Người Nhật thấm mệt khi đồng yên sụt giảm

Từ ẩm thực đến du lịch, thật khó để tìm thấy một khía cạnh nào trong cuộc sống ở Nhật Bản không bị ảnh hưởng khi đồng yên mất giá.

Đồng yên sụt giảm, người dân Tokyo cân nhắc hơn khi mua sắm. Nguồn: Reuters.

Đồng yên sụt giảm, người dân Tokyo cân nhắc hơn khi mua sắm. Nguồn: Reuters.

Đồng yên đã trượt giá trong nhiều năm và chạm mức thấp nhất kể từ năm 1990 so với đồng đô la Mỹ vào đầu tháng này, bị áp lực trước dự báo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát ở Mỹ.

Đối với Hiroko Ishikawa, một nhà nhập khẩu trái cây ở Tokyo, đồng yên sụt giá đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty do cha cô thành lập năm 1966. Công ty Japan Fraise của Ishikawa chuyên cung cấp dâu tây, bao gồm cả những loại dâu tây nhập khẩu cỡ lớn từ Mỹ. Nông dân địa phương cũng sản xuất dâu tây, nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về bánh ngọt kiểu Nhật.

Ishikawa ước tính, cô đã tăng giá bán buôn trái cây nhập khẩu thêm 20% trong 2 năm qua. Nhưng để duy trì tính cạnh tranh, cô đã không bắt khách hàng phải chịu toàn bộ chi phí do biến động tiền tệ mà chọn cách tự mình gánh chịu một phần tổn thất. “Đây là thời điểm khó khăn và chúng tôi không mong đợi bất kỳ điều kỳ diệu nào trong vài tháng tới. Chúng tôi chỉ đang cố gắng duy trì thật tốt” - cô Ishikawa nói.

Ishikawa cho biết, khách hàng của cô đang cố gắng giảm chi phí bằng cách sử dụng loại trái cây nhỏ hơn hoặc chất lượng thấp hơn. Không thể tránh khỏi, một số doanh nghiệp đã tăng giá, đặc biệt là khi giá các nguyên liệu khác như: bột mì, bơ, sữa và trứng cũng tăng lên. Theo Nikkei, chi phí nhập khẩu tăng cao đã đẩy lạm phát lên 3,1% vào năm ngoái, mức cao nhất trong 41 năm.

Sau khi dao động quanh mức 100 so với đồng đô la trong nhiều năm, đồng yên bắt đầu sụt giảm không ngừng vào đầu năm 2021. Điều đó phần lớn là do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã duy trì lãi suất cực thấp trong khi Fed và các ngân hàng trung ương khác đã tăng chi phí đi vay để chống lạm phát.

Lãi suất cao hơn ở Mỹ và các nước khác giúp các nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận lớn hơn ở những nơi đó so với ở Nhật Bản. Điều này kích thích giao dịch chênh lệch giá, trong đó các nhà đầu tư vay tiền bằng đồng yên để đầu tư vào các tài sản có năng suất cao hơn được định giá bằng các loại tiền tệ khác. Điều đó làm suy yếu đồng tiền Nhật Bản.

Đầu tuần trước, lần đầu tiên kể từ năm 1990, đồng yên đã suy yếu xuống mức 160 ăn 1 đô la Mỹ, trước khi phục hồi phần nào khi BOJ được cho là đã chi tới 59 tỷ USD để mua đồng tiền Nhật Bản.

Ông Nigel Green - Giám đốc điều hành của deVere Group, một công ty tư vấn tài chính và quản lý tài sản cho biết: Hiệu quả của những biện pháp can thiệp như vậy luôn là chủ đề tranh luận vì chúng thường chỉ mang lại sự cứu trợ tạm thời và có thể không giải quyết được các yếu tố cơ bản thúc đẩy biến động tiền tệ.

Theo dữ liệu của Refinitiv, đồng yên đã mất 10% giá trị so với đồng đô la trong năm nay, sau khi giảm 8% vào năm 2023. Đây là loại tiền tệ hoạt động kém nhất trong nhóm 10 quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu vào năm 2024.

Ngay cả sau khi BOJ kết thúc nhiều năm lãi suất âm với lần tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm vào tháng 3, khoảng cách lớn giữa lãi suất của Nhật Bản và Mỹ vẫn tiếp tục tồn tại, điều này được cho là sẽ khiến đồng yên yếu đi, nhưng đồng thời cũng mang lại một số lợi ích cho nền kinh tế lớn thứ hai châu Á. Đồng yên yếu đã nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Nhật Bản, thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Nó cũng giúp Nhật Bản trở thành một điểm đến rẻ hơn đối với du khách nước ngoài. Chiến lược gia tại Societe Generale - ông Kit Juckes cho biết: “Du lịch là một phần của nền kinh tế Nhật Bản, nơi sự sụt giảm của đồng yên được thể hiện rõ nhất, khi du khách nước ngoài phải trả ít hơn cho nhiều thứ so với ở quê nhà”.

Nhật Bản cũng là điểm sáng cho các công ty xa xỉ. Tháng trước, doanh số bán hàng tại Nhật Bản đã tăng 32% trong quý đầu tiên, phần lớn nhờ vào khách du lịch Trung Quốc mua sắm ở đây.

Bên cạnh du lịch, đồng yên yếu đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản lên mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980 và cải thiện sức hấp dẫn của quốc gia này như một điểm đến đầu tư đối với những ông lớn như Warren Buffett.

Dù có những lợi ích đáng kể, xong việc đồng yên giảm giá vẫn gây ra nhiều tổn thất. Theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu từ Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản, nhiều người Nhật cho biết, du lịch nước ngoài không còn là ưu tiên hàng đầu nữa, một phần vì tiền của họ không còn dồi dào như trước đây. Số người Nhật đi du lịch nước ngoài trong năm ngoái chỉ ở mức 9,62 triệu người, Con số này chưa bằng một nửa trong số 20,1 triệu khách du lịch được ghi nhận trước đại dịch năm 2019.

Bà Sato Hitomi - một phụ nữ 66 tuổi mới nghỉ hưu cho biết, bà chấp nhận chuẩn bị một khoản chi phí cao khi đi du lịch Hawaii cùng chồng và 2 con đã trưởng thành. “Chúng tôi đang ở thời điểm mà mọi thứ sắp thay đổi rất nhiều và đó là lý do tại sao tôi muốn tranh thủ đi du lịch. Nhưng đây là kỳ nghỉ nước ngoài đầu tiên và có lẽ là cuối cùng của chúng tôi” - bà Hitomi nói.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-nhat-tham-met-khi-dong-yen-sut-giam-10279836.html