Nhà điêu khắc Phạm Văn Dân: Những tác phẩm để đời

Với nhà điêu khắc (NĐK) Phạm Văn Dân, trong mỗi tác phẩm cho ra đời, ông đều gửi gắm vào đó một nhân cách, một tâm nguyện mà mình chắt chiu, ấp ủ.

Tạc tượng Bác Hồ từ hình ảnh Bác trên báo Nhân Dân

Hơn 50 năm trước (vào tháng 9 năm 1969), người dân Quảng Ngãi cũng như cả nước nghẹn ngào tiếc thương khi nghe tin Bác Hồ mất. Từ căn cứ địa cách mạng ở huyện Trà Bồng, NĐK Phạm Văn Dân đã tạc nên bức tượng chân dung Bác Hồ lần đầu tiên ở Quảng Ngãi. Hiện bức tượng này đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Dân nhớ lại: “Đầu tháng 9 năm 1969, khi nghe tin Bác mất, cả cơ quan đóng ở Trà Bồng đều khóc nức nở. Cách sau đó mấy ngày, tôi có nhận được một tờ báo Nhân Dân có hình ảnh của Hồ Chủ tịch và tôi trăn trở, mình phải làm cho được bức tượng Bác Hồ, nhằm đáp ứng lòng mong mỏi của anh chị em cơ quan”.

Bức tượng “Bà mẹ Sơn Mỹ” - tác phẩm gây xúc động cho những ai đến với Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: Huỳnh Thế

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Dân nghĩ rằng, nếu đục gỗ thì cũng khó về thời gian, phương tiện, nên ông mới ấp ủ ý tưởng đắp trực tiếp chân dung Bác bằng chất liệu xi măng. Đây cũng là lần đầu tiên ông đắp tượng trực tiếp. Thế là, ông chặt cây rừng làm đòn xoay, bứt dây rừng làm bệ. Lúc bấy giờ, ở căn cứ trên núi, xi măng là mặt hàng quý hiếm. Mỗi lần đi cõng gạo, cõng muối dưới đồng bằng, ông lại tranh thủ gửi mua thêm một vài ký xi măng. Bởi lẽ, mỗi chuyến đi còn phải bảo đảm lương thực, thực phẩm về cho cơ quan nữa.

“Kỷ niệm sâu sắc nhất là trong một lần đi cõng gạo và xi măng, bị địch phục kích, tôi và cả đoàn vừa mất cả gạo lẫn xi măng. Suốt mấy tháng trời tôi đặt mua xi măng, được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Thời gian làm tượng Bác khá dài, do vậy mình có thời gian ấp ủ, cảm nhận như Bác sống lại bên mình hằng ngày, hằng giờ, hằng tháng”, NĐK Phạm Văn Dân nhớ lại.

“Đây là bức tượng Bác Hồ đầu tiên được tạc ở Quảng Ngãi. Trong những năm vô cùng khó khăn về vật liệu, ảnh đi xuống Tịnh Minh móc nối cơ sở để lấy cho được xi măng về để tạc tượng, mà tượng đó nặng đến cả tạ. Thời điểm đó, mọi người thấy tượng Bác đều rất xúc động. Sau này, bức tượng được chuyển đặt về ở căn cứ địa Bàu Nung, xã Long Môn (Minh Long). Năm 1979, tôi thấy bức tượng đã được đưa xuống, nhìn thấy Bác là những kỷ niệm lại ùa về”, ông Nguyễn Đăng Ry, một người bạn chiến đấu cùng thời với NĐK Phạm Văn Dân xúc động chia sẻ.

Cùng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Việt Nam năm 1965, rồi cùng xung phong vào Nam chiến đấu, sau đó cả hai cùng học 5 năm điêu khắc ở Trường Mỹ thuật Huế, NĐK Hồ Thu cho biết: “Anh Dân là người đầu tiên trong chiến tranh đã làm tượng Bác Hồ ở trên Trường Sơn, bức tượng vô cùng ấn tượng. Chúng tôi cũng bất ngờ, lúc đó tôi là người lính, nghe tin bên Ban Tuyên huấn có người làm tượng Bác Hồ nên rất vui mừng, rất hãnh diện cho ngành điêu khắc”.

Làm tượng Bà mẹ Sơn Mỹ từ hình mẫu Mẹ Đốc

Năm 1975, về công tác ở Khu Chứng tích Sơn Mỹ từ những ngày đầu, NĐK Phạm Văn Dân là một trong những người tham gia đặt những viên gạch đầu tiên để Khu chứng tích nên hình hài như ngày hôm nay. Trong những tháng năm đó, ông cùng với nhiều NĐK khác như Hồ Thu, Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Ngọc Thiện... tham gia xây tượng đài Sơn Mỹ lần đầu tiên, ngay sau những ngày mới giải phóng.

Chính trong những tháng năm ở Sơn Mỹ, ông có một tác phẩm để đời mang tên “Bà mẹ Sơn Mỹ”. Bức tượng hiện nay được đặt tại cổng chính đi vào Khu Chứng tích. NĐK Phạm Văn Dân bồi hồi kể: “Tôi thấy rằng, chiến tranh, đau khổ nhất vẫn là các bà mẹ, trong đó có mẹ Đốc, một người mẹ còn sống sót sau vụ thảm sát. Lúc tôi nhìn mẹ, một người mẹ vô cùng gầy yếu, vì mẹ đã trải qua những đau khổ khi đã mất hết người thân... Từ đó, tôi lấy hình ảnh mẹ Đốc để tạc nên bức tượng “Bà mẹ Sơn Mỹ”, hình ảnh mẹ đang đau nhói tim, một bàn tay ấp lên ngực và vẫn bước đi vững vàng, ngẩng đầu lên để nhìn thấy tương lai - một tương lai cho Sơn Mỹ”.

Là người gắn bó với Khu Chứng tích Sơn Mỹ từ khi mới ra trường, Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ Phan Thị Vân Kiều cho hay: “Hầu như ai đến đây cũng dừng bước trước bức tượng, sau đó họ chụp rất nhiều ảnh. Khi khách đến đây nhìn bức tượng, họ rất xúc động và ấn tượng”.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Dân cũng là tác giả của Đài tưởng niệm Khánh Giang Trường Lệ, tượng đài Chiến thắng Đình Cương và nhiều công trình phù điêu ngoài trời khác... Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn luôn ấp ủ nhiều dự định, luôn trăn trở với rất nhiều phác thảo, đặc biệt là những phác thảo gắn với những kỷ niệm thời chiến trường, gắn với sự hy sinh to lớn của những người đồng đội năm xưa.

Huỳnh Thế

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202011/nha-dieu-khac-pham-van-dan-nhung-tac-pham-de-doi-3028978/