Nguyên nhân Iran và Israel trở thành đối thủ ở Trung Đông

Iran và Israel đã chuyển từ đồng minh thành đối thủ, đặc biệt là sau Cách mạng Hồi giáo Iran. Cuộc tấn công Đại sứ quán Iran ở Syria và vụ trả đũa của Iran đã khiến tình hình căng thẳng hơn nữa.

Tên lửa Iran tấn công Israel rạng sáng 14/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Đêm 13/4 và rạng sáng 14/4, Iran đã phóng máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo tấn công Israel. Tehran cho biết đây là hành động đáp trả cuộc không kích vào Đại sứ quán của Iran ở Damascus hồi đầu tháng này.

Theo Đài phát thanh Quốc tế Đức (DW.com), kể từ khi phát động cuộc chiến chống Hamas ở Dải Gaza vào ngày 7/10/2023, Israel cũng đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các lực lượng thân Iran ở Liban và Syria. Mới nhất là cuộc tấn công ngày 1/4 vào Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, trong đó có 7 thành viên cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Iran đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công, mặc dù Israel không bình luận về vụ việc.

Iran và Israel đã là đối thủ của nhau trong vài thập kỷ qua khi Tehran nói rằng họ muốn xóa Tel Aviv khỏi bản đồ. Về phần mình, Israel coi Iran là đối thủ lớn nhất của mình.

Nhưng điều này không phải luôn luôn như vậy. Trên thực tế, Israel và Iran là đồng minh trước Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Iran là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Israel sau khi nước này được thành lập vào năm 1948. Israel coi Iran là đồng minh chống lại các quốc gia Arab. Trong khi đó, Iran hoan nghênh Israel như một đối trọng với các nước Arab trong khu vực.

Khi đó, Israel đã đào tạo các chuyên gia nông nghiệp Iran, cung cấp bí quyết kỹ thuật và giúp xây dựng và huấn luyện các lực lượng vũ trang Iran. Iran đã hỗ trợ về dầu cho Israel vì nền kinh tế đang phát triển của nước này cần nhiên liệu.

Không chỉ có vậy. Iran là quê hương của cộng đồng Do Thái lớn thứ hai bên ngoài Israel. Sau Cách mạng Hồi giáo, nhiều người Do Thái đã rời bỏ Iran, nhưng hiện nay hơn 20.000 người Do Thái vẫn sống ở Iran.

Quan hệ Israel - Iran thay đổi từ khi nào?

Sau khi Cách mạng Hồi giáo Iran giúp Ayatollah Ruhollah Khomeini và các nhà cách mạng tôn giáo lên nắm quyền, Iran đã hủy bỏ tất cả các thỏa thuận trước đó với Israel. Ông Khomeini đã chỉ trích gay gắt việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine. Dần dần, Iran áp dụng chính sách ngày càng gay gắt đối với Israel để giành sự ủng hộ của các quốc gia Arab trong khu vực hoặc ít nhất là người dân trong nước. Iran rất muốn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Khi Israel đưa quân vào miền nam Liban năm 1982 để can thiệp vào cuộc nội chiến ở nước này, nhà lãnh đạo Khomeini đã phái lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đến thủ đô Beirut của Liban để hỗ trợ lực lượng địa phương người Shiite. Lực lượng Hezbollah ngày nay được coi là lực lượng thân Iran mạnh nhất ở Liban.

Xe thiết giáp Israel hoạt động ở Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN

Lý do Iran và Israel trở thành đối thủ

Nhà lãnh đạo hiện tại của Iran, Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề, vẫn có thái độ phản đối Israel như những người tiền nhiệm.

Theo nhận định của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (crisisgroup.org), căng thẳng giữa Iran và Israel đã gia tăng trong nhiều năm. Tại Syria, Israel đang tiến hành một chiến dịch quân sự tích cực mà các chiến lược gia gọi là “cuộc chiến giữa các cuộc chiến”, nhắm vào các chuyến hàng vũ khí của Iran, một số trong đó hướng đến Liban và các lực lượng có liên quan đến Iran.

Cuộc tấn công Đại sứ quán Iran ở Damascus là cuộc tấn công mới nhất trong một loạt hoạt động kể từ cuối năm 2023 nhằm vào các thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói chung và Lực lượng Quds nói riêng. Israel cũng đã thực hiện nhiều lần các hành động bí mật nhằm làm suy yếu chương trình hạt nhân, các cơ sở quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng của Iran; cũng như tiến hành các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" với Iran trên biển và trên không gian mạng.

Trong khi đó, Iran từ lâu đã ủng hộ nhiều nhóm vũ trang mà Israel coi là mối đe dọa. Iran đã bị Israel cáo buộc trang bị vũ khí và huấn luyện cho Hamas; không chỉ trích cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10 năm ngoái. Bên cạnh đó, Tehran đã ủng hộ các hành động trên nhiều mặt trận chống Israel và Mỹ, như hành động của Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Liban, Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria trong suốt thời gian xảy ra cuộc xung đột ở Gaza.

Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza hiện đã bước sang tháng thứ 7, mối quan hệ "bên miệng hố chiến tranh" giữa hai đối thủ không đội trời chung này có nguy cơ biến “cuộc chiến giữa các cuộc chiến” thành một cuộc đối đầu trực tiếp.

Do đó, điều cần thiết là cả hai bên phải tránh leo thang lớn hoặc ít nhất là kiềm chế các hành động thiếu tính toán. Nhưng ngay cả khi họ thành công trong việc làm điều đó trong giai đoạn này, thì việc tiếp tục cuộc xung đột ở Gaza vẫn đang đẩy Trung Đông đến "bên bờ vực", một kịch bản thảm khốc trong đó tất cả sẽ là bên thua cuộc.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo dw.com/crisisgroup.org)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguyen-nhan-iran-va-israel-tro-thanh-doi-thu-o-trung-dong-20240415110321281.htm