Người Hà Nhì ở Lao Chải

Theo những người Hà Nhì kể lại, mùa hè ở Lao Chải từ xưa đến giờ, chưa lúc nào kéo dài quá tháng 6 Âm lịch. Ở thung lũng biên giới thuộc huyện Bát Xát, Lào Cai này, mùa hè có nhiệt độ thấp nhất chưa đến 8 độ C, nhưng cũng không cao quá 22 độ. Do vậy, trang phục của họ hầu như quanh năm không thay đổi kể cả trong lúc phải lao động nặng nhọc...

Độc đáo lễ hội Khô già già của người Hà Nhì

Một vài người phụ nữ làm cỏ trên nương trong ngày Tết cúng Thần Lúa

Ngày Tỵ tháng 6 Âm lịch, một ngày không phải lao động đồng áng, nhưng một vài người phụ nữ vẫn làm cỏ trên nương của mình. Họ chỉ làm những động tác tượng trưng cho việc làm cỏ. Lý do của việc được nghỉ ngơi, bởi ngày Tỵ tháng 6, chính là ngày Tết Khô già già, cái Tết cúng Thần Lúa và cũng là Tết lớn nhất của tộc người Hà Nhì.

Những trai tráng trong làng không ra đồng như mọi khi, họ dồn sức để làm phần việc mà vào các dịp lễ lớn của người Hà Nhì vẫn phải có, đó là dựng những cây đu quay hay đẽo cột làm cầu bập bênh.

Đu quay và bập bênh là những hoạt động không chỉ giải trí, mà còn là tập quán mang nét tín ngưỡng của tộc người Hà Nhì trong dịp lễ Tết.

Đu quay và bập bênh là những hoạt động mang nét tín ngưỡng của tộc người Hà Nhì

Ở trên bãi trống làm lễ mổ trâu, những người đàn ông dựng lên một cây đu khá lớn bằng những đoạn gỗ tươi mới lấy trong rừng về. Công việc này có vẻ như được thực hiện thường xuyên nên được dựng giàn khá nhanh và thuận lợi. Cây và dây rừng là 2 nguyên liệu chính để dựng giàn đu.

Chỉ sau khoảng thời gian nửa giờ là giàn đu được hoàn thành. Tuy nhiên, chưa được sử dụng cho đến khi làm lễ xong.

Cầu bập bênh cũng được chế tác khá đơn giản, người ta chọn một cây gỗ dài và khá chắc. Sau đó, đẽo đi cho đều và cũng để cân bằng về trọng lượng, tại điểm giữa tạo thành một lỗ mộng để lồng vào cột.

Cầu bập bênh cũng được chế tác khá đơn giản

Những phần việc khác để chuẩn bị cho buổi cúng đều được thực hiện ngay tại không gian chung của làng.

Thời điểm tháng 6 Âm lịch, thời tiết ở Lao Chải bắt đầu chuyển mùa, cái lạnh tràn về chầm chậm trên những triền núi ven cánh rừng già. Cuối cùng, mọi công việc chuẩn bị cũng đã hoàn tất, cầu bập bênh được dựng lên trên chính nền đá tiến hành Lễ đâm trâu. Bởi vị trí này là trung tâm của những hoạt động tín ngưỡng trong ba ngày.

4 giờ chiều, đại diện của từng hộ trong làng với trang phục Hà Nhì chỉnh tề, đem lễ của gia đình mình tới khu vực làm lễ tế của làng. Những món ăn trên mâm của từng gia đình khá phong phú, nhưng cũng giống nhau ở một vài món chính.

Nhà gỗ ở trung tâm cũng được sử dụng vào quá trình làm lý, sau khi đã tiến hành lễ tế ngoài trời. Khi mặt trời xuống sau rặng núi, cũng là lúc dàn lễ đơn giản được chuẩn bị xong, mọi người tham gia vào buổi lễ đều là đàn ông và phải mang trang phục của dân tộc.

Đại diện của từng hộ trong làng đem lễ của gia đình mình tới khu vực làm lễ tế của làng

Thời điểm làm lễ tiến hành khi không còn ánh sáng của mặt trời nữa. Những món ăn được dồn vào một miếng lá sạch sẽ, thầy cúng là người được tín nhiệm soạn món lễ đầu tiên, sau đó mới đến từng người. Tiếp theo, đại diện của từng hộ gia đình theo điều khiển của thầy cúng đến đàn lễ để thực hiện thủ tục tín ngưỡng. Những thủ tục làm lễ khá đơn giản và nhanh gọn, sau đó các món đồ lễ được dọn để đưa vào bên trong nhà gỗ.

Việc lễ tế hoàn tất, cây đu và bập bênh được tháo dây buộc ra, 2 thầy cúng là những người đầu tiên làm phép cho cây đu và bập bênh. Đu quay và bập bênh là vật dụng bắt buộc phải có trong Tết Khô già già, vì những hoạt động đó sẽ ngăn không cho lũ sâu bọ phá hoại mùa màng của cả làng theo tập tục từ xa xưa.

Lúc này, đại diện của những hộ gia đình Hà Nhì tập trung trong nhà gỗ để nói lý. Bên những mâm đồ ăn vừa được cúng mời Thần Lúa, đàn ông trong làng phải tiến hành nói lý, theo phong tục của người Hà Nhì, sau lễ tế Thần Lúa những điều hay lẽ phải, những quy tắc ứng xử và lao động chuẩn mực sẽ được nhắc đến như thủ tục diễn xướng tại bữa rượu đầu tiên này.

Đại diện của những hộ gia đình Hà Nhì tập trung trong nhà gỗ để nói lý

Thầy cúng của làng vẫn tiếp tục những thủ tục tín ngưỡng bên chiếc bập bênh với bài cầu khấn của ông.

Ngày hôm sau thực sự là một ngày hội của người Hà Nhì, con trẻ thì vui chơi bên những đu quay và bập bênh. Người lớn sẽ đi thăm nhau và ngồi uống rượu trong 2 ngày liền như để cảm ơn những điều tốt đẹp mà Thần Lúa sẽ đem đến cho một mùa màng bội thu. Cái Tết lớn nhất trong năm của người Hà Nhì trôi qua đơn giản như vậy.

Con trẻ thì vui chơi bên những đu quay và bập bênh

Mùa đông ở Lao Chải

Sau Tết Khô già già, Lao Chải chuyển hẳn sang tiết mùa đông, người Hà Nhì không hát bài hát trông trăng nữa, thay vào đó là những bản nhạc dân ca, miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng trong màn sương.

Lúc này, những ruộng lúa xanh mướt, trổ đồng mùa hè sẽ được thay thế bởi hình ảnh đất vỡ hoang cho mùa gieo mới. Chu kỳ sống của người Hà Nhì bắt đầu vòng lại ở một điểm xuất phát, đó là một mùa đông khắc nghiệt.

Mùa đông khắc nghiệt ở Lao Chải

Như đền bù cho sự khắc nghiệt về thời tiết mùa đông, nước là nguồn tài nguyên khá dồi dào ở thôn miền núi Lao Chải. Ngược lại với cái buốt giá của không khí, nước nguồn từ suối lại đem đến sự ấm cúng tương đối cho cuộc sống thường nhật của những cư dân nơi này.

Nước là nguồn tài nguyên khá dồi dào ở thôn miền núi Lao Chải

Để chống lại cái lạnh thường trực và điều kiện sống thiếu thốn ở miền núi cao, người Hà Nhì có một tài sản rất quý báu được truyền lại từ bao thế hệ, đó là hệ thống nhà trình tường. Nhà trình tường giống như tấm danh thiếp cho diện mạo văn hóa vật thể của dân tộc Hà Nhì.

Những căn nhà đặc trưng được làm từ đất với mái rạ và hệ thống móng được làm bằng đá thực sự là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc.

Nhà trình tường - diện mạo văn hóa vật thể của dân tộc Hà Nhì

Giống như rất nhiều mẫu hình kiến trúc tại làng quê Việt Nam, tác phẩm kiến trúc nhà ở của người Hà Nhì thể hiện được sự giao hòa với thiên nhiên, sự hiểu biết và khả năng ứng phó cũng như lợi dụng điều kiện tự nhiên của các nghệ nhân dân gian Hà Nhì.

Mùa đông về, thời điểm nông nhàn là lúc người ta hay xây dựng nên những ngôi nhà đất.

Với điều kiện thời tiết quanh năm lạnh, ngôi nhà bằng đất với tường trình dày đáp ứng được nhu cầu chống lại giá rét. Hơn nữa, đất để trình tường là loại đất đỏ đặc trưng vùng thung lũng giữa núi cao, khả năng kết dính của đất nơi này đáp ứng được yêu cầu xây dựng đơn giản.

Có thể nói, cùng với trang phục, phong tục, nhà ở, thì không gian mùa đông là hình ảnh dễ nhận thấy khi nhìn bề ngoài và cuộc sống của dân tộc Hà Nhì. Và thời gian cũng trôi qua những nóc mái rạ của người Hà Nhì, gắn với tất cả hoạt động trong tiết trời giá lạnh này.

Tục tảo mộ của người dân tộc Hà Nhì

Ngày Sửu tháng 2 Âm lịch, một ngày mùa đông ở Lao Chải. Không giống nhiều dân tộc khác, người Hà Nhì quen tính thời gian bằng cách áp 12 con giáp vào một chu kỳ trăng.

Ngày Sửu tháng 2 năm nay là ngày kỵ của gia đình Phù Che Sa. Mọi người trong làng từ sáng sớm đã đến nhà Che Sa ăn uống để lấy sức chuẩn bị cho lễ tảo mộ. Ông nội của Phù Che Sa đã qua đời vào đúng ngày Sửu tháng 2, cách đây hơn 20 năm.

Sau bữa sáng được nhà Phù Che Sa mời, những người trong làng cùng đi về phía cuối con đường, dẫn sâu vào trong rừng, nơi đó có mộ của ông nội Phù Che Sa. Là cháu đích tôn, Phù Che Sa có nghĩa vụ phải đứng ra gánh vác, tổ chức lễ tảo mộ cho ông nội, cho dù các chú của anh vẫn còn khỏe.

Mọi người trong làng đi tảo mộ

Việc đầu tiên là 2 thầy cúng cắt tiết gà để xin với người chết được sửa sang ngôi mộ, sau tuần hương mọi việc xây cất mới được tiến hành.

Theo tập quán của người Hà Nhì, công việc tảo mộ tuy đơn giản nhưng tất cả mọi thành viên trong làng là người Hà Nhì đều phải tham gia như việc của gia đình mình vậy. Từ người già đến con trẻ, đều góp một phần sức và của vào công việc này. Họ mang đến đây thức ăn, gà, xôi, trứng hoặc nếu không có thì góp một phần tiền tương ứng với số người trong gia đình mình. Nồi nước lớn để nấu ăn cho tất cả những người tham gia vào lễ tảo mộ và cả những người đến viếng ngay tại nghĩa trang.

Mọi thành viên trong làng phải tham gia tảo mộ như việc của gia đình mình vậy

Người nhà của Phù Che Sa từ đêm hôm trước đã phải chuẩn bị đồ ăn thường dùng trong ngày giỗ kỵ với số lượng lớn, để mời tất cả những người trong làng đến dự. Tiếp khách còn có ông Phù Ha Giờ chú ruột của Phù Che Sa. Ông là con trai út của người nằm dưới mộ.

Sau khi ngôi mộ đã được sửa sang, Phù Che Sa bắt đầu cúng ông nội, trong lễ tảo mộ, cây hoa làm bằng giấy là thứ không được thiếu, nó giống như hoa tươi ở những lễ tảo mộ tại đồng bằng.

