Người trẻ viết chính luận: Dấn thân bằng con chữ, kiến tạo bằng lý tưởng
'Một thế hệ thực sự mang trong mình bản lĩnh chính trị là thế hệ biết tự mình suy xét lẽ phải, hành xử trên nền tảng trách nhiệm và không ngần ngại cất tiếng nói trước những vấn đề trọng đại của quốc gia'. Câu nói ấy ngày càng trở nên thấm thía trong dòng chảy thời cuộc. Giữa bối cảnh toàn cầu hóa lan rộng, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và chủ nghĩa cá nhân có chiều hướng lên ngôi, khi đời sống chính trị - xã hội chất chứa nhiều biến động khôn lường, việc giới trẻ tích cực góp mặt vào không gian chính luận là tín hiệu đáng mừng, đáng trân quý. Đó không đơn thuần là biểu hiện của lòng yêu nước được soi rọi bởi lý trí, mà còn là minh chứng sinh động cho sự trường tồn của lý tưởng cách mạng trong tâm khảm lớp người kế tục.

Tại Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cấp tỉnh lần thứ 4, năm 2024, em Lê Nhật Vy, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phú Riềng được trao giải “Tác giả trẻ tuổi tiêu biểu” - Ảnh: Phương Dung
Khi chính luận không còn là “đặc quyền” của bậc trưởng thượng
Đã từng có thời, chính luận là “vùng đất” tưởng như chỉ dành riêng cho những bậc lão thành - các nhà lý luận kỳ cựu, các cây bút dày dạn trải nghiệm chính trường và thời cuộc. Thế nhưng, trong khoảng một thập niên trở lại đây, diện mạo của chính luận đã có nhiều chuyển biến tích cực và sâu sắc. Đặc biệt, sau sự lan tỏa của các cuộc thi viết chính luận quy mô toàn quốc như Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Cuộc thi trực tuyến “Tự hào Việt Nam”, Giải báo chí với chủ đề “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”… đã xuất hiện ngày càng nhiều bài viết của người trẻ tạo được dư âm mạnh mẽ trong dư luận xã hội.
Những tác giả đó có thể là sinh viên đại học, cán bộ đoàn, nghiên cứu viên hay giảng viên trẻ. Họ đến từ muôn phương, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng điểm tương đồng là chung một tinh thần trách nhiệm công dân cao cả, một bản lĩnh không lùi bước trước những vấn đề gai góc của đời sống chính trị - xã hội. Họ chọn chính luận không phải vì sự hào nhoáng, mà bởi vì đó là nơi để gửi gắm lý tưởng, khẳng định chính kiến và góp phần giữ gìn nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chính sự nhập cuộc mạnh mẽ của thế hệ trẻ đã làm “trẻ hóa” chính luận - thể loại từng bị xem là khô khan và khuôn phép. Với cách diễn đạt linh hoạt, ngôn ngữ hiện đại, tư duy phản biện sắc sảo, lập luận mạch lạc nhưng giàu cảm xúc, họ đã thổi một làn gió mới vào dòng chảy chính luận. Qua đó, người trẻ chứng minh rằng: Viết chính luận không phải là điều xa lạ, càng không phải đặc quyền của một thế hệ nào - miễn là người viết có một trái tim nhiệt thành và một cái đầu tỉnh táo, minh định giữa đúng - sai, thật - giả.
Bản lĩnh chính trị trong từng con chữ
Chính luận, tự thân nó, không bao giờ là sự lặp lại máy móc các văn kiện hay sự mô phỏng giáo điều từ bài giảng lý luận. Viết chính luận là hành trình tự rèn luyện và tự chứng minh bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và năng lực phản biện trước thực tiễn sinh động của đời sống xã hội. Mỗi bài viết - nếu được thực hiện bằng tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm - là kết tinh của quá trình quan sát hiện thực, nghiền ngẫm lịch sử, phân tích lý lẽ và trên hết, là sự kiên định với chân lý cách mạng và lý tưởng dân tộc.
Ngày nay, người trẻ phải đối mặt với một “ma trận” thông tin đầy biến ảo. Không thiếu những luận điệu sai lệch, thuyết âm mưu, ngụy tạo dưới lớp vỏ từ ngữ hoa mỹ như “tự do tư tưởng”, “phi chính trị hóa”, “dân chủ kiểu phương Tây”… Những mỹ từ ấy, nếu không được soi chiếu bằng nhãn quan chính trị vững vàng, rất dễ đánh lừa nhận thức và kéo người trẻ trượt khỏi quỹ đạo tư tưởng đúng đắn, thậm chí vô tình trở thành công cụ tiếp tay cho những thế lực chống phá.
Chính vì lẽ đó, viết chính luận không chỉ là một hành vi ngôn ngữ, mà là hành động lựa chọn đứng về phía sự thật. Khi người trẻ chọn cầm bút để phản bác những quan điểm xuyên tạc, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng, khẳng định tính chính nghĩa của cách mạng Việt Nam, tôn vinh những thành quả đổi mới và hội nhập, thì trong từng con chữ của họ đã thấm đượm bản lĩnh chính trị. Họ không đơn thuần là người viết, mà là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt.
