'Nguyễn Huy Thiệp đã không chờ ngày hoa tử huyền nở'
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời lúc 16h45 hôm nay, ngày 20/3 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi.
Nhà văn Trần Thị Trường đã có những chia sẻ đầy xúc động khi hay tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời. VietNamNet đăng chia sẻ của bà.
Thế là cha đẻ của Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Chảy đi sông ơi… đã về nơi cực lạc, nơi vợ ông đã đến trước vào năm ngoái. Vậy là thôi, ông không còn phải chìm đắm đau đáu và xót thương những thân phận như Tướng về hưu, Tuổi hai mươi yêu dấu, Đổi tình lấy điểm hay Mổ nhà văn.
Cũng không còn phải Giăng lưới bắt chim và chẳng cần gì hết nữa kể cả Kiếm sắc, Vàng lửa” và Phẩm tiết cũng chả phải bận tâm làm gì. Cuộc đời và sự nghiệp của ông, ông để lại cho thiên hạ, và thiên hạ nghĩ gì, có thay đổi gì hay “nguyễn y vân”, với ông cũng vậy thôi. Nghe tin ông mất lúc 16 giờ 30 (hôm nay 20/3/2021) trên mạng và qua facebook của họa sĩ Nguyễn Phan Bách con trai cả của ông, tôi bỗng rơi bút, bức hoa loa kèn đang vẽ mờ đi trước mặt.
Hơn 10 năm kể từ lần đột quỵ đầu tiên cho đến hai năm nay, ông đã luôn cố gắng “lội ngược dòng” để tiếp tục viết, vẽ không phải để thêm nổi tiếng mà có lẽ là để đỡ buồn, để cho vợ con yên lòng. Nhưng rồi ông mệt mỏi thực sự. Trong 2 năm đó, những lần vào thăm, tôi thấy sức khỏe ông sa sút nhanh chóng, nhiều lần, các con ông phải gọi ông mới mở mắt và bảo: “Trường à?”. Nhưng cách đây ít ngày tôi có vào thăm ông cùng nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến thì hầu như ông không còn nhận biết gì nữa…
Nghe tin ông mất, lập tức, trong tôi hiện rõ những tác phẩm của ông mà một thời vô cùng say mê mà như thuộc lòng vì đọc nhiều lần, mỗi lần lại thấy hay thêm một chút. Dù văn chương của ông ở mức gây nhiều tranh cãi (ai thích thích đến tột cùng, ai bực bực đến tận đáy, nhưng “Muối của rừng” là truyện ngắn ra ngoài sự tranh cãi đó…).
“Muối của rừng” kể về chuyện đi săn của ông Diểu. Săn được con khỉ nặng hơn yến giữa thời buổi thịt thà là miếng rất ngon, nhưng ông Diểu nhìn thấy con khỉ còn sống, ông nhìn vào mắt nó mà thấy rùng mình: (xin trích một đoạn): “Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề. "Thôi tao phóng sinh cho mày! " - Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy nhổ bãi nước bọt xuống dưới chân mình. Lưỡng lự giây phút rồi ông vội vã bỏ đi. Hình như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến chỗ con khỉ đực nằm.
Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.
Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông nhòa vào màn mưa.
Chỉ ít ngày nữa sang tiết Lập hạ. Trời sẽ ấm dần”.
Vâng, chỉ ít ngày nữa thôi là lập hạ, nhà văn đi nhé, về với nơi không còn phải tê tái, và không còn những trách nhiệm đè lên lưng nữa. Chỉ tiếc sao nhà văn không chờ đến ngày hoa tử huyền nở... Xin tiễn nhà văn bằng những bông loa kèn đầu mùa. Người đi, nhưng tác phẩm thì còn lại và ấn tượng về những tác phẩm đó mãi sẽ không phai mờ trong lòng người đọc.