Người 'giữ lửa' nghề đan lát ở vùng cao Phước Sơn

Hồ Văn Liêm (72 tuổi), dân tộc Bh'noong, ở thôn 2, xã Phước Công, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), nơi những cánh rừng xanh ríu rít tiếng chim và những dòng suối trong vắt ngày đêm róc rách. Ngay từ nhỏ, ông Liêm đã được cha truyền dạy cho các kỹ năng làm những sản phẩm tinh xảo từ mây, tre, nứa...

Già Liêm truyền nghề đan lát cho cháu nội.

Mới đây, có dịp về Phước Công, theo chân anh Hồ Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã, chúng tôi men theo con đường làng dẫn về nhà già Hồ Văn Liêm. Tại căn bếp nhà mình, già Liêm đang hoàn tất một sản phẩm đan lát, ông chậm rãi cho chúng tôi biết: Trong các sản phẩm đan lát của người Bh'noong, thứ đặc biệt nhất là chiếc gùi. Mỗi sản phẩm do chính tay mình làm ra tương ứng cho mỗi loại gùi khi đan và tùy theo mục đích sử dụng của từng loại mà nó có nhiều tên gọi khác nhau. Gùi nhỏ dành cho trẻ em, gùi thưa đi lấy củi, gùi nước, gùi sắn; gùi có nắp với nhiều loại được dùng đựng trang phục, trang sức, đựng lúa và cõng lúa.

Để tạo vẻ đẹp và sức hấp dẫn cho mỗi loại sản phẩm, ông lên rừng tìm những ống tre nứa, cây mây. Theo già Liêm, đan các loại vật dụng bằng tre nứa khó nhất là khâu chọn nguyên liệu, nếu chọn không cẩn thận, không đúng quy cách thì sản phẩm sẽ nhanh hỏng. Vì vậy, ông chỉ chọn tre nứa vào những ngày cuối tháng, không có trăng, vì thân tre nứa giữa tháng chứa nhiều nước, rất dễ bị mọt. Để cho các dụng cụ làm bằng mây được bền, không bị mọt thì chỉ lấy sợi già trên cao, có màu vàng hoặc xanh.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để hoàn thành một sản phẩm thì già Liêm mất từ 2-3 tháng. Từ những nguyên liệu mây, tre, nứa thô sơ, nhưng dưới bàn tay khéo léo của mình, già Liêm đã cho ra đời nhiều loại vật dụng dùng trong sinh hoạt, sản xuất, phục vụ cho đông đảo bà con trong vùng. Hình dáng chiếc gùi của người Bh'noong về cơ bản có hình trụ đứng, thon, cao, bao gồm 3 bộ phận là đế gùi (pang), quai (lây) và thân gùi (ania) với các hoa văn trang trí theo dải ngang chạy vòng quanh thân.

Trong các loại gùi đó, có hai loại gùi đặc trưng gồm: Gùi đựng đồ (nơm), gùi cõng hay đựng lúa (kă). Đây là loại gùi có nắp, đan theo khối trụ tròn, nắp khum hình chóp cụt. Gùi có dáng bầu, phần miệng loe và thân hơi thon về dưới đế. Gùi được đan 3 lớp (với 2 lớp nan và 1 lớp lá), chủ yếu bằng dây mây. So với tre nứa, thì loại nguyên liệu này dẻo, dai và chắc hơn, khi đan cũng dễ uốn cong và không bị gãy.

Đây là loại gùi thường được dùng để đựng đồ ở trong nhà hoặc vận chuyển đồ khi trời mưa mà ít khi bị ướt. Vì có lớp lá lót ở giữa nên không bị nước ngấm vào. Ở bất cứ đâu, khi nhìn vào chiếc gùi này là chúng ta có thể khẳng định đây là gùi của dân tộc Bh'noong.

Theo thời gian, những kinh nghiệm, kỹ thuật đan lát được chắt chiu ngày một nhiều hơn, nên giờ đây những sản phẩm do già Liêm làm ra ngày càng hoàn chỉnh, đạt chất lượng cao, với nhiều mẫu mã phong phú, kể cả trong cách thể hiện các sản phẩm đan lát của mình. Ở tuổi 72, nhưng già Liêm vẫn ngày đêm miệt mài với công việc của mình và có lẽ, niềm vui lớn nhất của ông là được bầu bạn với những thanh tre nứa và những "đứa con" ra đời mang đậm nét văn hóa của dân tộc Bh'noong.

Trước lúc chia tay, già Liêm bảo: Mặc dù nghề này bây giờ cũng có phần mai một, lắm khó khăn, nhưng tôi luôn yêu nghề và mong muốn truyền lại cho con cháu. Mỗi khi làm xong cái gùi hay những vật dụng dùng trong gia đình, tôi vui lắm, bởi nó là công sức của mình. Hôm nào không đụng đến đan lát, tôi cảm thấy trong người khó chịu như thiếu một thứ gì đó. Những sản phẩm của già làm ra được bà con đón nhận không đơn thuần là vật dụng, mà còn là tâm huyết của một con người yêu nghề.

Già làng Hồ Văn Xuyên cho biết: Ở thôn 2 này, người đan lát đẹp như ông Liêm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi quý mến và khâm phục tài đan lát của ông. Già Liêm chính là người giữ lửa cho nghề đan lát truyền thống của người Bh'noong chúng tôi. Những sản phẩm của ông Liêm làm rất đẹp, nên gia đình tôi cũng như nhiều bà con Bh'noong trong thôn và nhiều thôn khác đều đặt ông Liêm làm những vật dụng cần thiết để dùng.

Mang trong mình niềm đam mê cháy bỏng về nghề đan lát truyền thống của người Bh'noong, bằng đôi tay của mình, già Hồ Văn Liêm đã sáng tạo ra những sản phẩm mây tre độc đáo, tinh xảo. Các sản phẩm do ông làm ra không chỉ đơn thuần là dụng cụ phục vụ đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người Bh'noong, mà còn có giá trị về mặt thẩm mỹ và giữ được hồn văn hóa của người Bh'noong từ trước đến nay.

Nguyễn Văn Sơn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-giu-lua-nghe-dan-lat-o-vung-cao-phuoc-son/