Nhà báo với mạng xã hội: Bình tĩnh, bản lĩnh mà... đồng hành!
Hơn bao giờ hết, mạng xã hội (MXH) hiện đang được nhiều người tận dụng triệt để trong cuộc sống. Kinh doanh, quảng cáo, chia sẻ thông tin, hình ảnh… cực nhanh là những lợi thế để MXH làm 'say lòng người'. Trong đó, nhà báo cũng tận dụng MXH cho công việc của họ. Tuy nhiên, cần thận trọng với thông tin từ MXH…
Đừng để bị “ngộp” bởi nguồn tin không chính thống
Với những ai tham gia MXH, sáng ra bạn sẽ gặp cảnh “mê hồn trận thông tin” ập vào điện thoại di động khi bạn truy cập. “Hoang mang” là từ người ta hay dùng khi đụng phải nguồn thông tin ngồn ngộn này. Thôi thì đủ thứ: Trộm cắp, đánh ghen, bạo lực học đường, lộ cảnh nóng, các clip triệu view… Một bạn đồng nghiệp phải thốt lên rằng: Sáng ra nếu muốn viết bài thì khoan hãy vào MXH. Bởi nếu vào trong đó có khi bạn bị “ngộp” bởi thông tin.
Hơn ai hết, là nhà báo chúng ta phải bình tĩnh trước các nguồn thông tin từ MXH. Không thể phủ nhận sự nhanh chóng, tiện lợi của MXH trong việc đưa ra nguồn tin. Tuy nhiên, chúng ta cần phải kiểm chứng thông tin trước khi like, comment, chia sẻ hay thậm chí viết bài để cổ vũ hoặc phản bác các hiện tượng mạng này. Đừng để vô tình chúng ta trở thành những “anh hùng” bàn phím bởi đằng sau câu chữ ảo là từng con người thật và họ luôn mong muốn sống cuộc sống bình yên như chúng ta mong muốn. Bởi thế mà trước khi “ném đá”, cần suy nghĩ thật kỹ là vì vậy…
“Chuyện của nhà báo vẫn là ở cơ sở, vẫn bám sát cuộc sống hàng ngày. Nhà báo cần trực tiếp nghe người trong cuộc nói mới là nguồn tin chính thống”, một đàn anh đã tâm sự về nghề nghiệp như thế với chúng tôi và theo anh, MXH vẫn là để tham khảo thêm, tìm hiểu thêm chứ không nên để nó dẫn dắt báo chí chính thống chạy theo nó.
Tuân thủ những điều không được làm trên MXH
Liên quan đến MXH, theo chúng tôi, trước hết nhà báo thực hiện đầy đủ về những điều công chức không được làm trên Facebook. Theo đó, năm 2019 là thời điểm Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Cũng trong năm nay, áp dụng Đề án văn hóa công vụ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1847/QĐ-TTg. Cán bộ, công chức, viên chức cần lưu ý một số điều sau khi sử dụng mạng xã hội Facebook. Và điều này cũng đúng với các nhà báo. Đó là các điểm: Không đăng thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận; không đăng thông tin dâm ô, đồi trụy; không đăng thông tin phiến diện, một chiều; không đăng bí mật công tác, bí mật Nhà nước…
Thực tế có một số nhà báo muốn nổi tiếng, muốn nâng cao tầm ảnh hưởng của mình nên đã có bài viết, status lên gân, gây hoang mang cho độc giả. Cũng có nhiều người vì áp lực tin, bài mà dùng nguồn tin chưa kiểm chứng trên MXH hay từ đồng nghiệp (cũng chưa được kiểm chứng!). Điều này rất không nên bởi thông tin bị hiểu sai so với sự thật. Nhà báo cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong mỗi sản phẩm báo chí. Việc định hướng dư luận sẽ sai nếu chúng ta viết sai hay hiểu sai những thông tin chúng ta tiếp nhận từ MXH.
Nhà báo Quách Lắm, nguyên Trưởng Phân xã TTXVN tại Bình Dương nói về nhà báo với MXH: “Trước hết chúng ta phải hiểu MXH là toàn cầu, không phân biệt một vùng miền nào hết. Nên việc phát triển của MXH là tất yếu bởi tính thuận lợi, nhanh chóng của nó. Tuy nhiên, nhà báo khi viết phải theo định hướng, phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chúng ta không thể đối đầu với MXH mà đồng hành với nó nhưng phải phân biệt đúng sai. Nhà báo phải thông tin sớm hoặc thông tin lại cho đúng sự việc (nếu nguồn tin đi sau MXH) nhất là với những thông tin nóng, nhạy cảm mà dư luận quan tâm. Hơn bao giờ hết, nhà báo cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với nguồn tin, có định hướng dư luận, chuẩn mực đạo đức... trong thời buổi bùng nổ thông tin trên MXH này”.
Có người nói vui rằng, làm “anh hùng bàn phím” thì dễ, viết bài định hướng, có mang thông tin chính thống thì khó hơn nhiều. Điều này luôn đúng với những người làm báo chân chính. Bởi vậy, trước mỗi thông tin, chúng ta phải luôn biết đắn đo, suy nghĩ để có thông tin xác thực đem đến cho bạn đọc. Vai trò của báo chí chính thống trong thời buổi bùng nổ thông tin, trong thời buổi MXH len lỏi khắp mọi nơi vì thế mà càng khó khăn hơn nữa…
Hội Nhà báo Việt Nam cũng yêu cầu người làm báo không được vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật. Nhà báo không được “Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên MXH, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác”. Đồng thời, người làm báo không được “Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độtích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội”...