Người phụ nữ mãn kinh hơn 30 năm, đột nhiên ra máu bất thường
Bà Nga đã mãn kinh hơn 30 năm, đột nhiên ra máu âm đạo, được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư hiếm gặp.
BS Trịnh Công Định, khoa Phẫu trị - Xạ trị và Y học hạt nhân, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển – Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, khoa vừa tiếp nhận trường hợp mắc ung thư cổ tử cung hiếm gặp.
Bệnh nhân tên Nga, 86 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh có tiền sử khỏe mạnh, đã mãn kinh hơn 30 năm nay, tuy nhiên 1 tháng trở lại đây đột nhiên ra máu âm đạo, dây máu, không đau bụng, không gầy sút cân.
Qua khám phụ khoa và và soi cổ tử cung, bác sĩ nhận thấy âm đạo và cổ tử cung bệnh nhân kém mềm mại. Từ cổ tử cung tới 1/3 ngoài âm đạo có tổn thương sùi màu đen, nhiễm cứng, có mạch máu nhỏ tăng sinh sung huyết dễ chảy máu khi va chạm.
Mẫu bệnh phẩm sùi màu đen được sinh thiết làm giải phẫu bệnh, kết quả xác định ung thư hắc tố cổ tử cung giai đoạn 3. Người bệnh có chỉ định xạ trị nguồn nhằm giảm tiến triển của bệnh.
BS Định cho biết, ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư hình thành ở cổ tử cung, cơ quan nối giữa tử cung và âm đạo.
Có nhiều loại ung thư cổ tử cung khác nhau, nhưng loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy. Loại ung thư này chiếm khoảng 80 - 85% tổng số các trường hợp ung thư cổ tử cung và thường xảy ra do nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV).
Các loại ung thư cổ tử cung khác như ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư hắc tố, u lympho… ít gặp.
Ung thư cổ tử cung, bao gồm cả ung thư hắc tố cổ tử cung thuộc loại ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn, tỉ lệ thành công lên tới 100% nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn 1-2.
Do vậy, phụ nữ trên 21 tuổi nên lưu ý việc khám tầm soát ung thư cổ tử cung. Trong đó, phụ nữ từ 21 29 tuổi cần làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung 3 năm/lần bằng xét nghiệm phết tế bào tử cung.
Từ 30 - 65 tuổi, cần làm xét nghiệm phết tế bào tử cung và HPV 5 năm/lần hoặc khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như ra máu ngoài kỳ kinh, ra máu khi đã mãn kinh, tiết dịch âm đạo bất thường…
Đến nay nguyên nhân chính xác gây ung thư cổ tử cung chưa được tìm ra, song nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ có liên quan đến bệnh như có kinh nguyệt quá sớm trước 12 tuổi, mãn kinh quá muộn sau 55 tuổi, mất cân bằng nội tiết tố, kinh nguyệt không đều, béo phì, tăng huyết áp, tiền sử gia đình có người thân bị ung thư vú, ung thư buồng trứng…
Các triệu chứng sớm của ung thư tử cung bao gồm: Xuất huyết âm đạo bất thường ở những người đã mãn kinh, kinh nguyệt kéo dài bất thường, ra khí hư bất thường, đau vùng chậu thường xuyên, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi…