Người Sri Lanka bỏ phiếu bầu Tổng thống mới kể từ khi đất nước vỡ nợ
Kết quả bầu cử sẽ cho thấy liệu người dân Sri Lanka có chấp thuận sự lãnh đạo của đương kim Tổng thống Ranil Wickremesinghe đối với quá trình phục hồi mong manh của đảo quốc Nam Á một thời mệnh danh 'Hòn ngọc Ấn Độ Dương'.
Người dân Sri Lanka bắt đầu bỏ phiếu vào ngày 21/9 trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ quyết định hướng đi của đất nước sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất và những biến động chính trị theo sau đó.
Cuộc bầu cử có sự tham gia của 38 ứng cử viên, nhưng phần lớn được định hình là cuộc đua "tam mã" giữa đương kim Tổng thống Ranil Wickremesinghe, nhà lập pháp Anura Kumara Dissanayake và lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa.
Có 17 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu ở đảo quốc Nam Á với dân số 22 triệu người, và kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào ngày 22/9.
Kết quả bầu cử sẽ cho thấy liệu người dân Sri Lanka có chấp thuận sự lãnh đạo của ông Wickremesinghe đối với quá trình phục hồi mong manh của đất nước hay không, bao gồm cả việc tái cấu trúc nợ theo chương trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi nước này vỡ nợ vào năm 2022.
Hôm 19/9, chính phủ ở Colombo tuyên bố rằng họ đã vượt qua rào cản cuối cùng trong việc tái cấu trúc nợ bằng cách đạt được thỏa thuận về nguyên tắc với các trái chủ tư nhân.
Tổng nợ trong nước và nước ngoài của Sri Lanka lên tới 83 tỷ USD vào thời điểm nước này vỡ nợ 2 năm trước, và chính phủ Sri Lanka cho biết hiện đã tái cấu trúc hơn 17 tỷ USD.
Mặc dù có sự cải thiện đáng kể về các số liệu kinh tế quan trọng, người dân Sri Lanka vẫn đang phải vật lộn với mức thuế cao và chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Cả ông Premadasa và ông Dissanayake, hai ứng cử viên đang cạnh tranh trực tiếp với ông Wickremesinghe, đều cho biết họ sẽ đàm phán lại thỏa thuận với IMF để các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trở nên dễ chịu hơn.
Ông Wickremesinghe đã cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào nhằm thay đổi những điều cơ bản của thỏa thuận đều có thể làm chậm việc giải ngân khoản hỗ trợ thứ 4 trị giá gần 3 tỷ USD do IMF cam kết, trong khi đây là điều rất quan trọng để duy trì sự ổn định.
Cuộc khủng hoảng kinh tế của Sri Lanka phần lớn là do vay nợ quá mức cho các dự án không tạo ra doanh thu.
Tác động của đại dịch Covid-19 và việc chính phủ kiên quyết sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối khan hiếm để hỗ trợ đồng nội tệ (đồng Rupee Sri Lanka) đã góp phần khiến nền kinh tế "rơi tự do".
Sự sụp đổ kinh tế đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các nhu yếu phẩm như thuốc men, thực phẩm, khí đốt cho việc nấu ăn và nhiên liệu, khiến người dân phải mất nhiều ngày xếp hàng để mua chúng.
Điều này dẫn đến tình trạng bạo loạn khi những người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà quan trọng bao gồm Dinh thự của Tổng thống khi đó là ông Gotabaya Rajapaksa, buộc ông Rajapaksa phải chạy trốn khỏi đất nước và từ chức.
Minh Đức (Theo LBC News)