Người dân vùng sạt lở ở Tuyên Quang 'Đi không được, ở chẳng xong'
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 753 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn đang cần phải di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trước nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại do nhiều nguyên nhân, việc di dân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm còn chậm.
Gia đình chị Sùng Thị Xuân ở thôn Khuân Trò, xã Công Đa là một trong số hàng trăm hộ dân ở tỉnh Tuyên Quang đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để làm kè, gia cố tại chỗ khu vực sinh sống trước nguy cơ bão lũ. Đứng trong căn nhà nằm sau sườn đồi đang sạt lở, toàn bộ bức tường nhà phía sau đã bị đổ hoàn toàn do mưa lũ, khiến ai cũng phải lo sợ và ái ngại.
Chị Sùng Thị Xuân, thôn Khuân Trò, xã Công Đa, cho hay: "Mỗi một lần mưa to là không dám ngủ ở nhà. Vợ chồng làm nhà được 3 năm rồi mỗi một lần mưa to lại phải hót đi, mùa mưa lại trôi xuống tiếp. Các cô chú cũng đến xem rồi nhưng chưa hỗ trợ.. đang bảo là được hỗ trợ cho gia đình một ít thì cũng cảm ơn".
Ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Tuyển ở xóm Đồng Giang, xã Công Đa cũng bị sạt lở từ ta luy quả đồi phía trên do mưa lũ từ năm 2021. Lo lắng trước nguy cơ sạt lở, gia đình anh đã gom góp 20 triệu đồng mua đá về làm kè nhưng vẫn chưa đủ. Anh Tuyển cho biết: Cũng mong được Nhà nước hỗ trợ thêm, nhưng chính quyền Xã bảo phải đợi làm theo thiết kế mới được hỗ trợ.
"Vấn đề là mình phải làm theo kiểu của Nhà nước thì mới được hỗ trợ. Mùa mưa này cũng muốn làm rồi nhưng bảo là đợi Nhà nước xem xét thì mới tiếp tục làm.Mong muốn Nhà nước chính quyền địa phương hỗ trợ bao nhiêu cũng được còn gia đình quyết định là phải làm", anh Tuyên nói.
Từ năm 2014, qua rà soát ở xã Công Đa có 39 hộ gia đình nằm trong vùng thiên tai sạt lở đất, sụt lún, lũ quét, lũ ống. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hộ gia đình nào được di chuyển, sắp xếp đến nơi ở mới.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Huyền, cán bộ địa chính xã Công Đa, huyện Yên Sơn, cho biết: "Chủ yếu xã đa phần xã là đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đất ở rất là ít. Việc quy hoạch khu tập trung rất là khó".
Do không có quỹ đất ái định cư tập trung, nên các hộ sinh sống tại khu vực này đã đăng ký sắp xếp ổn định tại chỗ và đang rất cần kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước để làm kè chống sạt lở. Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay các hộ dân này vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào và hàng ngày vẫn phải sống chung với nỗi lo sạt lở trong mùa mưa bão. Bà Trần Thị Hoài Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Công Đa, huyện Yên Sơn, cho biết: Công Đa là xã khó khăn thuộc Chương trình 135 nên hầu hết người dân không có vốn đối ứng theo yêu cầu.
"Đến thời điểm này mới có 8 hộ đề nghị hỗ trợ. Qua thẩm định chuyên môn của Phòng Kinh tế hạ tầng và phòng Nông nghiệp thì chỉ có 2 hộ được. Nhưng đến thời điểm này 2 hộ vẫn đang chờ. Bời vì phương án ổn định tại chỗ thì hồ sơ thủ tục rất là khó, khó nhất là dân tự lên phương án, tự đo vẽ rất là khó, xã chuyên môn cán bộ thì không làm được. Mong muốn của người dân thì phương thức hỗ trợ đối với nguồn này gọn nhẹ thì người dân sẽ được hưởng", bà Trần Thị Hoài Sơn thông tin.
Theo Nghị quyết 16 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang, những hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở có nhu cầu ổn định tại chỗ xây kè chống sạt sẽ phải có thiết kế lập bản vẽ, lên dự toán thì mới nhận được hỗ trợ 20 triệu đồng.
Về khó khăn trong triển khai thực hiện nghị quyết, ông Vi Viết Long, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: "Khó khăn lớn nhất là thiết kế ra được dự toán. Khi mà dự toán lên rồi bà con có thể áp dụng được và từ nguồn lực của gia đình nữa. Nghị quyết thì mức hỗ trợ ổn định tại chỗ là 20 triệu, đối ứng của gia đình khi lập dự toán lên không thể đáp ứng được thực hiện theo nghị quyết này thì họ lại thôi xin hoãn sang năm sau".
Cả năm 2023, tỉnh Tuyên Quang mới hỗ trợ được 51 hộ dân đang sinh sống tại các vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm bằng hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ. Năm 2024, qua rà soát ban đầu của tỉnh Tuyên Quang trên địa bàn có 30 hộ dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm khẩn cấp cần được di chuyển đến nơi ở mới.
"Để triển khai Nghị quyết 16 thì liên ngành Sở Nông nghiệp, Sở Tài chính, tài nguyên môi trường, xây dựng kho bạc.. cũng đã có hướng dẫn trình tự đăng ký họp xét từ dưới lên. Sở cũng hướng dẫn đôn đốc các huyện lập hồ sơ. Đến nay có 5 huyện gửi hồ sơ về tổng số có 30 hộ xen ghép và ổn định tại chỗ. Hiện mới có ý kiến thẩm định của các ngành lần một, giờ gửi lại hồ sơ cho các huyện để hoàn thiện, sau đó mới trình Sở Tài chính và UBND tỉnh phê duyệt. Quá trình lập hồ sơ cũng hướng dẫn các huyện nhưng họ làm chưa được. Trước đây yêu cầu gửi hồ sơ về trước 30/4, trong quá trình Sở cũng 3 lần ra văn bản nhưng kiểu chưa cấp bách lắm nên các bác ấy cứ từ từ chút", bà Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, cho hay.
Trước diễn biến phức tạp mùa mưa bão năm nay, trong lúc chưa được hỗ trợ làm kè chống sạt lở, được biết những hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ thiên tai ở tỉnh Tuyên Quang đều được ký cam kết với chính quyền địa phương mỗi khi mưa lớn kéo dài tuyệt đối không được ngủ tại nhà mà phải chuyển sang ở nhờ nhà người thân, gia đình !?
Tình trạng tạm bợ này sẽ kéo dài đến bao giờ? Cần lắm những giải pháp để người dân Tuyên Quang thoát khỏi cảnh “ Đi không được, ở chẳng xong”.