Người tung tin giả 'bé gái ở Bình Dương mất tích' sẽ bị xử lý thế nào?
Bé gái bị bắt cóc ở Bình Dương lan truyền khắp mạng xã hội là tin giả, thông tin từ công an phường Lái Thiêu (Bình Dương) cho biết.
Văn bản có chữ ký của trưởng công an phường Lái Thiêu (TP. Thuận An, Bình Dương) Trần Hùng Cường được xác minh là văn bản giả
Trước đó, vào tối 7/12, một tài khoản Facebook tung lên mạng xã hội, thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận trái chiều về truy tìm tung tích một bé gái bị bắt cóc kèm theo hình ảnh nhận diện và một văn bản có chữ ký của trưởng công an phường Lái Thiêu (TP. Thuận An, Bình Dương) Trần Hùng Cường.
Công an phường Lái Thiêu (TP. Thuận An, Bình Dương) khẳng định: Nội dung lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác, các tài khoản Facebook và fanpage khác đã lấy lại hình ảnh và nội dung này rồi tiếp tục đăng tải vào các hội, nhóm khiến cư dân mạng xôn xao, người dân hoang mang.
Ông Phạm Phú Nam, Chủ tịch phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, ngay sau khi xuất hiện thông tin này, ông đã chỉ đạo công an phường thông báo với người dân trên địa bàn phường để tránh gây hoang mang dư luận. Đồng thời, phường báo cáo vụ việc lên công an thành phố để có hướng xử lý.
Liên hệ với chị P.T.T.H. (là mẹ bé gái có hình ảnh trong thông báo bị bắt cóc), chị H. cho biết, gia đình chị ở Đắk Lắk chứ không phải ở Bình Dương. Con gái của chị vẫn đang ở nhà bình thường chứ không hề bị bắt cóc. Hình ảnh con gái chị được ai đó lấy từ trang cá nhân của chị rồi ghép vào thông báo. Theo chị H., các thông tin như thông báo hoàn toàn sai sự thật khiến cuộc sống gia đình chị bị xáo trộn.
Chị H. cho biết đã làm đơn tố giác sự việc lên Công an tỉnh Đắk Lắk.
Hình ảnh bé gái bị tung lên mạng xã hội lan truyền tối ngày 7/12 (ảnh lấy facebook)
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM, với hành vi tung văn bản giả mạo cơ quan nhà nước lên mạng xã hội thì phía cơ quan, tổ chức bị đối tượng tung tin giả mạo có quyền mời đối tượng đến để làm rõ.
Thông tin bé gái bị bắt cóc ở Bình Dương lan truyền khắp là tin giả (Ảnh: Facebook)
Nếu đối tượng lợi dụng việc làm giả văn bản, con dấu, chữ ký của tổ chức có thẩm quyền với mục đích lừa đảo và các hình thức khác thì sẽ khởi tố theo Điều 341 - Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Căn cứ vào từng tính chất của từng vụ việc, mục đích của hành vi giả mạo chữ ký mà người giả mạo chữ ký có thể bị xử lý bằng các biện pháp xử phạt hành chính được quy định tại Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.