Nhà hát Ca múa nhạc VN - cánh chim không mỏi của nền nghệ thuật Việt
Là cái nôi của nhiều giọng ca đi cùng năm tháng, phục vụ đất nước suốt 7 thập kỷ qua, Nhà hát Ca múa nhạc VN là cánh chim không mỏi của nền nghệ thuật biểu diễn.
Không khí Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam những ngày trước 14/1 – ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - cực kỳ nhộn nhịp. Ban Giám đốc và các nghệ sĩ đều háo hức chuẩn bị và tập luyện cho buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Họ tự hào cho biết, năm 2016, nhà hát là đơn vị dân sự duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đến thời điểm này, đây là một trong số rất ít đơn vị nghệ thuật có 2 lần nhận danh hiệu Anh hùng.
Trong phút nghỉ ngơi sau khi miệt mài chỉ đạo các tiết mục biểu diễn, NSƯT - nhạc sĩ Đỗ An chia sẻ, chương trình nghệ thuật ở buổi lễ đón nhận danh hiệu chỉ kéo dài khoảng 25 phút nhưng có hơn 100 nghệ sĩ tham gia: "Chỉ riêng tiết mục hòa tấu mở đầu đã có 70 nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ tham gia, trong đó có những nghệ sĩ gạo cội, những cây đa cây đề của nhà hát và có cả những nghệ sĩ trẻ, những sinh viên tài năng".
Vị nhạc sĩ tài hoa còn tiết lộ thêm, những năm qua, nhà hát nhận được rất nhiều huy chương, bằng khen tại các kỳ liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Ở chương trình này, anh và các đồng nghiệp chọn lấy 4 tiết mục tiêu biểu nhất. Tiết mục đầu tiên là hòa tấu Mạch nguồn - từng giành Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018. Ngoài ra còn có tiết mục Acapella (Huy chương Vàng Liên hoan Hợp xướng quốc tế 2013), tiết mục múa từng đoạt giải Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc. Kết thúc là màn giới thiệu gương mặt các nghệ sĩ trong nhà hát.
"Các tiết mục này thể hiện những điểm đặc sắc trong con đường nghệ thuật của nhà hát, đồng thời thể hiện rõ niềm tự hào của anh em nghệ sĩ khi được công tác tại một đơn vị nghệ thuật có bề dày lịch sử, đơn vị nghệ thuật duy nhất 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng" -NSƯT - nhạc sĩ Đỗ An chia sẻ.
Còn NSƯT Ngọc Khang - một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của nhà hát, được mệnh danh là ca sĩ hát nhạc Nga hay nhất tại Việt Nam tâm sự: "Những ngày qua Hà Nội rất lạnh nhưng anh em nghệ sĩ chúng tôi luôn cảm trong mình có một ngọn lửa đang cháy hừng hực. Đó là niềm tự hào của một nghệ sĩ khi được công tác tại đơn vị nghệ thuật giàu truyền thống.
Nhiều người khi nghe tôi hát thường gọi tôi là người hát nhạc Nga hay nhất Việt Nam. Danh xưng đó là mọi người dành tặng chứ tôi chưa bao giờ dám nhận như thế. Có lẽ, họ cảm nhận được sự nhiệt huyết, tình cảm mà tôi gửi gắm trong mỗi ca khúc. Tôi rất hạnh phúc khi mọi người ghi nhận và yêu mến giọng hát của mình.
Tuy nhiên, tôi vẫn ví von Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam là đất dụng võ. Đây là nơi bồi dưỡng, vun đắp tài năng cho chúng tôi. Truyền thống gần 70 năm phát triển với những cây đa cây đề trong nền nghệ thuật Việt Nam truyền thêm cho chúng tôi ngọn lửa để cháy sáng trên bầu trời nghệ thuật. Nếu ở một đơn vị khác, chắc tôi sẽ không được cất cánh như bây giờ".
Cũng trong dịp này, NSƯT Ngọc Khang là một trong những nghệ sĩ được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bằng khen của Văn phòng trung ương Đảng bởi những đóng góp cho sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật.
Còn NSƯT Hoàng Xuân Bình - Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam - không giấu được niềm tự hào khi ôn lại lịch sử nơi anh đã gắn bó rất nhiều năm.
