng (nhà văn Dũng Hà) với anh Phương (nhà văn Hồ Phương) / Thượng tá bỗng dưng thành đại tá/ Cũng như khu phố đổi ra phường”.
Tham gia quân đội ngay từ đầu cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và liên tục làm phóng viên mặt trận của các tờ báo quân đội như Chiến sĩ Liên khu Bốn, Vệ quốc quân, Quân đội Nhân dân... những trang viết hay nhất của ông là về bộ đội, viết cho bộ đội, về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ. Nói đến đội ngũ những nhà văn - chiến sĩ, những nhà văn quân đội nửa sau thế kỷ XX phải nói đến Vũ Cao.
Vũ Cao là nhà thơ, nói vậy bởi ông đã in ba tập thơ: “Sớm nay” (NXB Văn học, l962), “Đèo trúc” (NXB Quân đội Nhân dân, 1973, in lại 1976) và “Núi Đôi” (NXB Hà Nội, 1990) cùng khá nhiều thơ lẻ. Nói đến thơ Vũ Cao là nói tới “Núi Đôi” - một bài thơ tình không chỉ được nhiều thế hệ bạn yêu thơ thuộc lòng mà còn làm sống mãi được một địa danh. Nhà thơ Vũ Cao cũng đã kể về trường hợp viết bài thơ một cách thật giản dị: "Trong kháng chiến chống Pháp tôi có qua lại đây (vùng núi Đôi, Đa Phúc, Kim Anh, Trung Giã) nhiều lần… Sau chiến tranh, có dịp trở lại và chiều nào tôi cũng lững thững lên núi, ngồi nhìn về phía Hà Nội hoặc phía Tam Đảo, mặt trời lặn hẳn mới về đơn vị ăn cơm. Mỗi lần như vậy khi bước vào nhà, tôi thường quay lại nhìn hai ngọn núi, cứ như lưu luyến một điều gì đó mà chính tôi cũng không hiểu. Một buổi chiều mùa thu, hơi lạnh, có nắng tà và sương màu lam, bỗng từ nơi nào đó trong tiềm thức tôi nảy ra một hình ảnh: hai ngọn núi là hai con người, núi cao là nam, núi thấp là nữ, những lô cốt, những ngọn thông, những làng mạc kia là quang cảnh còn lại của cuộc chiến đấu. Phải nói thật là từ trước đó bao nhiêu năm tháng, tôi chưa hề bao giờ nghĩ là mình sẽ làm một bài thơ về núi Đôi... Nhưng lần này thì tôi lại cảm thấy một cái gì đó như một bài thơ đang đến với mình, một tư tưởng, một băn khoăn, một tình cảm, một kỷ niệm nào đó đang đến với mình. Có lẽ đối với tôi thơ tự nó đến, chứ tôi không tìm vì có tìm cũng chẳng ra"... Và đêm đó Vũ Cao đã "tóm gọn" được “Núi Đôi”. Ông kẹp bản thảo bài thơ vào tập bài bút ký nộp cho Văn nghệ Quân đội. Bài thơ được in ngay, in trước cả bài bút ký mà ông đã được phân công viết. Sau khi “Núi Đôi” được in, Vũ Cao được xem như "người nhà" của vùng trung du đó, và với ông, từ đó ông cũng coi vùng núi Đôi như quê hương thứ hai của ông.
Với thơ, Vũ Cao không chỉ có “Núi Đôi”. Ông còn có nhiều bài thơ hay khác. Ví như bài “Đèo trúc” với những câu:
Đi ta đi.
Ta đứng ngang trời
Mây dưới chân ta, ta vượt mây rồi
Núi đã xuống với đồi nương
làm bạn
Không thấy nữa
những vòm tre xóm bản
Chỉ còn ta và gió với mây bay
Quân ta đi đã ngót bốn đêm ngày
Mới tới được đèo kia
Đẹp lắm
Ví như bài Ngang dốc núi với những câu:
Lên ngang dốc núi
Chợt thấy mình say
Người ơi hoa tím
Đầy rừng hoa bay
Ví như bài «Sau ngày 3–9» viết về Bác Hồ với những câu:
Cho con ước tự bây giờ.
Mỗi năm vào buổi giao thừa, mỗi năm
Bác về cùng với nhân dân
Đọc thơ Tết lấy một lần, hãy đi!
