Người Nga không tin đã thua phương Tây?

Có đến 44% người Nga được hỏi đã không thể trả lời câu hỏi 'Ai là bên chiến thắng?', trong khi có 27% trả lời 'Không có bên nào'.

Chưa biết mình ở đâu?

Báo chí phương Tây tiếp tục cho đăng tải hàng loạt bài phân tích liên quan tới dịp kỷ niệm 30 năm bức tường Berlin sụp đổ, trong đó nêu ra số liệu điều tra dư luận cho thấy người Nga không thể trả lời câu hỏi về kết cục của Chiến tranh Lạnh.

Theo báo chí Pháp, đối với phương Tây, sự kiện bức tường Berlin - biểu tượng của Chiến tranh Lạnh - sụp đổ và vấn đề Chiến tranh Lạnh kết thúc, thắng lợi thuộc về ai là điều ít còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, tại Nga, giai đoạn 1989-1991 (tức từ khi Bức tường Berlin sụp đổ đến khi Liên Xô tan rã) vẫn được nhìn nhận một cách hết sức khác nhau.

Nước Đức kỷ niệm 30 năm sự kiện bức tường Berlin

Tờ Le Monde dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận về chủ đề này năm 2009 (do viện VTsIOM thực hiện), theo đó có đến 44% người được hỏi đã không thể trả lời câu hỏi “Ai là bên chiến thắng?”. Trong khi đó, có 27% trả lời "Không có bên nào" và chỉ có 8% cho rằng Mỹ thắng, 6% khẳng định bên thắng là Liên Xô.

Báo chí Pháp cũng dẫn lại đánh giá của cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhìn nhận Chiến tranh Lạnh là cuộc đối đầu giữa hai siêu cường sở hữu vũ khí hạt nhân. Chiến tranh hạt nhân không xảy ra đồng nghĩa với việc “trận đấu không có tỉ số”.

Theo cách nhìn nhận này, tiến trình kết thúc Chiến tranh Lạnh được khởi đầu bằng một loạt thỏa thuận nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân. Cựu lãnh đạo Liên Xô Gorbachev, đoạt giải Nobel Hòa bình 1990, từng nói: “Chiến tranh Lạnh chấm dứt là một chiến thắng chung, đạt được thông qua đối thoại và thương lượng, về những vấn đề rất khó khăn, liên quan đến an ninh và giải trừ vũ khí”.

Người Nga không chấp nhận "thua" trong Chiến tranh Lạnh?

Đối với sự kiện bức tường Berlin, Le Monde cho biết có 22% người Nga được hỏi coi đây là một biến cố tích cực với nước Nga, ngược lại 18% cho đây là “biến cố tiêu cực”.

Tờ báo Pháp dẫn lời nhà phân tích Tatiana Stanovaia, Giám đốc Viện tư vấn R. Politik, đánh giá chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thái độ nước đôi với giai đoạn lịch sử này. Một mặt, ông Putin và các đồng sự không công khai phủ nhận “thất bại của cuộc Chiến tranh Lạnh”, mặt khác, đặc biệt kể từ năm 2014, Điện Kremlin không muốn nhắc tới giai đoạn này.

Chính phủ Nga được cho là tập trung vào luận điểm Phương Tây đã bội ước trong cam kết không mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông.

Nga phải tin vào sự trung thực của NATO?

Trong khi đó, một số tờ báo phương Tây đánh giá nước Đức trong không khí tương đối trầm lắng dịp 30 năm bức tường Berlin sụp đổ. Một trong những vấn đề hiện nay là tâm trạng của người dân Đông Đức cũ, nơi đảng cực hữu được đến 12% cử tri ủng hộ. Tờ Les Echos cho rằng người dân miền Đông nước Đức cảm thấy thất vọng vì nhiều lý do, trong đó có thực tế 80% các vị trí lãnh đạo do người miền Tây phụ trách, và miền Đông vẫn tụt hậu trong các lĩnh vực công nghiệp truyền thống.

Báo chí phương Tây cũng nhắc đến khoảng cách lớn giữa hai miền nước Đức, khoảng cách mà theo nhiều chuyên gia sẽ khó lòng lấp được. Theo một thăm dò dư luận của Viện kinh tế IFO, 69% chuyên gia Đức không tin là miền Đông sẽ có thể bắt kịp miền Tây do “các bất lợi mang tính cấu trúc”, như về mạng lưới công nghiệp, hay tình trạng dân cư thưa thớt, đặc biệt ở các khu vực bên ngoài các thành phố lớn.

