Người đàn ông đấm cá voi sát thủ để quay video khoe Instagram

Sở Bảo tồn Auckland (New Zealand) đã phạt một người đàn ông 50 tuổi sau khi điều tra video trên mạng xã hội, và mô tả hành vi của người này là ví dụ rõ ràng cho sự ngu ngốc.

 Sở Bảo tồn Auckland (New Zealand) phạt người đàn ông nhảy xuống biển để đấm cá voi sát thủ. Ảnh: Cắt từ video.

Sở Bảo tồn Auckland (New Zealand) phạt người đàn ông nhảy xuống biển để đấm cá voi sát thủ. Ảnh: Cắt từ video.

Hành động của người đàn ông New Zealand được ghi hình cảnh tượng nhảy khỏi thuyền và dường như tìm cách đập vào thân con cá voi sát thủ, được mô tả là “gây sốc” và “ngu ngốc”, theo Sở Bảo tồn Auckland.

Trong một video được chia sẻ lên Instagram vào tháng 2, có thể thấy người đàn ông nhảy từ mép thuyền xuống biển ngoài khơi bờ biển Devonport ở Auckland, dường như chủ ý để chạm vào hoặc “đập vào” con cá voi sát thủ, Sở Bảo tồn cho biết hôm 22/5.

Người này nhảy xuống nước rất sát một con cá voi sát thủ đực, khi một con non bơi gần đó, trong khi có người trên thuyền ghi hình lại tất cả diễn biến này. Có thể nghe thấy tiếng cười và chửi thề ở phía sau trong video.

Khi bơi trở lại thuyền, người đàn ông hét lên "Tôi đã chạm vào nó" và hỏi "có quay được không?". Sau đó, anh ta cố gắng chạm vào con cá voi sát thủ một lần nữa.

Hayden Loper, điều tra viên chính của Sở Bảo tồn Auckland cho biết người đàn ông 50 tuổi đã có hành vi liều lĩnh, coi thường sự an toàn của bản thân và của con cá voi sát thủ.

Ông nói: “Video đã cho thấy điều đó, đó là hành vi gây sốc và hoàn toàn ngu ngốc”.

Sở Bảo tồn đã nhận được thông tin về video từ một số người xem nó trên mạng xã hội. Làm việc với cảnh sát, cơ quan này đã xác định được người đàn ông và đưa ra mức phạt vi phạm 600 USD.

“Đó là sự vi phạm rất rõ ràng đối với Đạo luật bảo vệ động vật có vú ở biển. Cá voi sát thủ được phân loại là cá voi theo luật bảo tồn và việc bơi cùng, làm phiền hoặc quấy rối bất kỳ động vật có vú ở biển nào là bất hợp pháp”, ông Loper nói.

Quan chức này cho biết mọi người thường có những hành động vô tình vi phạm, chẳng hạn như đi môtô nước quá gần động vật có vú ở biển, nhưng trong trường hợp của người đàn ông nói trên, đó là hành vi thực sự trắng trợn và ngu ngốc.

“Việc anh ta cố tình nhảy xuống nước và bơi đến chỗ con cá voi sát thủ, để quay phim… là sự liều lĩnh bất chấp”.

Về phương diện bảo vệ sinh vật biển, phương tiện truyền thông xã hội được cho là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó có thể giúp cảnh báo cho các cơ quan chức năng về hành vi xấu, nhưng nó cũng có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho hành vi tồi tệ.

“Đó là một nỗ lực có chủ ý để thu hút lượt thích và lượt xem trên mạng xã hội. Điều thực sự đáng thất vọng không chỉ là hành động của cá nhân vi phạm mà còn của những người trên thuyền - đó gần như là tâm lý bầy đàn và họ đang khuyến khích hành vi này”, ông Loper phân tích.

Cá voi sát thủ New Zealand có thể được nhìn thấy trên khắp bờ biển của đất nước, nhưng với số lượng chỉ 150-200 cá thể, loài này được coi là “nguy cấp ở mức độ quốc gia” và có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Hiện chưa có ghi nhận chấn thương nào liên quan tới con cá voi sát thủ trong vụ việc, nhưng theo bà Hannah Hendriks, cố vấn kỹ thuật hàng hải của Sở Bảo tồn, việc nhảy xuống nước và tác động vào bất kỳ con cá heo hoặc cá voi nhỏ nào có thể dễ dàng làm hỏng phần vây nhạy cảm của chúng.

Bà cho biết một người nhảy xuống nước có thể khiến con vật giật mình và khiến nó va chạm với chân vịt hoặc sống tàu.

“Sự tương tác có thể làm xáo trộn các hành vi tự nhiên của chúng như nghỉ ngơi, kiếm ăn và giao tiếp xã hội, điều này có thể có tác động lâu dài đến khả năng sinh tồn và sinh sản, trong khi sự xáo trộn lặp đi lặp lại có thể khiến động vật tránh xa khu vực”, bà Hendriks phân tích.

“Đặc biệt, sự xáo trộn trong đàn có con non gây nguy cơ tách con nhỏ ra khỏi mẹ - nếu con cá voi con vẫn phụ thuộc vào sữa mẹ, sang chấn có thể dẫn đến việc con non bị đói, mắc cạn và cuối cùng là chết”.

Hạnh Di

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguoi-dan-ong-dam-ca-voi-sat-thu-de-quay-video-khoe-instagram-post1476523.html