Người Việt ở Nam Á: Nhà nóng như lò, cây cối chết dần

Giữa tháng 4, người Việt ở Ấn Độ và Pakistan đã trải qua những ngày thời tiết khắc nghiệt, có lúc 'nóng như lò', gây ảnh hưởng ít nhiều đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Cứ ba người trên thế giới thì có một người đang hứng chịu “đợt nắng nóng khủng khiếp ở châu Á”, theo Independent. Trong đó, khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã chịu đựng cái nóng như thiêu đốt tại một số thời điểm trong hai tuần qua, với nhiều kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ.

Cơ quan dự báo thời tiết, Cục Khí tượng Ấn Độ (IDM), đã đưa ra cảnh báo màu cam cho bang Tây Bengal, Andhra Pradesh và Bihar, đồng thời cảnh báo tình trạng sóng nhiệt ở 4 bang khác là Sikkim, Jharkhand, Odisha và Uttar Pradesh. Ngoài Ấn Độ, Pakistan cũng chứng kiến nhiệt độ tăng trên 40 độ C.

Chia sẻ với Zing, chị Lại Ngọc Lan Hương ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal (Ấn Độ), cho biết cuối tuần qua thời tiết ở khu vực này có phần dịu hơn do thời tiết âm u, nhiều mây, tuy nhiên một tuần trước đó có những thời điểm “trong nhà nóng như lò”.

“(Thời tiết) nóng lắm. (Có lúc) trong nhà nóng như lò còn hơn ngoài đường. Trong các khu chợ cũng rất nóng”, chị Hương nói.

Cây cối chết dần vì nắng nóng

Làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chị Hương chia sẻ thời tiết nắng nóng ảnh hưởng ít nhiều đến công việc hàng ngày. “Khi đi làm và kiểm hàng tôi thấy mệt và dễ bực hơn”, chị chia sẻ.

Thời tiết khắc nghiệt cũng khiến cây cối bị ảnh hưởng. Chị Hương kể gia đình chị phải “tưới cây 3 lần/ngày vì lo cây chết dần”. Chị cũng dự định làm thêm mái che để bảo vệ cây trong mùa hè nắng nóng.

“Buổi tối tôi thường đi uống cà phê, nhưng thời tiết này tôi chỉ muốn nằm ở nhà, không muốn đi chơi. (May mắn) về đêm trời mát hơn nhiều, tôi chỉ ngủ quạt là đủ”, chị nói thêm.

Với tình hình này, chị Hương và gia đình luôn chú ý che ô khi ra ngoài, uống nhiều nước, đi bơi hoặc tắm 2-3 lần/ngày để giảm nhiệt.

Trong khi đó, anh Phạm Ngọc Hóa, ở thành phố Lahore (Pakistan), cho biết trong tuần qua thời điểm nóng nhất là ngày 17/4 với mức nhiệt trên 40 độ C. Nhiệt độ trong ngày thường cao nhất vào buổi trưa và giảm nhiều về đêm. Nhiệt độ ban đêm thường dưới 20 độ C, chẳng hạn vào đêm 20/4, nhiệt độ giảm xuống 16 độ C.

 Ấn Độ hứng chịu nắng nóng kỷ lục vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

Ấn Độ hứng chịu nắng nóng kỷ lục vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

Mặc dù thời tiết nắng nóng không phải hiện tượng hiếm ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nhiệt độ tăng cao kỷ lục và những đợt nóng sớm đang thách thức khả năng bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự gián đoạn đối với nền kinh tế.

Theo CNN, Pakistan, Nepal và Bangladesh đều chứng kiến nhiệt độ lên tới 40°C trong nhiều ngày. Nhiệt độ ở tỉnh Tak, Thái Lan, lên tới 44,6 độ C, mức nóng nhất từng được ghi nhận ở nước này.

Lào cũng phá kỷ lục nhiệt độ cao nhất mọi thời đại trong hai ngày liên tiếp. Vùng nông nghiệp Sainyabuli ghi nhận nhiệt độ 42,9 độ C vào ngày 20/4, và thành phố Luang Prabang ghi nhận mức nhiệt 42,7 độ C một ngày trước đó.

Tại bang Tây Bengal (Ấn Độ), thành phố Bankura ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 43,7 độ C. Nhiệt độ ở các bang khác cũng tăng vọt lên trên 40 độ C. Chính phủ bang Tây Bengal đã kêu gọi đóng cửa trường học do nắng nóng gay gắt, theo First Post.

Trong khi đó, Urmila Das, một nội trợ ở thành phố Guwahati (Ấn Độ), chia sẻ với AFP rằng gia đình cô đang phải chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt.

“Chúng tôi không quen với cái nóng như thế này”, người phụ nữ 42 tuổi nói và cho biết thêm cô đã không cho con đến trường để đề phòng. “Thông thường, khu vực này có mưa từ giữa tháng 3, nhưng năm nay thì không. (Mọi thứ) rất khó khăn”.

Lỗ hổng

Theo nghiên cứu mới của các học giả tại Đại học Cambridge được công bố ngày 19/4, các đợt nắng nóng ở Ấn Độ đang khiến người dân nước này dễ bị bệnh tật và đói kém hơn, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á.

Hôm 16/4, nắng nóng gay gắt đã cướp đi sinh mạng của 14 người ở thành phố Kharghar, bang Maharashtra, miền Tây nước này. Thảm kịch xảy ra khi mọi người tập trung tại một lễ trao giải của chính phủ và ngồi dưới nắng nóng nhiều giờ. Nhiều người bị say nắng và phải nhập viện.

Điều đáng lưu ý là Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) đã không đưa ra cảnh báo sóng nhiệt vào ngày xảy ra thảm kịch, Indian Express đưa tin.

Theo IMD, “về mặt định tính, sóng nhiệt là tình trạng nhiệt độ không khí gây tử vong cho cơ thể con người khi tiếp xúc”. Về mặt định lượng, định nghĩa của IMD “dựa trên các ngưỡng nhiệt độ ở một khu vực về nhiệt độ thực tế hoặc sự khác biệt so với bình thường”.

Song một quan chức IMD cho biết không có đài quan sát hoặc trạm thời tiết tự động (AWS) nào ở Panvel (Navi Mumbai) có thể cung cấp dữ liệu thời tiết chính xác cho Kharghar.

Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ấn Độ từng chỉ ra rằng nước này thiếu các trạm thời tiết tại từng địa phương, giúp dự đoán chính xác hơn. Họ cũng nhận định hầu hết kế hoạch chống nắng nóng của Ấn Độ chưa được "xây dựng phù hợp với bối cảnh địa phương và có cái nhìn quá đơn giản về các mối nguy hiểm".

 Giới khoa học cho rằng Ấn Độ đang đánh giá thấp rủi ro của các đợt nắng nóng. Ảnh: Shutterstock.

Giới khoa học cho rằng Ấn Độ đang đánh giá thấp rủi ro của các đợt nắng nóng. Ảnh: Shutterstock.

Trong khi đó, các học giả tại Đại học Cambridge cho rằng chính phủ Ấn Độ không đo lường tác động của tình trạng căng thẳng do nhiệt độ cao lặp đi lặp lại, trong quá trình đánh giá mức độ tổn thương do khí hậu. Và điều này đang khiến Ấn Độ đánh giá thấp rủi ro của các đợt nắng nóng, theo Bloomberg.

Các nhà nghiên cứu đã đo lường tác động vật lý của đợt nắng nóng kỷ lục 49 độ C vào năm 2022 đối với Ấn Độ và phát hiện ra rằng gần 90% người dân dễ bị tổn thương trước các vấn đề sức khỏe cộng đồng, thiếu lương thực và tăng nguy cơ tử vong.

Dân số của nước này nằm trong số những người có nguy cơ cao nhất trước tác động của nhiệt độ, vốn đang trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Các tác giả cũng cho biết việc chính phủ không đo lường mức độ căng thẳng do nhiệt trong kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu khiến nỗ lực xác định các khu vực dễ bị tổn thương hơn trở nên khó khăn.

“Một thước đo mức độ căng thẳng do nhiệt sẽ giúp các Kế hoạch Hành động vì Nhiệt trên khắp Ấn Độ hoạt động hiệu quả hơn”, Ramit Debnath, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-viet-o-nam-a-nha-nong-nhu-lo-cay-coi-chet-dan-post1424930.html