Nếu thắng, sao phương Tây phải sợ?

Trong khi người Nga “chênh vênh” về kết quả của Chiến tranh Lạnh thì phương Tây dường như “tự mãn” đã chiến thắng, đồng thời tiếp tục chĩa mũi tên vào Moscow và điền thêm vào danh sách “mối đe dọa” cái tên Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, mới đây cảnh báo rằng phương Tây đang phải đối mặt với những thách thức mới bắt nguồn từ Nga và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nhấn mạnh rằng "chúng ta chưa bao giờ... được cho không cái gì". Theo ông, trong bối cảnh phương Tây đang phải đối mặt với một loạt thách thức địa chính trị, NATO cũng "đang đứng trước nguy cơ trở nên lỗi thời" nếu các nhà lãnh đạo của tổ chức này không giải quyết được những thách thức đó.

Quân cảnh Nga tại Syria

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên: "70 năm đã qua... NATO cần phát triển và thay đổi. Tổ chức này cần phải đương đầu với thực tế và những thách thức của ngày hôm nay.

Nếu các quốc gia tin rằng họ có thể nhận được lợi ích an ninh mà không cần cung cấp cho NATO các nguồn lực mà khối liên minh này cần, nếu họ không tuân thủ các cam kết của mình, có nguy cơ NATO trở nên không hiệu quả hoặc lỗi thời".

Cũng đưa ra một thông điệp tương tự, bà von der Leyen cho biết 30 năm sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, "ngày nay chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đã quá ngây thơ khi tỏ ra tự mãn". Theo bà, Nga đang "dùng bạo lực để làm thay đổi các đường biên giới vốn đã được ấn định ở châu Âu và đang tìm cách lấp vào những khoảng trống mà Mỹ để lại".

Ông Pompeo cũng đồng quan điểm với bà von der Leyen khi đưa ra những cáo buộc quen thuộc đối với Nga trong khi tiếp tục dọa nạt đồng minh về "ý đồ của các công ty Trung Quốc trong việc xây dựng các mạng lưới 5G”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng ông Pompeo có thành kiến về ý thức hệ và có tư duy Chiến tranh Lạnh. Còn phóng viên quốc phòng của BBC Jonathan Marcus nói:

"Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dường như đã khơi mào một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai...những lời lẽ của Ngoại trưởng Mỹ là một thông điệp của một cuộc đấu tranh tư tưởng...Ông dùng giọng điệu diều hâu nhưng nhiều người sẽ tự hỏi: chính xác thì quan điểm cơ bản của Mỹ là gì?”.

Nếu không có sức mạnh, Nga khó có được sự tôn trọng của phương Tây

Giọng điệu diều hâu và gián tiếp là chưa đủ, giới chức phương Tây thậm chí còn phát biểu một cách khiêu khích trực diện nhằm vào Nga. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Anh Nick Carter ngày 10/11 đã cáo buộc Nga hành xử “thiếu thận trọng”, vi phạm các thông lệ quốc tế và có nguy cơ châm ngòi một cuộc chiến tranh.

Tướng Carter cho rằng Moscow đang hoạt động trong một “vùng xám”, theo đó vũ khí hóa thông tin và sử dụng các lực lượng ủy nhiệm không thể truy cứu trách nhiệm trong các cuộc xung đột.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Carter nói: “Nga giờ quyết đoán hơn so với 10 năm trước. Họ có sự tự tin và lên tiếng đòi lại vị thế cường quốc toàn cầu của mình… Không gian mạng là một phần của việc đó, những gì diễn ra trên không gian là một phần của việc đó, tung tin giả, lật đổ, thao túng, ám sát, và tất nhiên là việc sử dụng lính đánh thuê, việc mà rất dễ dàng để phủ nhận và không bị quy trách nhiệm”.

Không rõ quan chức quân sự hàng đầu của Anh căn cứ vào đâu để đưa ra những đánh giá trên. Liệu ông Carter có đang “suy bụng ta ra bụng người” hay không? Cũng có thể vị tướng này được người “bạn thân” là nước Mỹ truyền đạt cho quá nhiều kinh nghiệm tương tự nên nhìn nhận thế giới theo cách mà các cường quốc phương Tây đang hành động.

Bảo Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nguoi-nga-khong-tin-da-thua-phuong-tay-3391280/