Nhà máy hạt nhân 'không bao giờ chìm' của Nga chuẩn bị đi Bắc Cực
Tàu Akademik Lomonosov, mang theo lò phản ứng hạt nhân, chuẩn bị khởi hành đến một cảng ở Bắc Băng Dương, cột mốc mới của việc khai thác Bắc Cực ngày càng mở rộng của Nga.
Sau thời gian xây dựng mất hai thập kỷ, con tàu sẽ là nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Nga.
Nếu hoàn thành hành trình 6.400 km qua biển Bắc như kế hoạch, Lomonosov sẽ được neo đậu ở cảng Pevek trong tháng này, theo Guardian. Hai lò phản ứng sẽ cung cấp điện cho nhà ở và các hoạt động khai mỏ ở vùng Chukotka giàu tài nguyên của Nga.
“Tôi cảm thấy như là nhà du hành đầu tiên vào vũ trụ”, Vladimir Irminku, một trong những kỹ sư trưởng, nói trên boong tàu trong một ngày hè giá lạnh.
Công ty năng lượng hạt nhân quốc gia của Nga, Rosatom, còn tuyên bố Lomonosov “gần như không bao giờ chìm” và có thể chịu va chạm với băng trôi cũng như một con sóng cao 7 m.
Theo CNN, khoảng 2 triệu người Nga sống ở ven biển vùng cực tại các thị trấn và làng tương tự Pevek, những nơi chỉ có thể đến bằng máy bay hoặc tàu trong điều kiện thời tiết tốt. Nhưng những nơi này tạo ra 20% GDP của Nga, và sẽ là bước đệm để Moscow khai thác dầu khí còn nằm dưới Bắc Cực, giữa bối cảnh trữ lượng ở vùng Siberia giảm dần.
Tuy nhiên, Lomonosov bị tổ chức hoạt động môi trường Greenpeace gọi là “Chernobyl trên băng” hay “Chernobyl nổi”, lấy tên thảm họa nổ nhà máy điện nguyên tử cùng tên ở Ukraine năm 1986, khiến hàng triệu người bị nhiễm phóng xạ ở mức nguy hiểm. Số người chết do tác động lâu dài của phóng xạ được ước tính từ 9.000 (theo Liên Hợp Quốc) cho đến 200.000 (theo Greenpeace).
Tàu Lomonosov được trang bị hai lò phản ứng với tổng công suất 70 MW (so với công suất 4.000 MW của nhà máy Chernobyl), cung cấp đủ lượng điện cho 100.000 hộ gia đình, theo ước tính của Rosatom.
Con tàu sẽ tới cảng Pevek qua tuyến biển Bắc, tuyến hàng hải mới đang được mở ra do băng tan ở vùng Bắc Cực, có khả năng nối Trung Quốc và châu Âu, theo Guardian. Lợi ích kinh tế của khu vực, tuyến hàng hải triển vọng, và ý nghĩa chiến lược về quân sự đang khiến các quốc gia đưa tàu phá băng, tàu ngầm và các công nghệ chạy bằng hạt nhân khác đến đây.
Thomas Nilsen, biên tập viên tờ báo Barents Observer ở thị trấn Kirkenes của Na Uy, đã ước tính rằng đến năm 2035, vùng biển quanh Nga tại Bắc Cực sẽ “trở thành vùng biển có sự hiện diện của hạt nhân nhiều nhất thế giới”.
Mặc dù nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển không phải là mới - Mỹ đã dùng lò phản ứng nhỏ đặt trên một xà lan ở kênh đào Panama từ thập niên 1960, 1970 - chúng chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt.
Công ty Rosatom đang muốn thay đổi điều đó, và đang chào bán lò phản ứng nổi, được thiết kế tùy nhu cầu, cho khách hàng trên toàn thế giới.