Người nuôi cá tra ở ĐBSCL chuyển sang nuôi gia công cho doanh nghiệp

Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017, giá cá tra ở vùng ĐBSCL bắt đầu tăng trở lại và kéo dài đến giữa tháng 4. Tuy nhiên, sau đó giá cá tra đã có dấu hiệu… 'hạ nhiệt'. Người nuôi cá tra vẫn đối mặt với nhiều khó khăn...

Thu hoạch cá tra ở vùng ĐBSCL.

Thu hoạch cá tra ở vùng ĐBSCL.

Ông Thái An Lai - Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Đồng Tháp - cho rằng, nghề nuôi cá tra ở Đồng Tháp vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Tỉ lệ hộ treo ao khá cao: 30 - 40%/tổng diện tích 1.685ha (giảm 10 - 15% diện tích so năm 2015).

Ông Nguyễn Thanh Bình - ngụ khu vực Thới Bình (phường Thới An, quân Ô Môn, TP.Cần Thơ) là xã viên Hợp tác xã Cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) - cho biết: “Trước kia tôi nuôi 4 ao cá tra, diện tích gần 1,5ha, mỗi năm sản lượng hàng trăm tấn. Những năm gần đây do thua lỗ nhiều năm liền nên đã bán 3 ao, nay chỉ còn 1 ao (diện tích 3.000 mét vuông) đang thả cá, nuôi theo hình thức liên kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản (nuôi gia công)”.

Còn ông Phan Thanh Xuân - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) - cho biết, hiện huyện khuyến khích người dân nuôi cá tra chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác. Nếu người nuôi duy trì nghề nuôi cá tra nên đẩy mạnh phương thức nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay nhằm giảm bớt áp lực đối với người nuôi cá tra, có thể thu lợi nhuận.

Các doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu xuất khẩu, đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Theo ông Xuân, định hướng sắp tới địa phương sẽ triển khai phương thức nuôi cá tra thương phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP...; đồng thời đẩy mạnh phương thức liên kết với các doanh nghiệp thủy sản để giúp các hộ dân nuôi cá tra đảm bảo “đầu ra” và nâng cao chất lượng sản phẩm…

CÔNG VŨ - PHÚ THUẬN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/trang-dbscl/nguoi-nuoi-ca-tra-o-dbscl-chuyen-sang-nuoi-gia-cong-cho-doanh-nghiep-562428.ldo