Người Việt có tỷ lệ sử dụng Internet cao, nhưng ngại thanh toán không dùng tiền mặt
Các trao đổi tại Hội nghị 'Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn' diễn ra sáng 28/9 cho thấy, hiện nay hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã được xác lập, ngày càng hoàn thiện.
Triển khai thí điểm 3 mô hình thanh toán không dùng tiền mặt
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, từ phía cơ quan quản lý, ông Nghiêm Thanh Sơn, Vụ phó Vụ Thanh toán NHNN cho biết, NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Đến nay, NHNN đã chấp thuận triển khai thí điểm 3 mô hình: Dịch vụ chuyển tiền nhanh của Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các chi nhánh, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại các khu vực nông thôn; Dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; Dịch vụ chuyển tiền của Ngân hàng Quân đội trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.
“Tính đến cuối quý I/2018, các mô hình thí điểm trên đã xây dựng được trên 72.000 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trên toàn quốc, phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt khách hàng bao gồm cả các khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng”, ông Sơn thông tin.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông được phát triển rộng khắp, khá tiên tiến, kể cả khu vực nông thôn, hải đảo, phục vụ tốt cho thanh toán không dùng tiền mặt. Đến cuối tháng 5/2018, tổng số thuê bao di động đạt mức gần 124 triệu, có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet (đạt mức cao so với các nước trong khu vực), tạo cơ sở để mở rộng phát triển thanh toán qua Internet và di động trong thời gian tới.
"NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tăng cường đổi mới sáng tạo trong thiết kế và phân phối sản phẩm theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân và DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ, dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người có thu nhập thấp, người yếu thế...”, ông Sơn nói.
Nhưng, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ
Ông Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho rằng, đến thời điểm hiện nay, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế.
40% số dân Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.
“Riêng đối với những vùng như nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, việc rút, sử dụng và trả nợ của người vay bằng tiền mặt còn rất lớn. Đối với các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tỷ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn.
Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của dân chúng, cho nên việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn”, ông Nam nhận định.
Đồng quan điểm, Nguyễn Việt Hải, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ Agribank cho biết, tại Việt Nam có khoảng 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn, sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp thủy hải sản đóng góp khoảng 20% tổng GDP.
Nhu cầu về vốn và các dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống, phát triển nông nghiệp và nông thôn nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng là rất lớn từ đó mở ra không ít cơ hội cũng như thách thức đối Agribank trong việc tiếp cận, giới thiệu và cung ứng dịch vụ đến khách hàng tại khu vực này.
“Việc đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn có một số khó khăn đó là: Hiểu biết về dịch vụ ngân hàng nói chung và các dịch vụ thanh toán nói riêng của dân cư còn ít, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn phổ biến; Mức độ tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, yếu tố quan trọng trong thanh toán không dùng tiền mặt thấp. Đối với ngân hàng tại địa bàn nông thôn rộng lớn, dân số đông đòi hỏi đầu tư lớn cho hệ thống thanh toán, chi phí hoạt động cao”, ông Hải nói.
Và sự nỗ lực của cơ quan quản lý
Ông Sơn cho biết, trong thời gian tới, để thúc thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, NHNN đã xác định một số định hướng, giải pháp chính như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với một số vấn đề như mô hình ngân hàng đại lý (Agent Banking); xác thực điện tử (e-KYC); tiền điện tử; mở rộng dịch vụ, phát triển các dịch vụ thanh toán phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là dịch vụ tài chính số, thanh toán qua đi động.
Thứ hai, xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi, lĩnh vực phi ngân hàng tham gia vào việc cung ứng dịch vụ thanh toán hiện đại, phù hợp với địa bàn nông thôn, trong đó bao gồm việc xây dựng Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox Framework) cho lĩnh vực Fintech, công nghệ, mô hình thanh toán mới; đẩy mạnh hợp tác hiệu quả giữa ngân hàng - các công ty Fintech nhằmmở rộng địa bàn và đối tượng phụ vụ để cung ứng dịch vụ ngân hàng - tài chính tiện ích, phù hợp nhu cầu, chi phí hợp lý tới khách hàng, góp phần tích cực phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính tới người dân ở khu vực nông thôn.
Thứ ba, đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động ngân hàng trong thời gian tới; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán, hoạt động ngân hàng nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch, gia tăng các tiện ích/tính năng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng.
Thứ tư, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý về an ninh, an toàn, bảo mật, bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán điện tử, thanh toán di động.
Thứ năm, hoàn thiện quy trình xử lý giao dịch của ngân hàng theo hướng số hóa, tự động hóa, an toàn và thuận tiện; kết hợp giữa ngân hàng và viễn thôngphát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số… ) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác.