'Người hùng Thụy Sỹ' với hành trình vạn dặm gây quỹ cho trẻ em Philippines

Sau hành trình đi bộ dài 13.000km từ Thụy Sỹ đến Việt Nam, Thomas Kellenberger đã dừng chân tại Hà Nội để chia sẻ về câu chuyện của mình.

Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass (phải) giới thiệu về câu chuyện của 'người hùng' Thomas Kellenberger (trái) trong buổi họp báo hôm 22/3. (Ảnh: Hạnh Lê)

Từ ngày 25/8/2021, anh Thomas Kellenberger - một công dân Thụy Sỹ, đã rời quê hương để bắt đầu hành trình đi bộ 15.000 km tới Philippines mang tên “Kuya Thom Goes Home”. Thông qua chuyên đi này, anh muốn gây quỹ cho tổ chức từ thiện Island Kids Philippines (IKP) tại thành phố Cagayan de Oro, Philippines do anh sáng lập từ năm 2007.

"Lên rừng, xuống biển" và băng qua sa mạc của hơn 20 quốc gia, Kellenberger đã dừng chân ở Việt Nam từ ngày 21-25/3, trước khi bay qua Philippines và kết thúc chặng đường vào tháng 5 tới.

Cơ duyên với Philippines

Năm 2006, nhận lời mời của một người bạn ở Đại sứ quán Philippines tại Thụy Sỹ, người thanh niên Thomas Kellenberger - khi đó còn là một cảnh sát, đã tới quốc gia Đông Nam Á này để du lịch và khám phá.

Tuy nhiên, anh cảm thấy bất ngờ khi chứng kiến nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn lang thang trên khắp các con phố ở Philippines, trong đó có những em phải lao động và đến các bãi rác để thu gom phế liệu.

“Thậm chí, khi đang ngồi ăn bên bờ biển, một người dân địa phương đã mời tôi sử dụng dịch vụ mại dâm trẻ em. Tôi thật sự rất sốc”, anh chia sẻ. Ngay trong chuyến đi đó, anh cùng những người bạn đã giải cứu được bốn bé gái và giúp các em bằng số tiền mình đang có.

Trở về Thụy Sỹ, anh đã quyết định từ bỏ công việc của mình và ấp ủ giấc mơ lập quỹ từ thiện, đồng thời kêu gọi vận động quyên góp cho trẻ em gặp khó khăn, đặc biệt các em là nạn nhân của buôn bán người và lạm dụng tình dục tại Philippines.

Anh cho biết, khi đó nhiều người đã ra sức ngăn cản. Chỉ có duy nhất mẹ anh - bà Ruth Kellenberger đã tin tưởng và ủng hộ quyết định này. Từ năm 2007, hai mẹ con anh đã thành lập và từng bước phát triển tổ chức từ thiện IKP tại thành phố Cagayan de Oro, Philippines.

Sau 10 năm, anh đã đưa mẹ trở lại quê hương để điều trị bệnh ung thư. Trước khi ra đi vào năm 2020, bà Ruth Kellenberger đã quay về thăm Cagayan de Oro một lần cuối và cảm thấy tự hào trước thành quả của tổ chức IKP sau gần 15 năm: Xây dựng hai trường học và ngôi nhà chung cho hơn 1.000 trẻ em Philippines. Trong đó, IKP cũng phối hợp với chính quyền địa phương để dạy học và điều trị chăm sóc tâm lý đặc biệt cho hơn 80 đứa trẻ.

Chàng trai Thụy Sỹ chia sẻ, chính mẹ anh là người đã truyền cảm hứng cho hành trình đi bộ 15.000km để trở về Philippines - ngôi nhà thứ hai của anh. Đồng thời, anh cũng nhận ra, sau dịch bệnh Covid-19, số trẻ em gặp nhiều khó khăn ngày càng gia tăng, trong khi IKP vẫn là một quỹ từ thiện nhỏ.

Theo anh Kellengerger, năm 2021, thời điểm anh bắt đầu hành trình, là lúc thích hợp để “tạo tiếng vang” và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em. “Mục đích chuyến đi của tôi không phải để lập kỷ lục hay ghi danh vào lịch sử…Tôi đi vì có những đứa trẻ đang ngóng chờ ở điểm cuối”, anh nói.

Anh Thomas Kellenberger kể lại về trải nghiệm đi từ Thụy Sỹ đến Việt Nam trong suốt 20 tháng qua. (Ảnh: Hạnh Lê)

Hành trình đầy gian nan

Là một người thích khám phá thiên nhiên và leo núi, người đàn ông này đã chọn lộ trình khó khăn hơn để chinh phục cả những đỉnh núi cao, thay vì đi trên những đoạn đường bằng phẳng.

Khoác trên vai balo nặng 20kg với những hành lý cần thiết, anh Kellenberger đã vượt qua dãy núi Alps trải dài từ Thụy Sỹ đến Slovenia, qua dãy núi vùng Balkan, những ngọn núi ở Georgia và Tajikistan, từ núi Ladakh tới dãy Himalaya ở Ấn Độ và Nepal.

Sau khi đến Bangladesh, anh không thể đi qua Myanmar do tình hình bất ổn ở đó và đã phải đi máy bay qua Thái Lan. Từ đó, anh tiếp tục băng qua Lào và vào Việt Nam từ tỉnh Điện Biên.