Ngày 16/11/1951, tại vạt rừng ở ấp Canh Nông, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương được thành lập với 3 tổ: Kịch, Ca múa và Chèo. Đây là tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam ngày nay, cái nôi rèn luyện thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của đất nước. Những thập kỷ sau đó, các nghệ sĩ của nhà hát luôn hết mình động viên tinh thần người ra trận trong kháng chiến. Họ có mặt ở nhưng nơi nguy hiểm nhất. Lời ca, tiếng hát của họ vang lên giữa đại ngàn Trường Sơn, át đi tiếng pháo trên trận địa.
Rất nhiều nghệ sĩ, bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, đã đi vào lịch sử văn hóa, nghệ thuật Việt Nam như: Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Học Phi, Đỗ Nhuận, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Văn Thương, Đào Mộng Long, Thương Huyền…
Các giọng ca đi cùng năm tháng có Quốc Hương, Trần Hiếu, Thu Hiền, Trung Đức... Họ không chỉ là niềm tự hào của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam mà là còn là niềm kiêu hãnh của cả nền nghệ thuật nước nhà.
Khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới, phát triển, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng nằm trong hành trình chuyển mình. Các nghệ sĩ ngày càng trưởng thành và thể hiện tài năng ở nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, NSƯT Ngọc Khang không chỉ được yêu mến với vai trò nghệ sĩ biểu diễn mà còn là giảng viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và tham gia dàn dựng nhiều tiết mục uy tín.
Phục vụ các sự kiện quốc tế tổ chức ở Việt Nam như hội nghị APEC, ASEAN, ATF..., nhà hát luôn xây dựng được các chương trình nghệ thuật đặc sắc. Ông Hoàng Xuân Bình tiết lộ, các nghệ sĩ ở đây đã biểu diễn phục vụ gần 200 nguyên thủ quốc gia tới thăm hoặc đàm phán tại Việt Nam. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi xem chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trong thời gian tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đã lập tức mời đoàn sang Triều Tiên biểu diễn.
Năm 2019, nhà hát cũng là một trong nhưng đơn vị chủ chốt tổ chức thành công Tuần Văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga. Một trong những giọng hát gây ấn tượng mạnh tại sự kiện này là NSƯT Ngọc Khang. "Được đào tạo tại Nhạc viện Tchaikovsky của Nga, NSƯT Ngọc Khang là bông hoa của tình hữu nghị Việt - Nga về hợp tác văn hóa" - Phó Giám đốc Hoàng Xuân Bình nhận xét.
Không chỉ đi đầu trong các hoạt động nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam còn là một trong những đơn vị nghệ thuật tiên phong trong việc tự chủ kinh tế. Theo Phó Giám đốc Hoàng Xuân Bình, từ năm 2006, nhà hát xây dựng lộ trình tự chủ 50% và đến năm 2015, đơn vị tự chủ hoàn toàn.
Bên cạnh các chương trình mang tính chất chính trị, xã hội, những năm gần đây, nhà hát đẩy mạnh các buổi biểu diễn nghệ thuật thường kỳ, đáp ứng nhu cầu văn hóa, giải trí của người dân. Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ thuộc nhà hát trở thành địa chỉ quen thuộc của khán giả Thủ đô.
"Trung bình mỗi năm, nhà hát xây dựng gần 300 chương trình, rất nhiều chương trình mới, được phục dựng hoặc làm mới để phục vụ công chúng. Riêng trong năm 2020, dù có rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, nhà hát vẫn đảm bảo công tác chuyên môn, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, xã hội mà Đảng và Nhà nước giao.
Truyền thống gần 70 năm là nền tảng, là chỗ dựa, là sức mạnh giúp chúng tôi không ngừng sáng tạo, không ngừng vươn lên, để Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam mãi xứng đáng cánh chim không mỏi của làng nghệ thuật Việt” - NSƯT Hoàng Xuân Bình khẳng định.
Những thành tích của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam
Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới
02 Huân chương Độc lập hạng Nhất
01 Huân chương Độc lập hạng Hai
01 Huân chương Độc lập hạng 3
01 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất
01 Huân chương chống Pháp hạng Nhì
02 Huân chương Lao động hạng Nhất
02 Huân chương Lao động hạng Nhì
04 Huân chương Lao động hạng Ba
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật
04 Huy chương Vàng, Cúp Vàng Liên hoan Nghệ thuật Quốc tế
02 Huy chương Bạc, Cúp Bạc Liên hoan Nghệ thuật Quốc tế
09 giải đặc biệt và giải nhất các Hội diễn Ca múa nhạc Toàn quốc
31 Nghệ sĩ nhân dân
97 Nghệ sĩ ưu tú