Và ví như trong bài “Còi tàu”:
Mấy đàn chim sẻ chim ri
tiễn chân tôi
đã bay về
lại lên…
Vũ Cao không chỉ là nhà thơ, ông còn là một nhà văn. Ngay từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp ông đã nổi tiếng về viết phóng sự chiến tranh với những trang "tả trận", “nóng bỏng hơi thở của chiến trường". Ấy là hàng loạt các bài in trên các báo Quân khu IV, Quân du kích, Vệ quốc quân và Quân đội Nhân dân, trong đó có “Diệt chúng nó để trả thù” viết tháng 11-1952, năm 1955 được Nhà xuất bản Minh Đức - Thời Đại xuất bản thành sách. Trong những năm đầu hòa bình, Vũ Cao tham gia trại viết truyện anh hùng do Tổng cục Chính trị tổ chức. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, mặc dù bận việc làm báo ông vẫn tranh thủ đi thực tế ở các miền quê, các đơn vị bộ đội và tuyến lửa khu IV để viết ký, viết truyện ngắn. Thời gian này ông viết các truyện ngắn xuất sắc: “Từ một trận địa”, “Những quả ổi chín”, “Trong một gia đình”, “Người dân Thủ đô” và “Một đoạn thơ sông Đà”... về sau được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in thành tập “Từ một trận địa” (1969).
Sẽ là rất không đầy đủ nếu nói đến văn xuôi Vũ Cao mà không nhắc tới mảng sách viết cho thiếu nhi của ông. Vốn là người yêu trẻ, lại xuất thân trong một gia đình có tới ba nhà văn (Vũ Tú Nam, Vũ Ngọc Bình là em trai ruột nổi danh với những tác phẩm viết cho thiếu nhi) nên ngay từ những năm đầu tiên Nhà xuất bản Kim Đồng ra đời, Vũ Cao đã có sách in tại đó. Ấy là các cuốn “Em bé bên bờ sông Lai Vu” (1958, 1987 tái bản lần thứ 4), sau đó là “Anh em anh chàng Lược” (1965)... Với những sáng tác này, Vũ Cao đã được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vì thế hệ trẻ.
Văn xuôi Vũ Cao cũng như thơ ông tuy không thật bề thế nhưng đa dạng và mang một dấu ấn khá riêng, đôn hậu, có phong vị và đằm thắm. “Một đoạn thơ sông Đà” viết năm 1965 là một truyện ngắn hay nhất của ông, đồng thời cũng là một trong không nhiều truyện ngắn viết về chiến tranh với một phong cách trữ tình, giàu chất thơ nhất, đây không phải là một tùy bút thơ nhưng lại rất đúng với tên truyện "một đoạn thơ". Với các tập “Đèo trúc”, “Núi Đôi”, “Từ một trận địa”… ông đã được vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật (2001).
II -Vũ Cao -“Ông Bụt” nhà số 4
Tháng 8/1945, Cách mạng Tháng Tám vừa thành công ít tháng thì toàn quốc kháng chiến. Cũng như nhiều thanh niên thời bấy giờ, Vũ Cao "xếp bút nghiên" tòng quân và trở thành anh Vệ quốc quân. Cuộc đời gần 40 năm trong bộ đội, công việc chủ yếu của ông là viết báo. Năm 1947, ông làm phóng viên mặt trận của tờ Chiến sĩ quân khu IV, sau đó - từ tháng 4/1949 ông về công tác tại tờ Vệ quốc quân cùng với những Thâm Tâm, Thôi Hữu, Trần Đăng, Từ Bích Hoàng, Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên... và từ tháng 10/1950 đổi thành báo Quân đội Nhân dân ông vẫn là một phóng viên chủ lực. Không chỉ viết phóng sự, đưa tin chiến sự, ông còn làm thơ, viết truyện ngắn và cùng với Từ Bích Hoàng dịch các tác phẩm của các nhà văn tiến bộ Pháp, các nhà văn Nga và Trung Quốc (A. Phađêep, I. Erenbua...). Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cuối, Vũ Cao lại cùng một số nhà văn quân đội làm tờ Sinh hoạt văn nghệ - tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Quân đội hiện nay với các nhà văn Thanh Tịnh, Hữu Mai, Nguyễn Thi, Văn Phác, Vũ Tú Nam, Hồ Phương, Hải Hồ, Doãn Trung, Trần Dần... và gắn bó suốt 23 năm trên cương vị biên tập viên, Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm (Tổng biên tập) với quân hàm đại tá.