Trong suốt 20 tháng ròng rã, chàng trai Thụy Sỹ đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Anh cho biết, bên cạnh những thách thức khi leo những ngọn núi có độ cao lên đến 6.000m, anh đã từng phải đi qua 1.500km sa mạc ở Trung Á, không có nước hay bất kì ngôi làng nào.

Đối với Kellenberger, đau mỏi về thể chất không còn là thách thức, vì khi được rèn luyện thường xuyên, cơ thể anh trở nên rắn rỏi hơn và có những ngày đi được tới 70km. Trong khi đó, khó khăn đáng kể nhất lại là mặt tinh thần, do phải đi một mình suốt quãng đường dài và phải tự làm mọi việc, kể cả lúc ốm đau hay bị ngộ độc thực phẩm và sốt cao ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, anh chia sẻ: “Tôi rất biết ơn vì trên chặng đường này, tôi đã gặp nhiều người dân tốt bụng và được họ giúp đỡ, cho ăn và thậm chí cho ngủ nhờ”. Anh cũng cảm thấy may mắn khi có Mathias Dur - một người sáng lập quỹ từ thiện ở Thái Lan, đồng hành từ Thái Lan đến Việt Nam, và sẽ cùng bay từ Hà Nội đến Philippines để tham gia chuyến đi đến điểm cuối ở thành phố Cagayan de Oro.

Thomas Kellenberger (phải) và anh Mathias Dur (trái) dự kiến sẽ hoàn thành nốt chặng đường cuối dài 2.000km tại Philippines trong tháng 5 năm nay. (Ảnh: Hạnh Lê)

Không có biên giới giữa con người với con người

Cảm động trước hành trình đi bộ hàng vạn dặm của Kellenberger, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam Thomas Gass đã mời anh dừng chân và tổ chức họp báo tại nhà riêng ở Hà Nội, để lan tỏa nghĩa cử cao đẹp của người đồng hương.

Tại đây, anh Kellenberger chia sẻ: “Trên bản đồ giữa các quốc gia, có rất nhiều hàng rào được dựng lên. Tuy nhiên, sau trải nghiệm này, tôi nhận ra rằng giữa con người với nhau không hề có biên giới. Tôi đã đi qua nhiều đất nước với những phong cảnh, văn hóa và tôn giáo khác nhau, nhưng vẫn luôn được chào đón bởi những con người nồng hậu”.

Chàng trai Thụy Sỹ cũng đã gửi đi một thông điệp lớn về sự đoàn kết, “tương thân tương ái”, đồng thời kêu gọi các nước trên thế giới hãy dừng các cuộc xung đột và tranh chấp. “Vì chúng ta đang sống chung dưới một mái nhà Trái đất, tôi hy vọng các quốc gia có thể cùng chung tay và hợp tác để giải quyết những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, hay xóa đói giảm nghèo”, anh nói.

Cũng trong buổi họp báo, anh đã chia sẻ cảm xúc ngỡ ngàng khi dừng chân tại Hà Nội. Theo Kellenberger, Việt Nam và Philippines có nhiều điểm chung về xã hội, văn hóa và đều từng là nước thuộc địa. Tuy nhiên, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và chính phủ cũng đã có những nỗ lực lớn trong việc xóa đói giảm nghèo.

“Bằng chứng là đêm qua, khi đi trên những con phố ở Hà Nội, tôi không hề thấy đứa trẻ nào phải lang thang, hay ngủ ngoài đường. Việt Nam đã làm rất tốt trong công tác xã hội, cũng như đảm bảo cuộc sống cho người dân…Tôi nghĩ đây là điểm Philippines cần phải học tập ở đất nước các bạn, để giúp trẻ em ở đó có cuộc sống tốt hơn”, Kellenberger cho biết.

Theo Đại sứ Thomas Gass, anh Kellenberger là “người hùng Thụy Sỹ” trong thời đại ngày nay, khi công nghệ và vô vàn phương tiện di chuyển lên ngôi.

“Thomas Kellenberger đã truyền nguồn cảm hứng lớn thông qua sức mạnh và ý chí quyết tâm của mình, để chứng minh khả năng của con người là không có giới hạn, và trên thế giới này không tồn tại biên giới giữa con người và con người”, Đại sứ nhấn mạnh.

Từ Thụy Sỹ đến Việt Nam, trải qua chặng đường 13.000km, Thomas Kellenberger đã kêu gọi được 92.000 USD từ thiện thông qua nhiều nguồn, trong đó có trụ sở chính của IKP ở Thụy Sỹ, những câu chuyện được anh cập nhật thường xuyên trên mạng xã hội như Facebook, Instagram,....

Anh chia sẻ, đây vẫn là con số khiêm tốn so với mục tiêu ban đầu đặt ra là 165.000 USD để có thể thành lập làng trẻ em số 2 tại Cagayan de Oro. Trong thời gian sắp tới, anh dự định viết sách về hành trình 15.000km của mình, đồng thời sẽ có một bộ phim tài liệu được sản xuất để có thể quảng bá cho quỹ từ thiện IKP, cũng như truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ em trên thế giới.

Hiện anh đã tới Philippines để hoàn thành chặng đường đi bộ 2.000km cuối cùng, trước khi chạm mốc Cagayan de Oro - nơi anh sáng lập tổ chức từ thiện IKP.

Hạnh Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-hung-thuy-sy-voi-hanh-trinh-van-dam-gay-quy-cho-tre-em-philippines-221227.html