Người thuê trọ cần làm gì để đảm bảo về PCCC, tránh hậu quả thương tâm?

Sau vụ việc cháy thương tâm ở Trung Kính (Trung Hòa, Cầu Giấy), ngày 25/5, Công an TP Hà Nội phát đi thông tin khuyến cáo đối với cư dân, người thuê trọ để cảnh giác và thực hiện các quy định đảm bảo về PCCC.

Theo Công an Hà Nội, người dân nói chung, người thuê trọ nói riêng cần thực hiện nghiêm để tránh gặp các rủi ro về cháy nổ không đáng có.

Người dân cần tuân thủ pháp luật, nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng.

Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống điện và các thiết bị điện định kỳ để tránh nguy cơ chập điện gây cháy hoặc ngắn mạch.

Khu vực hiện trường xảy ra vụ cháy ở Trung Kính. Ảnh: T.D.

Khu vực hiện trường xảy ra vụ cháy ở Trung Kính. Ảnh: T.D.

Không nên sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm; để thiết bị điện có sinh nhiệt trên vật dụng, gần các thiết bị, vật dụng dễ cháy; để vật liệu dễ cháy phủ lên dây dẫn, ổ cắm, cầu dao, các thiết bị điện…

Không phơi, sấy quần, áo trực tiếp lên đèn, quạt sưởi, bếp điện, ấm điện... Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Không bố trí, sử dụng các thiết bị có áp lực, dễ nổ (bình xịt diệt côn trùng, bình gas mini, chai chứa khí nén) gần vị trí sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc nơi có nguy phát lửa, phát nhiệt.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống gas, nguồn lửa nguồn nhiệt khi đun nấu… phải tắt lửa hoàn toàn khi đi ra ngoài và làm việc khác. Không sử dụng bình gas mini đã qua sử dụng nhiều lần, không đảm bảo an toàn PCCC...

Sử dụng bếp gas đảm bảo chất lượng; van xả khi phải tự động đóng trường hợp lửa ở bếp bị tắt đột ngột (bị gió tạt, nước đun sôi tràn ra ngoài…); các khớp nối liên kết giữa bếp, dây dẫn, van xả và bình gas phải được lắp đặt đúng kỹ thuật, chắc chắn và đảm bảo độ kín chống rò rỉ gas, đây là cũng là nguyên nhân của nhiều vụ cháy tại loại hình này.

Các nạn nhân được đưa ra khỏi đám cháy ở Trung Kính. Ảnh: T.D.

Các nạn nhân được đưa ra khỏi đám cháy ở Trung Kính. Ảnh: T.D.

Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.

Quản lý chặt chẽ trong quá trình sạc điện đối với các phương tiện sử dụng pin cho xe đạp điện, xe máy điện, sạc dự phòng, điện thoại… tuyệt đối không sạc qua đêm khi, không kiểm soát được các thiết bị đang sạc.

Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Không đốt nhang, nến thờ cúng khi đi ngủ, khi ra khỏi nhà.

Tìm hiểu kiến thức về an toàn PCCC và trang bị các dụng cụ phương tiện chữa cháy và thoát nạn phù hợp với kiến trúc của nơi mình ở.

Chìa khóa mở khóa phòng trọ, căn hộ nhà ở phải để nơi dễ lấy và phổ biến cho gia đình đều biết… Cần bố trí thêm lối ra khẩn cấp qua ban công, lô gia, cửa sổ (nghiên cứu tận dụng bố trí lối thoát nạn thứ 2 trên cửa sổ, mái nhà, qua ban công…) trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt cần bố trí ô cửa để thoát nạn (kích thước khoảng 0,6mx0,6m).

Chủ hộ gia đình phải trang bị các bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng, kìm cộng lực), đèn chiếu sáng sự cố đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; vị trí đặt ở nơi dễ thấy, dễ lấy, thuận tiện cho việc sử dụng để kịp thời chữa cháy, thoát nạn khi sự cố cháy, nổ xảy ra, thoát nạn khẩn cấp khi có cháy.

Nếu có thể, mỗi hộ gia đình trang bị bổ sung hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, mặt nạ phòng độc, thang dây, ống tuột cứu người để tăng cường giải pháp an toàn tại nơi ở.

Tự xây dựng phương án, tổ chức giả định phương án chữa cháy và thoát nạn cho gia đình mình, thực tập xử lý khi có cháy, nổ xảy ra để chữa cháy hiệu quả và thoát nạn an toàn. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.

Phản ánh kịp thời đến quản lý chung cư mini, phòng trọ về những nguy cơ mất an toàn về PCCC, có thể gây phát sinh cháy, nổ.

Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong khi di chuyển cần cúi thấp người (có thể bò khom), đặc biệt chú ý khi có trẻ em thoát nạn, cần sử dụng khăn, vải nhúng ướt bịt mũi hoặc trùm chăn ướt lên người trẻ nhỏ trong quá trình di chuyển thoát nạn để hạn chế khói khí độc xâm nhập vào đường hô hấp và bị bỏng do lửa gây ra.

Khi phát hiện có cháy xảy ra trong hộ gia đình, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính và lối thoát nạn thứ 2.

Tuyệt đối không được núp trong phòng, nhà vệ sinh.

Khi xảy ra cháy, hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài, tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114, hoặc sử dụng App BAO CHAY 114, báo cho Đội CS PCCC&CNCH - công an quận hoặc công an phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-thue-tro-can-lam-gi-de-dam-bao-ve-pccc-tranh-hau-qua-thuong-tam-2284353.html