Người kết nối những tấm lòng thơm thảo

'Một khi tôi đã hứa giúp ai cái gì thì tôi quyết tâm làm cho bằng được. Tôi trăn trở tìm cách làm sao cho có nguồn hỗ trợ mới thôi', ông Dương Minh Tánh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) trải lòng khi nói về công tác thiện nguyện. Với ông, làm công tác này không chỉ có cái tâm, cái khéo mà còn cần sự nhiệt tình. Khi mang đến niềm vui cho cộng đồng, mọi khó khăn, mệt mỏi của bản thân sẽ tan biến hết.

Xuất phát từ tấm lòng yêu thương

Khi còn là cán bộ công tác ở xã, huyện, ông Dương Minh Tánh cũng thường xuyên san sẻ khó khăn với những hoàn cảnh kém may mắn. Biết được trường hợp nào cần giúp đỡ, ông vận động nguồn đóng góp hỗ trợ ngay. Khi là tặng quà hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn, có khi là trao quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Và từ đó, “sợi dây” kết nối những tấm lòng thơm thảo kéo dài thêm, mang yêu thương lấp đầy những khoảng trống.

Tháng 8/2020, ông nghỉ hưu. Đến tháng 8/2022, ông tham gia công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện, đảm nhận là Chủ tịch Hội. Khi tôi hỏi cách vận động các nguồn hỗ trợ, ông chia sẻ kinh nghiệm: “Thông qua anh em, bạn bè quen biết, tôi thông tin về hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi sự hỗ trợ. Và còn qua mạng xã hội: Zalo, Facebook, tôi liên hệ với các tổ chức, cá nhân hay làm từ thiện cho biết địa phương cần xây cầu, những trường hợp cần giúp đỡ, để họ xem xét”.

Ông Dương Minh Tánh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng (đứng bìa trái) cùng lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và đơn vị tài trợ trao xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: NGỌC HẢI

Ông Dương Minh Tánh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng (đứng bìa trái) cùng lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và đơn vị tài trợ trao xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: NGỌC HẢI

Để việc thiện nguyện đúng người, đúng việc, ông thường đi cơ sở khảo sát thực tế trước, thông qua hội cơ sở lên danh sách những trường hợp cần hỗ trợ. Trong các cuộc họp ban chấp hành, ông cũng thường xuyên nhắc nhở, cán bộ hội vào ngày làm việc thì buổi sáng phải có mặt ở cơ quan, buổi chiều sẽ đi cơ sở nắm tình hình những trường hợp cần giúp đỡ.

Ông Tánh thông tin, số nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện còn nhiều. “Đi tiếp xúc từng hoàn cảnh, tôi không cầm lòng được, nếu không giúp đỡ thì cuộc sống khó khăn của gia đình sẽ còn mãi. Như trường hợp bà Sol ở xã Thạnh Phú. Khi tôi đến nhà thăm, trong căn nhà nhỏ, đủ để gia đình núp mưa, tránh nắng; nền nhà ngập lún, lầy lội. Chồng bà đã qua đời, bà sống với bà mẹ già bị bệnh nằm liệt giường, 2 người con trai, 1 đứa liệt 2 chân, 1 đứa bị bệnh tâm thần. Thấy vậy, tôi đề xuất lên Tỉnh hội vận động nguồn hỗ trợ cho bà xây dựng nhà mới”.

Hạnh phúc khi được làm thiện nguyện

Tôi còn nhớ, tháng 6 năm trước (2023), trong buổi Lễ trao vốn sinh kế và xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên do bà Trần Tố Nga - Việt kiều Pháp tài trợ và trực tiếp đến trao tặng, có một vài trường hợp do đi đứng khó khăn, đường xa nên không đến Huyện hội nhận được. Thế là, bà Tố Nga quay sang bảo với ông Tánh: “Giờ Huyện hội mang xe lăn đến tận nhà những hộ này trao được không, tốn phí bao nhiêu để cô gửi thêm”. Ông Tánh nhìn cô Nga, nhẹ nhàng từ chối: “Dạ, cô yên tâm, anh em hội sẽ làm việc này, không cần thêm chi phí đâu cô”.

Hứa là làm, từng chiếc xe được anh em Huyện hội vận chuyển đến tận nhà những nạn nhân chất độc da cam, khuyết tật được hỗ trợ. Người nhà ai cũng vui mừng vì có chiếc xe di chuyển được thuận tiện hơn. Về việc này, ông cũng nhắc đến 1 trường hợp mà ông xem đó là “chuyện nhớ mãi không quên”. Qua người bạn quen biết, ông biết được ông Hiếu ở xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) là thương binh, bị tai biến nên giờ việc đi lại rất khó khăn, gia đình ông ao ước có chiếc xe lăn nhưng không có tiền mua. “Thế là, không bao lâu, tôi cùng anh em trong hội chở chiếc xe lăn đến tận nhà anh Hiếu. Thấy chúng tôi đẩy chiếc xe lăn vô nhà, vợ anh Hiếu mừng rớt nước mắt. Thấy hoàn cảnh gia đình anh Hiếu đáng thương quá, tôi móc trong túi 500.000 đồng gửi chị mua món ngon bồi bổ cho anh”, ông Tánh thuật lại.

Không chỉ vận động nguồn hỗ trợ cho hộ dân, ông Tánh còn vận động nguồn hỗ trợ xây dựng cầu nông thôn. Riêng năm 2023, ông đã vận động xây dựng 3 cây cầu ở xã Thạnh Phú, Gia Hòa 1, Hòa Tú 1 với tổng trị giá 365 triệu đồng. “Người dân địa phương gặp tôi mừng lắm, nỗi lo mất an toàn khi qua cầu tạm được dẹp bỏ. Hôm bàn giao cây cầu, nhà tài trợ còn tặng quà cho hộ nghèo nữa”, ông Tánh chia sẻ niềm vui.

Trong thời gian qua, ông đã thực hiện đạt kết quả sáng kiến “Nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên”. Chỉ tính riêng năm 2023, ông đã tham gia vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh trên 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho hàng ngàn lượt nạn nhân nhiễm chất độc hóa học, người khuyết tật, học sinh, hộ nghèo trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên. Trong đó, trao trên 2.100 phần quà; hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà; tặng 51 xe lăn, 16 xe đạp; 6 suất hỗ trợ sinh kế (5 triệu đồng/suất); 1,4 tấn gạo; trên 2.500 quyển tập, 16 suất học bổng… và xây dựng 3 cây cầu.

San sẻ được với mọi người, cộng đồng những khó khăn, ông nhận được nhiều niềm vui. Điều đó tạo cho ông thêm động lực để cố gắng nhiều hơn nữa, mở rộng sự kết nối với những tấm lòng thơm thảo tiếp sức cho nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật và hộ nghèo vùng nông thôn vượt lên hoàn cảnh, có cuộc sống tốt hơn. Và còn nối nhịp đôi bờ, để giao thông nông thôn liền mạch, thông suốt.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thi-dua-khen-thuong/nguoi-ket-noi-nhung-tam-long-thom-thao-73439.html