Người dân Phú Bình mong sớm khắc phục sạt lở bờ kênh Đào

Từ đầu năm đến nay, kênh Đào đoạn chảy qua huyện Phú Bình tiếp tục bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, việc sớm có giải pháp khắc phục, phòng chống sạt lở ngày càng cấp thiết.

Sau hơn 10 ngày kể từ khi hoàn thiện, một số đoạn đắp bao đất tiếp tục bị lún xuống từ 30-50cm so với mặt đường.

Sau hơn 10 ngày kể từ khi hoàn thiện, một số đoạn đắp bao đất tiếp tục bị lún xuống từ 30-50cm so với mặt đường.

Kênh Đào chảy qua xã Bảo Lý dài hơn 3km. Đường giao thông trục chính của xã và ĐT.269C, ĐT.269E chạy dọc theo bờ kênh Đào. Những năm qua, khi mưa lớn, bờ kênh Đào đã xảy ra sạt lở tại vài vị trí. Riêng trong năm nay, do thời tiết có mưa to liên tục nên tình trạng sạt lở bờ kênh Đào xảy ra nhiều và nghiêm trọng hơn, nhất là tại xóm Cầu Gỗ với chiều dài 50m và xóm Vạn Già là 30m. Khu vực sạt lở đã sát mép đường giao thông với chiều dài hàng chục mét và khoét sâu vào nền đường.

Ông Dương Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Bảo Lý, cho biết: Cuối tháng 7, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã đã tiến hành gia cố tạm thời bằng cách đóng cọc tre và đắp đất tại những điểm sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, cơn bão số 3 gây mưa lớn dài ngày đã khiến toàn bộ đất, tre bị sạt trôi xuống nước. Mới đây, được sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 1, UBND xã đã gia cố lại bằng cách đóng cọc tre, đắp bao đất. Sau hơn 10 ngày kể từ khi hoàn thiện, một số đoạn đắp bao đất tiếp tục bị lún xuống từ 30-50cm so với mặt đường.

Anh Tạ Huy Thanh, xóm Hóa, xã Bảo Lý, cho hay: Khi xảy ra sạt lở, tôi cảm thấy rất bất an khi di chuyển qua tuyến đường này vì lo lắng đường giao thông có thể sụt trượt. Tôi mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp khắc phục.

Khu vực bờ đã được kè lát mái bê tông tại xóm Việt Ninh (xã Lương Phú) bị hư hỏng.

Khu vực bờ đã được kè lát mái bê tông tại xóm Việt Ninh (xã Lương Phú) bị hư hỏng.

Tình trạng sạt lở trên tuyến kênh Đào cũng xảy ra tại xã Lương Phú. Điển hình như xóm Việt Ninh có 3 vị trí sạt lở với tổng chiều dài 30m, trong đó có điểm đã được kè bê tông chống sạt lở.

Ông Dương Đình Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Phú, thông tin: Ngay khi xảy ra sạt lở, UBND xã đã căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm. Mới đây, UBND xã đã gia cố bằng cách đóng cọc tre, đắp đất. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ là tạm thời. Về lâu dài, địa phương rất mong muốn đơn vị quản lý kênh Đào sớm có phương án khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trên các tuyến đường giáp kênh Đào.

Cùng với sự chủ động của các địa phương trong thực hiện công tác khắc phục tạm thời, UBND huyện Phú Bình đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam sông Thương sớm xử lý, khắc phục hư hỏng sạt lở.

Tại điểm sạt lở ở xóm Cầu Gỗ, toàn bộ cọc tre, đất đắp trước đó đã bị sạt trôi xuống nước.

Tại điểm sạt lở ở xóm Cầu Gỗ, toàn bộ cọc tre, đất đắp trước đó đã bị sạt trôi xuống nước.

Kênh Đào là kênh chính, thuộc hệ thống thủy nông sông Cầu, dài 52km. Đoạn kênh đi qua địa bàn huyện Phú Bình dài 26,4km, do Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Phú Bình (thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam sông Thương, tỉnh Bắc Giang) quản lý, vận hành. Hiện nay, 2 bên bờ kênh Đào đã xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, trong đó có 15 điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đường giao thông. Khu vực bị sạt lở đã làm co hẹp mặt cắt bờ kênh, nền đường, gây mất ổn định công trình, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông.

Ông Lục Văn Đại, Giám đốc Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Phú Bình, cho biết: Mưa lớn liên tục từ đầu năm đến nay đã khiến bờ kênh Đào chảy qua địa phận các tỉnh đều bị thiệt hại nặng nề, trong đó có đoạn qua huyện Phú Bình. Nguyên nhân là do phần lớn chiều dài kênh là bờ đất, sau nhiều năm sử dụng, nền đất đã yếu. Khi xảy ra mưa to liên tục sẽ dễ bị sạt lở. Chúng tôi đã báo cáo, đề nghị Công ty bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa.

Thời gian vừa qua, đơn vị quản lý kênh chủ yếu bố trí kinh phí để sửa chữa nhỏ, nạo vét trên kênh Đào. Các khu vực đã được kè lát mái là do Bộ Nông nghiệp và PTNT và sở, ngành của tỉnh đầu tư. Ngày 22/2/2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Quyết định số 678/QĐ-BNN-TL phê duyệt Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi thác Huống tỉnh Bắc Giang - Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 350,5 tỷ đồng. Dự án giao cho Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam sông Thương làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay Dự án này vẫn chưa được khởi công.

Trước tình trạng sạt lở nêu trên, mong mỏi lớn nhất của người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng là sớm đầu tư xây dựng kè lát mái bờ kênh. Trong khi chờ các cơ quan chức năng xử lý các điểm sạt lở, chính quyền địa phương cần có biện pháp, cảnh báo để người dân cẩn trọng khi đi qua khu vực này. Đồng thời các ngành, đơn vị chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu, bố trí kinh phí triển khai phương án khắc phục hư hỏng, phòng chống sạt lở mang tính chất lâu dài, bền vững.

Linh Đan

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202410/nguoi-dan-phu-binh-mong-som-khac-phuc-sat-lo-bo-kenh-dao-26c15d5/