Quãng thời gian Vũ Cao công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội là những năm tháng vàng son nhất của "nhà số 4": Tạp chí phát hành tới 150.000 bản/ tháng; các cuộc thi truyện ngắn, thi thơ vẫn có sức thu hút cả ngàn người. Các nhà văn trong Ban phụ trách tờ tạp chí được xem những "ông Phật sống": Nhà thơ Thanh Tịnh- thượng tọa ("Lên thượng tá mà sống như thượng tọa"), nhà văn Từ Bích Hoàng - "Từ Bi Hoàng", còn Vũ Cao là "Ông Bụt chịu chơi nhưng kín đáo". Cả ba ông đều cùng anh em đi thực tế, đi tăng gia sản xuất, đi sơ tán và còng lưng bê đất đào vét sông Tô Lịch... Tạp chí Văn nghệ Quân đội lúc ấy chỉ là cấp phòng, vậy mà mấy Đại hội Đảng bộ Tổng cục Chính trị, anh đều trúng Ủy viên chấp hành, đại diện xứng đáng cho cả giới văn học - nghệ thuật trong quân đội... Anh là đảng ủy cấp trên, thủ trưởng tạp chí, nói là không lãnh đạo gì chỉ là một cách nói chứ thực ra suốt mấy chục năm phụ trách một lớp nhà văn tài hoa với nhiều tính cách khác nhau: Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Hải Hồ, Thu Bồn... đâu phải dễ dàng. Người lãnh đạo văn nghệ như Vũ Cao quả là hiếm.
Vũ Cao là vậy, ông không giận ai bao giờ và mọi người cũng chẳng ai giận ông lâu. Ông sống giản dị đến tuềnh toàng nhưng luôn vui vẻ và chu đáo trong giao tiếp nên rất dễ gần. Có lần nhà thơ Xuân Quỳnh muốn xin về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vũ Cao đùa: "Cô về đấy làm gì? Làm Tổng biên tập à?". Xuân Quỳnh: "Tưởng làm gì chứ làm Tổng biên tập như anh thì dễ quá". Nghe vậy Vũ Cao cười phá lên và bảo: "Giỏi, giỏi!"... Mấy năm trước khi nghỉ hưu, Vũ Cao sang công tác tại Nhà xuất bản Hà Nội trong cương vị Giám đốc nhưng ông vẫn thường xuyên hỏi han, qua lại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có người nói ông là sứ giả, là cầu nối bang giao giữa Nhà xuất bản và Tạp chí. Nói tới Vũ Cao, nghĩ về Vũ Cao người ta nghĩ ngay tới cái dáng cao lêu đêu và mái đầu húi cua với mái tóc bạc tựa hoa lau. Ông tên thật là Vũ Hữu Chỉnh, khi viết báo lấy bút danh là Vũ Cao - người cao đặt là Cao, có vậy thôi...
Nói tới Vũ Cao, người ta cũng nghĩ ngay về tiếng cười và đôi bàn chân của ông. Cái cười Vũ Cao là cái cười tự nhiên và luôn "hết cỡ", rất thoải mái và phóng túng, rất hợp với thói quen rung đùi của ông. Nhà văn Xuân Thiều viết: "Sống với anh ở ngôi nhà số 4 đúng 20 năm, sau này anh chuyển ra ngoài nhưng vẫn thăm hỏi nhau, hễ gặp anh là gặp tiếng cười dễ lây lan, nó làm vợi đi nỗi niềm chất chứa". Còn bàn chân của nhà thơ thì, nói theo cách nói của nhà văn Trần Cư (bạn đồng nghiệp của ông từ thời làm báo Vệ quốc quân) đó là đôi bàn chân không hợp với mọi khổ giày. Không ai có một bàn chân như thế, trừ chân của họa sĩ Văn Giáo!
Những giai thoại ấy nếu được ghi chép lại, hệ thống lại đầy đủ ta sẽ có một hình dung về Vũ Cao sinh động hơn, đời thường hơn về một nhà báo, nhà thơ, một ông Tổng biên tập, một vị Giám đốc.
Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực báo chí xuất bản, Vũ Cao đã được vinh dự nhận Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam và Kỷ niệm chương của ngành xuất bản Việt Nam.
III - Vũ Cao - Những giai thoại trong gia đình văn nghệ
Vũ Cao sinh ngày 18/2/1922 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - nơi sinh thành của những danh nhân Trần Huy Liệu, Văn Cao, Văn Ký... Lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn học, ông đã chịu ảnh hưởng rất nhiều ở người chú ruột là nhà thơ Vũ Văn Tộ, bút danh Côi Vị (non Côi, sông Vị - hai địa danh được xem là biểu tượng của đất Nam Định xưa). Hai chú cháu thường trao đổi với nhau chuyện chữ nghĩa, văn chương. Thư họ viết cho nhau có khi cũng bằng thơ.
Chuyện kể rằng, có lần Vũ Cao từ nơi trọ học đã mượn tên một cô gái là Lê Thị Liễu người thôn Mai Trang viết một bài thơ về để trêu Côi Vị.
Bài thơ có câu:
Xa xôi thi sĩ buồn chăng tá
Hiểu giúp lòng em nỗi chứa chan?
Côi Vị nhận ra ngay giọng điệu của đứa cháu yêu bèn hồi âm trở lại cùng bằng một bài thơ rất hóm hỉnh. Mở đầu ông giả bộ:
Lê Liễu là ai, ai đó nhỉ
Mai Trang non nước ở đâu ta?
và khuyên Vũ Cao - "cô Lê Thị Liễu”:
Cái kiếp văn chương chán đủ điều
Hao dầu tốn bấc chẳng xu tiêu
Sao cô cứ gảy đàn thơ mãi
Rước lấy mai sau một tiếng nghèo
“Ông cháu” Vũ Cao không chỉ bị chú Côi Vị "lật tẩy" mà còn "dạy cho một bài học" về cái nghiệp văn chương. Một chuyện khác kể rằng, lúc còn đi học Vũ Cao vì ham thơ phú mà có lúc sao nhãng chuyện đèn sách, rốt cuộc trong một kỳ thi bậc thành chung, ông bị "trật vỏ chuối". Ông rất buồn và xấu hổ. Biết vậy Côi Vị đã kịp thời gửi động viên cháu yêu một bài thơ. Bài thơ nói rằng: Chỉnh (tên thật của Vũ Cao) nên tiếp tục học tập và nếu... chẳng may có trượt nữa thì chắc hẳn rằng ông giời đã để cho Chỉnh được tự do:
Vẽ cả túi thơ và bút vẽ
Lang thang cho thỏa chí giang hồ
Rồi Côi Vị tiếp tục... vẽ ra chân dụng ông cháu trẻ những nét biếm họa khiến Vũ Cao không nén được cười:
Bán tranh bán chữ chẳng ai mua
Thì Chỉnh ra sông Chỉnh chống đò
Được cái chân dài tay đại sải
Tha hồ cho cả gió giông to.
Và lại một chuyện nữa kể, năm Vũ Cao 25 tuổi mà còn "phòng không". Nhiều người, trong đó có nhà thơ Côi Vị đã khuyên ông rất nhiều, rằng gia đình ở quê rất lo ông "ế vợ", phải lấy vợ. Nhận được thư ông chú với những lời khuyên và cả lời "đe" như thế, Vũ Cao rất lấy làm động lòng bèn viết bài thơ “Chưa muốn lấy vợ” để "ghẹo" Côi Vị. Vẫn với giọng điệu vui vẻ, hóm hỉnh, ông bảo: "Đánh chết thằng mô bảo Chỉnh xoàng" và nói rằng, ông vẫn đánh giặc, đọc sách, luyện văn chương và khỏe mạnh, và được ối cô mê... Sau cùng ông kết luận:
Lấy vợ, trời ơi! Lấy vợ ư?
Xem nào râu mép có hay chưa?
Tiền đâu kiếm nổi nuôi thân xác
Bút chỉ đào xuông mấy cẳng thơ
Tớ chửa lôi thôi gì đến sự
Ai đừng ngấp nghé nữa mà dơ
Cái thằng Vũ Chỉnh lêu đêu đó
Nó thẳng thương ai được nửa giờ
Nguyệt lão chấm ai thì cứ việc
Màn màn cho tớ chuyện xe tơ
Trong gia đình, cụ thân sinh ra ông cũng là một trí thức, một người rất yêu thơ và đã từng làm thơ. Năm 1997, trong dịp mừng thọ Vũ Cao 75 tuổi, có người bạn trẻ "khen" rằng ông vẫn như xưa, vẫn rất "phong độ". Sau một tràng cười khà khà quen thuộc, Vũ Cao bỗng nhiên lặng đi. Ông tâm sự, ông đang nhớ tới những câu thơ của cụ thân sinh ra ông. Và ông kể, những năm cuối đời của cụ, cụ đã phải "theo" các con cụ hết nơi này đến nơi khác. Một lần cụ cảm tác đọc thơ:
Thân già lẽo đẽo theo chân trẻ
Việc nước lo toan trước việc nhà
Khi ấy ông thấy câu thơ của cụ thật bình thường, nhưng khi vào tuổi "xưa nay hiếm" ông mới thấm thía cái sâu sắc những câu thơ xưa của các bậc tiền nhân.
Riêng gia đình của Vũ Cao, có người nói có thể thành lập được một chi hội, bởi có tới bốn người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (Vũ Cao, các em trai Vũ Tú Nam, Vũ Ngọc Bình và em dâuThanh Hương), trong đó có những người thuộc lớp hội viên sáng lập (l975) của Hội như ông, như nhà văn Vũ Tú Nam (từng giữ chức Tổng thư ký Hội).
IV -Vũ Cao - từ núi... đến núi
Lại nói về bài thơ “Núi Đôi”. Bài thơ là một câu chuyện tình bi tráng và đẹp đẽ trong thời đất nước còn tao loạn, chiến tranh, được in đi in lại cả ngàn lần, được chép trong sổ tay của những anh học trò, của những chàng lính trẻ nhiều thế hệ, ngâm trên sóng phát thanh, được đem giảng dạy tại các nhà trường cả mấy chục năm qua, được dịch ra mấy thứ tiếng và được chuyển thành phim đưa lên màn ảnh nhỏ... Hơn thế, còn được đi vào đời sống bằng cả những giai thoại, những nghi vấn văn chương rất đẹp. Và cũng nhờ có Núi Đôi – thơ mà núi Đôi – núi trở nên nổi tiếng khắp cả ba miền đất nước. Trước khi tác giả Núi Đôi về với cõi vĩnh hằng (2007), thành phố Hà Nội đã kịp đặt tên cho một con đường rất đẹp từ trung tâm thị trấn Đa Phúc trên quốc lộ 3 đến ngã tư Bưu điện Văn hóa xã Tân Minh (Sóc Sơn – Hà Nội) là đường Núi Đôi vào năm 2006. Đường dài 2.100m uốn lượn dưới chân núi Đôi. Đường Núi Đôi đẹp bên núi Đôi đẹp:
Lối ta đi giữa hai sườn núi
Đôi ngọn nên làng gọi núi Đôi
Em vẫn đùa anh : Sao khéo thế
Núi chồng núi vợ đứng song đôi
Chuyện quanh bài thơ “Núi Đôi”, quanh tác giả của bài thơ chắc sẽ còn dài dài trong làng văn nghệ, trên văn đàn, thi đàn, bục giảng, trên chính quê hương có ngọn núi chồng, núi vợ và lớp trẻ mai sau. Có thể nói: “Ngọn núi Đôi kia còn, tên tuổi Vũ Cao còn”!
Núi Hổ là nơi khai sinh chàng trai Vũ Hữu Chỉnh, “Núi Đôi” thơ đã ghi danh Vũ Cao vào văn học. Bây giờ thì cả hai ngọn núi này còn đó nhưng nhà thơ của chúng ta thì đã đi xa. Dẫu vậy, nghĩ về thơ bộ đội những người yêu thơ, những bạn đọc bộ đội lại nhớ tới ông, lại nhớ về một ngọn núi nhỏ nơi miền sơn cước cùng câu chuyện tình của một thời chiến tranh lãng mạn và bi tráng. Và bóng dáng người thơ năm nào lại hiện ra qua vần thơ của một đệ tử mà sinh thời ông rất yêu quý - nhà thơ Xuân Sách:
Sáng ra nhấp một chén... khà
Núi Đôi mãi mãi vẫn là Núi Đôi.
Thập tam trại, mùa hè 2019