Mâm lễ sẽ gồm có 2 đầu lợn, một to, một nhỏ, bát đũa và ba mâm bày trước mộ. Trong lễ tảo mộ, những người phụ nữ thường khóc cho vong hồn, bất kể người dưới mộ đã qua đời từ rất lâu.

Tất cả những người thân trong gia đình, dòng họ đều phải xuống đất để đắp lên trên nóc mộ. Xương đùi con gà cúng đầu tiên được chặt ra sau tuần hương sẽ được thầy cúng xem kỹ càng. Ý nguyện của người chết sẽ nhắn nhủ con cháu còn sống qua hình dạng của xương.

Cũng giống các nơi khác tiền, vàng và đồ vật cũng được đốt để gửi cho người chết. Sau những người thân trong gia đình là lúc tất cả những thành viên trong làng tới chào người dưới mộ. Từ người lớn tới con trẻ, mọi người đều chia sẻ một phần trong tất cả những món ăn mà họ mang tới góp giỗ.

Ở vị trí trung tâm, ông Phù Ha Giờ vẫn tiếp tục nghi lễ đón khách viếng mộ. Sau những nghi lễ tín ngưỡng, toàn bộ các thành viên có mặt đều tham gia vào việc làm món ăn. Tập quán ăn uống ngay tại chỗ xuất phát từ tư duy sinh hoạt cộng đồng của người Hà Nhì. Họ cho rằng, ngày hôm nay là ngày của người chết, nên việc ăn uống cùng nhau tại mộ giống như cuộc thăm viếng tụ họp vậy.

Mỗi hộ gia đình tự mang mâm của mình đến, ngoài ra, còn có cả những món ăn đặc trưng của dân tộc Hà Nhì cũng được họ chế biến đem từ nhà tới. Tất cả những món ăn đó đều được cúng trước mộ người đã qua đời.

Tất cả những món ăn đó đều được cúng trước mộ người đã qua đời

Một ngày lại trôi qua ở Lao Chải, nhu cầu giao lưu với bên ngoài của người Hà Nhì cũng không khác những dân tộc vùng núi cao phía Bắc.

Chợ phiên hàng tuần là nơi họ có thể gặp nhau ngoài những dịp sinh hoạt cộng đồng hiếm có cũng là cơ hội để họ nhìn xa hơn ra ngoài xã hội. Hoạt động giao lưu ở chợ của người Hà Nhì mang tính bị động hơn là chủ động. Họ chỉ có thể bán những mặt hàng đơn giản như rau, quả không dùng hết trong cuộc sống thường nhật.

Những hoạt động buôn bán khác hầu như đứng ngoài tư duy của họ. Tư duy đó cũng phần nào ảnh hưởng đến sự tiếp nhận văn hóa cho lớp trẻ. Điều kiện sinh sống khó khăn và khắc nghiệt đã hạn chế khá nhiều hoạt động giáo dục nơi này.

Hoạt động của người Hà Nhì lại tiệp tục với chu kỳ tiếp theo

Thời gian cứ dần phủ lớp màu trên mái rạ những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì. Mùa đông lạnh lẽo, ẩm ướt, khắc nghiệt rồi cũng sẽ được thay thế bởi một mùa hè ngắn ngủi và đầy ắp những sự kiện. Nhưng không rõ vì lý do nào, bên cạnh vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ, mộc mạc của núi rừng Lao Chải thì cái cảm giác buồn nghèn nghẹn cứ xen vào trong bức tranh cuộc sống của cư dân Hà Nhì nơi này, khi ngắm nhìn những lớp người kế tiếp.

Điệu giao duyên nhẹ nhàng và hấp dẫn của những thiếu nữ Hà Nhì đang tuổi trưởng thành, vừa thể hiện nhịp sống thanh bình, đơn giản của những cư dân nơi đây, cũng lại vừa mang mác một vẻ đẹp mong manh trước đòi hỏi phát triển thời đại.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-ha-nhi-o-lao-chai-post560030.antd