Chính luận - thành lũy tư tưởng trong cuộc chiến bảo vệ nền tảng của Đảng
Trong toàn bộ hệ thống văn kiện của Đảng, từ các nghị quyết Trung ương đến văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, công tác tư tưởng - lý luận luôn được xác định là trụ cột, là nền tảng định hướng hành động. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “... kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(1). Đây không chỉ là lời hiệu triệu dành riêng cho đội ngũ lý luận chuyên sâu hay những người làm công tác tư tưởng chuyên trách, mà là lời hiệu triệu gửi đến toàn Đảng, toàn dân - đặc biệt là thế hệ trẻ, những người đang đứng trước thách thức của thời đại.
Trong bối cảnh truyền thông số phát triển bùng nổ, các thế lực thù địch ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi và hiểm độc hơn để tấn công vào hệ tư tưởng của Đảng. Chúng lợi dụng danh nghĩa “trí thức phản biện”, mượn vỏ bọc “nhà báo độc lập”, hoặc khai thác tâm lý đổi mới, cải cách trong giới trẻ để gieo rắc hoài nghi, kích động chia rẽ giữa nhân dân với Đảng, giữa lòng yêu nước chân chính và những biểu hiện lệch chuẩn về nhận thức chính trị.
Trước thực trạng ấy, chính luận trở thành một trong những “vũ khí tinh thần” sắc bén và hiệu quả nhất. Chính luận - nếu được triển khai với bản lĩnh, tri thức và tâm huyết - không chỉ là công cụ phản bác những luận điệu sai trái, mà còn là phương tiện định hướng dư luận, khơi dậy niềm tin và củng cố nền tảng tư tưởng vững chắc. Mỗi bài viết của người trẻ - khi mang trong mình tinh thần trách nhiệm công dân và lòng kiên định với lý tưởng cách mạng - chính là một viên gạch bền chắc góp phần xây dựng pháo đài tư tưởng, bảo vệ thành trì lý luận giữa những biến động của thời cuộc.
“Khai tâm - Luyện chữ - Dựng niềm tin”
Không ai sinh ra đã là một cây bút chính luận. Bản lĩnh tư tưởng, nhãn quan chính trị và năng lực lập luận - tất cả đều cần được bồi dưỡng trong một hệ sinh thái lành mạnh. Nếu muốn có nhiều người trẻ viết chính luận sắc bén và đầy trách nhiệm, xã hội cần kiến tạo những môi trường nuôi dưỡng tinh thần ấy một cách căn cơ và đồng bộ.
Một là, cần đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị - tư tưởng trong nhà trường. Các môn học không thể dừng lại ở lý thuyết hàn lâm, mà phải được gắn kết chặt chẽ với thực tiễn xã hội. Cần khơi gợi tư duy phản biện, khuyến khích học sinh, sinh viên viết luận, tham gia đối thoại, tranh biện, thi viết chính luận như một phần thiết yếu của quá trình hình thành nhân cách chính trị.
Hai là, báo chí cách mạng - với vai trò là diễn đàn của nhân dân, trường học của công luận - cần mở rộng không gian để người viết trẻ có cơ hội cất lên tiếng nói. Nhiều tờ báo đã có chuyên mục “Bạn đọc viết”, “Diễn đàn trẻ”, nhưng cần tiến xa hơn nữa: mời cộng tác viên trẻ, tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, mở trại sáng tác, xây dựng cơ chế phản biện - góp ý bài viết như một phần của hành trình rèn luyện tư duy lý luận cho thế hệ mới.
Ba là, tổ chức đoàn, hội cần giữ vai trò là người dẫn đường, người truyền cảm hứng. Chính từ môi trường sinh hoạt chi đoàn, chi hội - nơi rèn luyện ý thức tập thể và trách nhiệm xã hội - người trẻ mới được tiếp cận, định hình và khơi gợi mối quan tâm đến các vấn đề chính trị - xã hội. Không có những người đồng hành, người trẻ khó có thể bén duyên sâu sắc với thể loại tưởng chừng “cao và xa” như chính luận.
Bốn là, chính gia đình và xã hội cần thay đổi quan niệm và ứng xử với người trẻ có chính kiến. Không ít bạn trẻ bị chê trách là “nghĩ chuyện chính trị sớm”, “thích tranh luận hơn làm việc thực tế”. Đó là những định kiến cần được tháo gỡ. Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc người trẻ dám nghĩ, dám viết, dám tranh luận trên nền tảng tri thức và lý tưởng là điều cần được tôn vinh và khuyến khích - bởi đó chính là biểu hiện của một công dân trưởng thành về tư duy và có trách nhiệm với tương lai đất nước.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, NXB. Chính trị quốc gia sự thật, 2021, t. II, tr. 348.