Nguyên Phó Chủ tịch nước: Các cháu du học về làm sao nhận lương hệ số vài triệu

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu thực tế rằng khi lương của công chức trong khu vực công chỉ có vài triệu đồng tính theo hệ số thì khó thu hút được người trẻ tài năng.

Hội nghị Đoàn chủ tịch lần thứ 3 khóa 10 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam diễn ra sáng 17/4 thảo luận, cho ý kiến một số nội dung trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15.

‘Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là việc đã ấp ủ từ lâu’

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - chia sẻ thẳng thắn về một số vấn đề.

Theo bà Doan, trong bối cảnh quốc tế với rất nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, chúng ta phải đổi mới, có những bước đi khác. Bà đánh giá cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy vừa qua là hướng đi đúng đắn, thể hiện quyết tâm cao của bộ máy chính trị.

“Đó đều là những việc chúng ta ấp ủ từ lâu rồi, bây giờ mới quyết tâm giải quyết” - bà nói.

Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: MTTQ

Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: MTTQ

Nguyên Phó Chủ tịch nước đánh giá cao việc Đảng và Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất.

“Chữ ‘nhất’ này tôi đã đề nghị từ rất lâu, bây giờ mới được sử dụng. Đây là một quyết sách rất đúng đắn” - bà đánh giá.

Về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy thời gian qua, bà Doan cho rằng đi cùng với đó sẽ là những khó khăn cho việc đi lại của các cán bộ, công chức, viên chức. Bà đề xuất giao các tỉnh quan tâm vấn đề này để đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi nhất cho cán bộ, công chức.

Miễn học phí đến hết cấp THPT là rất xác đáng

Về học phí, bà Doan cho rằng Bộ Chính trị đặt mục tiêu miễn học phí đến hết cấp THPT là chủ trương rất xác đáng.

“Với chúng ta có thể 50 nghìn đồng là ít, nhưng với bà con lao động, buôn bán nhỏ lẻ thì nhiều khi 50 nghìn nộp học cho con cũng khó” - bà nêu thực tế.

"Về vấn đề sách giáo khoa, tôi từng đặt câu hỏi rất nhiều lần tại sao lại có nhiều bộ sách như thế. Các đồng chí nói Nghị quyết 88 của Quốc hội đã thông qua rồi, nhưng trước đó có biết bao nhiêu là ý kiến. Theo tôi, cứ phải có 1 bộ sách chuẩn đã, sau đó ai viết thì viết”.

Bà Doan cho rằng việc chọn tác giả này 2 cuốn, tác giả kia 3 cuốn là rất khổ cho người dạy lẫn người học.

“Tôi nhớ có một cuộc họp cũng ở hội trường này, khi tôi đã nói sách giáo khoa có nội dung giống nhau đến hơn 90% thì một giáo sư đáp rằng ‘giống đến 90% thì soạn cái gì, phải khác nhau chứ’. Nhưng lịch sử, địa lý Việt Nam thì làm sao mà khác được?”. Vì thế, bà đề nghị xem xét lại việc cho phép sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau.

Các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương và những quyết sách nhanh chóng, quyết liệt trong công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy thời gian qua. Ảnh: Ngọc Thắng

Các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương và những quyết sách nhanh chóng, quyết liệt trong công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy thời gian qua. Ảnh: Ngọc Thắng

Nguyên Phó chủ tịch nước cũng đề cập nhiều đến vấn đề giáo dục, đào tạo, thu hút nhân tài để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 57 về bứt phá khoa học công nghệ.

Cụ thể, bà Doan đặt ra 2 vấn đề.

Thứ nhất, học sinh bây giờ chọn thi vào các ngành khoa học cơ bản thấp, dẫn đến thiếu hụt đội ngũ kỹ sư, người nghiên cứu khoa học cơ bản. Vì thế cần có chính sách khuyến khích người trẻ học các ngành khoa học cơ bản, ví dụ như miễn giảm học phí, trao học bổng…

Thứ hai là bài toán thu hút nhân tài. Học sinh, sinh viên giỏi, đạt các loại huy chương vàng, bạc quốc tế, du học sinh… làm sao mà về nước để nhận mức lương hệ số vài triệu đồng? Nếu thế thì các cháu không làm đâu!” - bà cảm thán.

Bà cũng đề nghị tìm giải pháp để bồi dưỡng, đào tạo cho 67% người lao động trong nhóm từ 15-44 tuổi chưa qua bất cứ khóa học, trường lớp đào tạo nghề nghiệp nào. Theo bà Doan, chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nhóm lao động này là việc quan trọng cần làm.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết để triển khai kịp thời Nghị quyết của hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Ban thường trực Ủy ban đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng xây dựng kế hoạch và triển khai 9 nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Ban thường trực đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các luật chuyên ngành của các tổ chức chính trị - xã hội. Các nội dung này để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho sắp xếp, tổ chức bộ máy, bảo đảm đi vào hoạt động kể từ ngày 1/7.

Tại kỳ họp thứ 9 tới đây, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ trình bày trước Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước kể từ sau kỳ họp thứ 8 đến nay.

Ông Đỗ Văn Chiến cho biết dự thảo gồm 3 phần: Phần thứ nhất phản ánh khái quát, tổng quan những sự kiện, vấn đề, nội dung nổi bật được cử tri và nhân dân quan tâm; phần thứ 2 tập trung phản ánh 9 lĩnh vực cụ thể; phần thứ 3 là các nội dung kiến nghị cụ thể của Đoàn chủ tịch gửi tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguyen-pho-chu-tich-nuoc-cac-chau-du-hoc-ve-lam-sao-nhan-luong-he-so-vai-trieu-2392146.html