Người thắp lửa trên đỉnh trời

Giữa bốn bề đá núi, những nếp nhà mới xây ở bản người Mông Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) ẩn hiện sau tán rừng.

Ông Sình thường xuyên cập nhật thông tin trên báo.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sình rù rì nhớ lại: Thuở mới lập bản, 74 hộ dân cùng di cư từ Cao Bằng về, chẳng mang theo tài sản gì, chỉ có con người thôi. Để có cái ăn, chúng tôi phải vào rừng đào củ mài, kiếm củi đổi lấy ngô, cuộc sống no đói bấp bênh.

Là trưởng bản, câu hỏi “Làm thế nào để người Mông có gạo ăn, bữa cơm con trẻ có miếng thịt?” luôn là trăn trở lớn nhất đối với ông Sình vào thời điểm đó. Sau nhiều lần loay hoay tìm cách, đến năm 1988, đời sống kinh tế của người Mông ở Chòi Hồng mới có phần ổn định hơn nhờ học được nghề trồng mía, kéo mật làm đường của cư dân bản địa. Ông Sình kể: Ban đầu, tôi và một số người khác đi làm thuê cho người dân địa phương, rồi dần dần “đặt vấn đề” học nghề với họ. Biết người Mông mình không có đất canh tác, đời sống khó khăn, bà con đồng ý ngay.

Có nghề, người Mông miệt mài trồng mía trên diện tích 5ha đất sản xuất ít ỏi, rồi mua máy ép mía, làm lò nấu đường… Lúc mới “vào nghề”, dân bản sử dụng sức người và trâu kéo để ép mật, sau dùng máy nổ, rồi máy chạy bằng điện để làm đường. Công việc tuy có vất vả nhưng thu nhập cũng tạm ổn. Đến đầu những năm 1990, Nhà nước đưa dự án trồng rừng bạch đàn vào Chòi Hồng và động viên người Mông trồng rừng. Thời gian đầu, rất ít người hưởng ứng. Ông Sình bảo: Đồng bào vẫn còn lo chạy ăn từng bữa, nên để trồng cây rồi 5-10 năm sau mới thu thì ít người tin tưởng lắm.

Khác với suy nghĩ của phần đa đồng bào, ông Sình lại nghĩ: Bản có ít đất canh tác, chủ yếu là đất rừng nhưng diện tích này lại đang bị bỏ hoang, rất lãng phí. Trong khi Nhà nước có hỗ trợ gạo, cấp cây giống, hướng dẫn kiến thức trồng, tại sao không làm?

“Phải trồng rừng cho được” - Ông Sình tự nhủ. Rồi ông họp bàn với dân bản, đến từng nhà giải thích, động viên, nói rõ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. “Mưa dầm thấm lâu”, trong 2 năm đầu triển khai, ở Chòi Hồng đã trồng được 100ha rừng, riêng nhà ông Sình trồng 6ha. Những năm tiếp theo, ông Sình tiếp tục động viên người dân trong bản trồng keo, sau đó là bạch đàn mô để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Đặc biệt, lần nào ông cũng tiên phong làm trước, rồi hướng dẫn dân bản. Hiện nay, Chòi Hồng đã có trên 400ha rừng sản xuất. Nhờ trồng rừng, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và từng bước trở thành hộ khá.

Cùng với đó, ông Sình động viên các con, cháu và người trẻ ở địa phương vươn ra khỏi núi đá, đi làm việc tại các công ty, nhà máy và xuất khẩu lao động. Đến nay, trong số 208 hộ dân, ở bản còn 48 hộ nghèo và 70 hộ cận nghèo, giảm khoảng một nửa so với trước năm 2010. Nhiều năm nay, Chòi Hồng không còn hộ đói.

Cũng như nhiều xóm, bản vùng sâu, vùng xa khác, cuộc sống của người Mông ở Chòi Hồng từng rất khó khăn, nhiều hủ tục lạc hậu như ma chay, cúng bái hay đẻ nhiều con… ăn sâu vào nếp sống, suy nghĩ của đồng bào. Vì thế, để thay đổi những điều này, trong suốt hàng chục năm, ông Sình đã đến từng nhà tuyên truyền, vận động, thuyết phục để dân nghe, hiểu, tin và làm theo.

Ông Dương Văn Sình trao đổi thông tin tuyên truyền với cán bộ xã Tràng Xá.

Ở Chòi Hồng, dấu chân của ông Dương Văn Sình in khắp xóm bản, con suối, rừng cây. Khi thì ông đi vận động bà con làm kinh tế; lúc thì kêu gọi họ đưa các cháu nhỏ ra Trạm y tế xã tiêm phòng; có lần thì vận động đồng bào hiến đất làm đường bê tông… Không những vậy, ngay từ năm 1985, Chòi Hồng đã xây dựng được hương ước, quy ước, trong đó có các nội dung về đoàn kết trong xóm bản, giúp đỡ nhau cùng làm ăn; thực hiện ăn chín, uống sôi; nhà có người ốm phải đưa đến bệnh viện… Dần dần, những hủ tục được đẩy lùi khỏi cộng đồng.

Với 45% dân số trong bản theo đạo Tin lành, ông Sình cũng tích cực tuyên truyên bà con sống “tốt đời, đẹp đạo”, không ai theo các tổ chức bất hợp pháp, đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh. Năm 2014, khi Nhà nước đầu tư con đường bê tông từ trung tâm xã Tràng Xá đi bản Mông Chòi Hồng, ông Sình lại xăm xắn cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xuống từng nhà vận động bà con hiến đất. Bằng uy tín của mình, ông đã vận động thành công 100% hộ dân có tuyến đường đi qua tham gia hiến đất, hộ ít thì vài chục m2 , hộ nhiều hiến tới 200-300m2 . Cùng với bà con, ông Sình cũng hăng hái tham gia đóng góp ngày công để làm đường.

Ông Sình chia sẻ: Việc gì đồng bào chưa hiểu thì mình phải giải thích nhiều lần, thay đổi cách nói, rồi lấy ví dụ để đồng bào rõ hơn. Quan trọng hơn là mình phải nói được, làm được, nhất là phải “dân vận khéo”, kiên trì từng bước một để đồng bào từ hiểu đến tin, rồi làm theo.

Đến nay, dù đã qua tuổi “thất thập”, ông Sình vẫn tích cực bám bản, tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh; thi đua lao động sản xuất; tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng. Đồng chí Triệu Tiến Văn, Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá đánh giá: Là người gần dân, hiểu đồng bào Mông nên ông Sình là nhân tố quan trọng làm nên những đổi thay ở Chòi Hồng. Ông được coi như “ngọn đuốc sáng” soi đường, dẫn lối cùng người Mông Chòi Hồng vượt qua đói nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-moi/202404/nguoi-thap-lua-tren-dinh-troi-22a3462/