Người phụ nữ nhập viện cấp cứu khẩn vì... uống thuốc cả vỏ
Bệnh nhân uống thuốc đã vô ý quên bóc vỏ, sau đó bị đau rát vùng cổ họng, kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2…
Ngày 24/1, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT), cho biết các bác sĩ Khoa Nội soi của bệnh viện vừa can thiệp cứu sống một trường hợp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 bị hóc viên thuốc với thời gian nội soi tiêu hóa 5 phút.
Trước đó, bệnh nhân nữ N.T.T. (53 tuổi, địa chỉ ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) được chuyển đến BVĐKTƯCT vào lúc 14h ngày 22/1, trong tình trạng đau rát vùng cổ họng, nuốt đau.
Gia đình cho biết, khoảng 4h trước đó, bệnh nhân uống thuốc vô ý quên bóc vỏ. Sau khi uống, bệnh nhân đau rát vùng cổ họng, và được đưa đến bệnh viện chuyên khoa khám, kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, nên được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị.
Kết quả chụp Xquang cho thấy: Cổ thẳng nghiêng ghi nhận dị vật thực quản. Bệnh nhân được chỉ định nội soi tiêu hóa lấy dị vật. Nội soi vào thực quản thấy viên thuốc còn nguyên trong bao, chiếm gần như toàn bộ chu vi lòng thực quản.
Quá trình soi gắp, các bác sĩ gặp một số khó khăn do kích thước dị vật lớn hơn so với đường kính ống soi gắp; thứ hai là đặc thù của dị vật có cạnh 2 bên sắc nhọn, nếu cố lôi dị vật ra sẽ nguy cơ gây xước, rách thậm chí là thủng thực quản hoặc đứt dây thanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Trước tình hình đó, các bác sĩ đã dùng những dụng cụ chuyên biệt để gắp dị vật ra, tránh được tối đa việc làm cho tổn thương nặng hơn đường tiêu hóa trong lúc đưa dị vật ra ngoài.
Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, giảm đau cổ, không sốt, ăn uống được qua đường miệng, đang được theo dõi và điều tri tại Khoa Điều trị Covid-19.
Theo bác sĩ CKII Bồ Kim Phương, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, dị vật thực quản là một trường hợp cấp cứu thường gặp, đặc biệt trong những dịp lễ Tết, do mọi người có tâm lý ăn uống nhanh để di chuyển. Bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi và trẻ lớn.
Nếu phát hiện sớm xử trí kịp thời, ít gặp nguy hiểm. Nhưng nếu phát hiện muộn xử trí rất phức tạp, có thể nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân.
Để phòng ngừa dị vật thực quản, mọi người nên giữ các thói quen tốt như ăn chậm, nhai kỹ; hạn chế nói chuyện, đùa giỡn khi ăn; cẩn thận với các loại thịt cá chưa được lọc bỏ xương hoặc trái cây có hạt lớn, sắc nhọn; cắt nhỏ thịt.
Đặc biệt, trước khi uống thuốc, cần kiểm tra kỹ các loại thuốc, liều dùng, đường dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Phải chú ý đối với các loại thuốc cắt lẻ đã được bóc vỏ hay chưa, tránh tình trạng bị hóc dị vật như người bệnh kể trên.
Đối với những người bệnh lớn tuổi, người bệnh sa sút trí tuệ, mắt kém, cần có sự hỗ trợ từ người nhà hoặc nhân viên y tế... Người dân khi nghi có hóc dị vật, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để xử trí càng sớm càng tốt, không nên tự ý chữa mẹo hoặc cố móc họng, cố ăn hay cố nuốt sẽ làm tình trạng phù nề, nhiễm trùng… càng nặng hơn dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng.