Nguy cơ mất an toàn thực phẩm dịp cuối năm từ thói quen tích trữ Tết sớm

Dù chợ hay siêu thị hiện giờ mở gần như xuyên tết nhưng tâm lý 'phòng xa' của người dân vẫn khiến các bà nội trợ không ngừng mua sắm, tích trữ thực phẩm để rồi sau đó lại phải đối mặt với nguy cơ ngộ độc, mất an toàn thực phẩm.

Mất Tết vì tích trữ thực phẩm

Không nên mua nhiều thực phẩm trước Tết quá sớm

Nhớ lại dịp tết năm trước, nhà bà Phương Lan (51 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải bỏ đi rất nhiều thực phẩm không dùng hết và bị hư hỏng trong dịp Tết. Nhà chỉ có 2 vợ chồng với 1 con trai nhưng bà Lan đã chi một khoản tiền lớn để mua thực phẩm dự trữ cho kỳ nghỉ Tết. Ngay từ đầu tháng Chạp, bà Lan đã lên kế hoạch sắm thực phẩm cho ngày Tết. Măng miến, nấm hương, mộc nhĩ… được bà ưu tiên mua trước. Những ngày sát tết bà Lan tập trung mua thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, giò chả, rau củ… 3 con gà gia đình bà Lan đã nhờ người quen đặt hộ và sẽ giao vào ngày 30 Tết. Bà Lan đã tính những thực phẩm này sẽ sử dụng tới tận ngày hóa vàng là mùng 5 Tết.

Bà Lan chia sẻ: "Sinh ra thời bao cấp nên từ nhỏ tôi đã quen với việc gia đình dự trữ đủ thức ăn đến sau Tết. Nhà tôi thường gói rất nhiều bánh chưng, ăn không hết thì cho vào tủ lạnh rồi rán lên ăn dần. Rồi thịt đông, canh măng hay cá kho năm nào cũng phải đun đi đun lại." Kết quả là Tết năm vừa qua, gia đình bà Lan đã tốn kém không ít tiền bạc cho những thực phẩm bị hỏng không dùng được.

Không chỉ gây tốn kém tiền bạc, nhiều người còn phải nhập viện vì ăn phải thực phẩm ôi thiu.

Chị Huyền (33 tuổi quận Hà Đông) kể, năm trước cả gia đình chị mất Tết vì con trai 7 tuổi bị rối loạn tiêu hóa, phải nhập viện. Chuyện xảy ra vào buổi chiều đầu tiên của năm mới, khi đi chúc Tết về, vì đói và mệt, con trai chị đã lấy bánh chưng và giò xào trong tủ lạnh ra ăn. Đến tối, cháu bị đau bụng quằn quại, nôn và tiêu chảy nên phải lập tức đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Nhiều người Việt có thói quen tích trữ thực phẩm để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán. Bà Mai (ở Cầu Giấy) chia sẻ: "Trước đây, khi cuộc sống còn thiếu thốn, bữa ăn hằng ngày thường chưa đầy đủ, người ta hay để dành những của ngon vật lạ cho dịp năm mới, coi đây là dịp vừa nghỉ ngơi, vừa hưởng thụ bù cho một năm vất vả. Cũng vì thế mà thói quen tích trữ thực phẩm vẫn còn ảnh hưởng trong cuộc sống ngày nay. Thêm vào đó, Tết Nguyên đán là dịp sum họp, ăn uống, nên cần tích trữ nhiều thực phẩm. Tủ lạnh đã trở thành vật dụng không thể thiếu của các bà nội trợ trong mỗi dịp Tết".

Đừng biến tủ lạnh thành kho dự trữ ngày Tết

Các bà nội trợ cần bỏ ngay thói quen tích trữ thức ăn ngày tết.

Thực tế, giờ siêu thị mở cửa, chợ truyền thống họp xuyên Tết, cùng lắm chỉ nghỉ mỗi sáng Mùng một, do đó, mọi người cần hạn chế việc tích trữ thực phẩm, tránh tư tưởng mâm cao, cỗ đầy và không nên nấu đi nấu lại thức ăn.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khuyến cáo: Người tiêu dùng cần chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và sử dụng, bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đặc biệt, đừng biến tủ lạnh thành kho lưu trữ thực phẩm lâu dài dịp Tết.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm ngày Tết, trước tiên, người tiêu dùng phải chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải thực hiện việc sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Rất nhiều trường hợp hạn sử dụng nhưng bảo quản sai dẫn đến sản phẩm hư, hỏng.

Chuyên gia về an toàn thực phẩm xác định Tết Nguyên đán là thời điểm "chơi Tết", nghỉ xuân, không còn "ăn Tết" như thời bao cấp vì vậy cần tránh việc tích trữ quá nhiều thực phẩm, lưu ý hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nhà sản xuất.

Nói tóm lại, Tết mệt mỏi hay thảnh thơi, tiết kiệm hay tốn kém, vừa đủ hay phí phạm hoàn toàn do bản thân mỗi người tự quyết định và điều chỉnh. Không cần phải chạy theo, bắt chước người khác, chỉ cần làm sao cho đúng với nhu cầu, hoàn cảnh, sở thích của mình là đủ, đó mới là một cái Tết trọn vẹn.

Kim Ngân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-dip-cuoi-nam-tu-thoi-quen-tich-tru-tet-som-16923112011045057.htm