Người nặng lòng với cổ vật của các dân tộc Tây Nguyên

Cuộc sống hiện đại, no đủ khiến người ta dễ rơi vào trạng thái bỏ quên quá khứ. Những hiện vật thô sơ của một thời thường bị con người ruồng bỏ. Nhưng khi hiểu rõ về gốc tích của những hiện vật đó, ta phải trầm trồ thốt lên: Đây là sự kỳ diệu của nền văn minh trên vùng đất này.

Cán bộ Công an đam mê sưu tầm hiện vật

Những hiện vật của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hằng ngày vẫn đang được anh nâng niu, trân quý như chính tình cảm mà bà con đã dành cho anh suốt 44 năm qua, kể từ khi đặt chân lên miền đất đỏ bazan này.

Đó là Thượng tá Đặng Minh Tâm, người được Bộ Công an tăng cường vào Tây Nguyên chiến đấu, truy quét Fulro và thu phục những nhóm chống Đảng, Nhà nước của cái gọi là “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức” trở về với ta sau những năm 1975.

Với tính cách dễ thân thiện, gắn bó với dân làng, những năm tháng công tác ở Tây Nguyên, chàng thanh niên quê Nam Định đã được chính bà con cưu mang, đặt cho cái tên trìu mến: KTâm. Trải qua những tháng năm hoạt động trong lòng dân, nhiều ngôn ngữ của người Kho, Bana, Jarai, Churu, Châu Mạ… đã được anh Tâm sử dụng thành thạo. Để thể hiện tấm lòng quý mến, bà con thường trao tặng cho anh những hiện vật gắn liền với đời sống sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng của cá nhân, cộng đồng, đó có thể là cái ché, con dao, cái gùi… Tình yêu, đam mê sưu tầm hiện vật, văn hóa Tây Nguyên trong anh bắt đầu từ những điều bình dị như thế.

Anh Đặng Minh Tâm giới thiệu cho du khách về hiện vật của các dân tộc ở Tây Nguyên được anh sưu tầm.

Anh Đặng Minh Tâm giới thiệu cho du khách về hiện vật của các dân tộc ở Tây Nguyên được anh sưu tầm.

Lúc tôi tới nhà, gần 20 khách từ TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu cũng đến để tìm hiểu về các hiện vật được anh dày công tìm kiếm, sưu tầm suốt 44 năm qua. Khác với những gì thường thấy ở chỗ đông người là sự ồn ào, xô bồ, gần 20 người, trẻ em có, người lớn có nhưng tuyệt nhiên không một tiếng động mạnh. Mọi người chăm chú nghe anh thuyết trình, giải thích tỉ mỉ về gốc tích, công dụng của từng loại hiện vật tiêu biểu đã được anh dày công sưu tầm đem về lưu giữ. Cách diễn đạt đầy sự hiểu biết, mang tính chuyên sâu của một nhà nghiên cứu và cũng không kém phần dí dỏm của Thượng tá Công an từng làm công tác dân vận khiến những người lắng nghe, chứng kiến đi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Đối diện với hàng nghìn hiện vật, trong đó nhiều loại có niên đại lên tới hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, mới thấy được sự hao công tổn sức của anh Đặng Minh Tâm trong việc tìm kiếm, sưu tầm. Nếu không có vốn hiểu biết và niềm đam mê tột đỉnh, một lòng đau đáu với những hiện vật đã từng một thời gắn bó với bà con đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đang dần bị mai một theo thời cuộc, khó ai có thể làm được như anh, nhất là khi anh làm việc đó không nhằm mục đích kinh doanh, thương mại theo dạng mua đi bán lại để kiếm lời mà làm đúng nghĩa là lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của từng hiện vật.

Sau 44 năm rong ruổi khắp các buôn gần, bản xa, nhiều vùng đất cách trở nhất thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã được anh Đặng Minh Tâm đặt chân tới. Từ niềm đam mê, với chiếc xe máy, mình anh chênh vênh trên những cung đường lởm chởm sỏi đá, dưới mưa nguồn suối lũ, hay nắng cháy da người.

Từ Đà Lạt, anh vượt hơn 500km lên Kon Tum, tìm tới các buôn làng của người Bana chỉ để ngắm nhìn, nghiên cứu và sưu tầm những chiếc cối xay bằng đá, nơm bắt cá... Có thể với nhiều người, đó là những hiện vật vô giá trị, đồ bỏ đi vì đã hết thời sử dụng từ lâu. Còn với anh, đó là hiện vật trân quý, gắn liền với đời sống sinh hoạt của cá nhân, cộng đồng qua các thời kỳ. Mỗi hiện vật được anh Tâm sưu tầm có giá trị khác nhau về lịch sử, văn hóa, giá trị vật chất và tinh thần, nhưng tất cả đều gắn bó với cá nhân hoặc cộng đồng tộc người, ở một thời mà tất cả hiện vật đều được xem là có linh hồn, thiêng liêng theo tín ngưỡng cộng đồng sơ khai.

Không gian văn hóa Tây Nguyên thu nhỏ

Trước cửa nhà anh, những tượng gỗ của người Bana, Êđê, Jarai, Kho… cùng cây nêu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được anh Đặng Minh Tâm sắp đặt hai bên lối ra vào. Nhiều tượng trong số đó do chính tay anh đục đẽo, trông không khác là bao so với sản phẩm được làm ra từ những nghệ nhân điêu luyện tuyển chọn trong các buôn làng. Bước vào bên trong, chỉ tính riêng khu trưng bày nhạc cụ đã có hàng trăm loại khác nhau, trong đó có nhiều loại mà đến bây giờ có lẽ khó còn tìm thấy.

Đó là những cái trống khổng lồ, cao tới 1,5m, được làm bằng da voi, nhiều loại trống nhỏ hơn được làm bằng da trâu rừng, da nai… có độ tuổi ít nhất cũng đã tới vài đời người. Hay những chiếc trống đồng của nền văn hóa Đông Sơn được phát hiện ngay ở miền đất Tây Nguyên cũng có mặt tại điểm trưng bày này. Đánh giá hiện vật ở góc độ lịch sử, văn hóa, anh Tâm cho biết, việc phát hiện trống đồng Đông Sơn ở Tây Nguyên cho thấy, từ thời rất xa xưa, giữa người Thượng và người Kinh ở vùng đồng bằng đã có sự giao lưu, mua bán thông qua trao đổi hiện vật có giá trị tương đương.

Có niên đại xa hơn nữa, trước khi xuất hiện thời kỳ kim khí là bộ đàn đá vẫn còn nguyên vẹn, cũng được anh Tâm sưu tầm. Hàng chục loại nhạc cụ khác không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng sơ khai của người Bana, Jarai, Êđê, MNông, Kho… được làm bằng tre, nứa, cũng có mặt trong bộ sưu tầm này. Cạnh đó là bộ sưu tầm về đồ trang sức của nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ngoài những chiếc nhẫn, vòng bằng kim loại quý, ngà voi, răng nanh động vật, đá quý… anh Tâm còn sưu tầm được bộ đúc nhẫn nguyên vẹn của người Churu, tập trung sinh sống ở vùng Đơn Dương.

Chỉ tay về phía chiếc ché cổ được xếp vị trí trên cao, anh Tâm cho biết, đó chính là chiếc ché thế mạng của người Bana được chế tác từ thế kỷ XIII. Lúc bấy giờ giá trị chiếc ché tương đương khoảng 15 con trâu. Chiếc ché này được anh Tâm xếp vào hạng quý hiếm nhất trong các loại ché cổ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà anh đang sở hữu. Chuyện kể rằng, chiếc ché quý hiếm đến mức khi xảy ra sự cố gây chết người, muốn dung hòa và không bị đền mạng, người gây án chỉ cần đem chiếc ché này đền cho gia đình, hoặc cộng đồng nơi có người bị chết là mọi chuyện đương nhiên hóa giải.

Chiếc ché “mẹ địu con” do anh dày công sưu tầm cũng rất đặc biệt. Một trong những biểu tượng của loại ché này là tôn vinh thiên chức làm mẹ của người phụ nữ, khẳng định vai trò, vị trí trụ cột của người phụ nữ trong gia đình, cộng đồng theo chế độ mẫu hệ của các dân tộc Tây Nguyên. Hàng trăm hiện vật là dụng cụ đi săn bắn, bẫy các loại thú của nhiều cộng đồng Tây Nguyên cũng hội tụ về bộ sưu tầm của Thượng tá Đặng Minh Tâm.

Đặc biệt, chiếc ghế của “vua voi” ngồi cúng và công cụ dùng để săn bắt, thuần hóa voi ở Tây Nguyên cũng được anh Đặng Minh Tâm dày công sưu tầm, đưa về lưu giữ. Chiếc ghế cổ được hợp thành từ những xương voi, răng voi, cố định bằng loại dây rừng chắc chắn. Theo anh Tâm, thời bấy giờ, trước mỗi chuyến săn voi con đưa về thuần hóa, những trai tráng khỏe mạnh trong buôn phải tìm tới “vua voi” để xin phép. Vua voi ngồi lên chiếc ghế này để làm lễ, thực hiện các nghi thức cúng vái thần linh. Anh Tâm cho biết, ở Tây Nguyên, trong quá khứ không phải dân tộc nào cũng có nghề săn voi. Qua nghiên cứu, theo anh, chỉ có người MNông ở Đắk Lắk là có nghề này, các dân tộc còn lại chỉ là người sử dụng voi sau khi đã được thuần hóa.

Giờ đã nghỉ hưu, Thượng tá Đặng Minh Tâm lại toàn tâm lao vào công tác nghiên cứu, tiếp tục tìm kiếm, sưu tầm và hướng dẫn sinh viên ngành lịch sử, văn hóa, âm nhạc… của các trường đại học tới tìm hiểu về văn hóa Tây Nguyên. Điều tôi ngạc nhiên là những gì anh làm cho tới ngày hôm nay không ngoài mục đích nào khác là sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị của những hiện vật gắn liền với các tộc người ở Tây Nguyên. Chính vì thế, trước khi ra về, trưởng đoàn khách đến từ TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu gửi anh bao lì xì liền bị anh từ chối. Anh nói: “Tôi chưa từng nhận tiền của ai tới tham quan, tìm hiểu hiện vật bao giờ!...”.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/nguoi-nang-long-voi-co-vat-cua-cac-dan-toc-tay-nguyen-i660090/