Người dân Cà Mau lo lắng vì giá tôm nguyên liệu giảm thấp

Đang vào vụ thu hoạch nhưng tình hình xuất khẩu tiếp tục khó khăn, giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau duy trì ở mức thấp. Người nuôi tôm quảng canh thì bị giảm thu nhập khá nhiều, còn người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh nguy cơ thua lỗ.

Gia đình bà Huỳnh Thị Hạnh (ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước) có hơn 2 ha đất nuôi tôm quảng canh. Bình thường mỗi con nước xổ vuông gia đình bà có nguồn thu khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Tuy nhiên, những tháng qua, nguồn thu nhập chính từ vuông tôm của gia đình giảm mạnh. Nguyên nhân không phải năng suất tôm không đạt mà do giá tôm liên tục giảm. Theo tính toán của bà Hạnh, mỗi tháng có 2 con nước, thu nhập bị giảm từ 3 – 4 triệu đồng. Đây là một khoản thu đáng kể, ảnh hưởng cuộc sống gia đình bà.

“Giá tôm thẻ chân trắng bán chỉ 60.000 – 70.000 đồng/kg, làm không có lời, đời sống khó khăn lắm. Phân thuốc, thức ăn vẫn lên giá, giá tôm kiểu này càng làm thiếu nợ càng nhiều” - bà Hạnh chia sẻ.

Giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau đang ở mức thấp.

Giá tôm nguyên liệu ở Cà Mau đang ở mức thấp.

Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng quý 2 năm 2023 đã giảm từ 18.000 - 49.000 đồng/kg so với quý 1; so với cùng kỳ năm trước giá tôm thẻ cũng giảm từ 11.000 – 36.000 đồng/kg, tùy loại. Tuy giá tôm sú cỡ lớn từ 20 con/kg không giảm, nhưng tôm có kích cỡ nhỏ hơn cũng giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đệm, người dân nuôi tôm ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước cho biết: “Tôm rẻ, tôm sú loại 30 con/kg giá còn có 140.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 100 con còn có 60.000 đồng/kg, trước 80.000 đến hơn 80.000 đồng/g. Vật tư lên giá, cái gì không lên thì giá vẫn giữ nguyên nhưng giá tôm quá thấp”.

Giá tôm giảm mạnh không chỉ làm người nuôi tôm quảng canh mất thu nhập mà còn khiến những người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đối mặt với cảnh thua lỗ. Đối với người dân làm mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phải đầu tư hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh có nguy cơ thua lỗ.

Người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh có nguy cơ thua lỗ.

Thông thường, khi thả nuôi tôm thẻ được 60 ngày, tức đạt khoảng 100 con/kg, người nuôi sẽ bắt đầu có lãi; tiếp tục nuôi tôm đạt kích cỡ càng lớn càng được giá, lãi càng nhiều. Tuy nhiên, với giá tôm năm nay, người dân nào nuôi đạt sản lượng cao mới huề vốn, còn năng xuất bình thường thì thua lỗ.

Bà con đang phải đối mặt với cảnh “bán không đành mà nuôi chẳng xong”. Với giá tôm như hiện tại, người dân thu hoạch tôm sẽ lỗ nhưng nuôi tiếp mà giá tôm không tăng thì lỗ nhiều hơn.

Ông Trương Nhật Tiến, người dân nuôi tôm ở xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi chia sẻ: “Nói chung giá tôm giảm nhiều như vậy là cuộc sống khó khăn. Giá như trước đây thì bà con nuôi tôm đây vẫn sống ổn. Nhưng so giá tôm bây giờ thì rẻ mà chi phí đầu tư quá lớn nên chất lượng cuộc sống của người dân không được như trước đây”.

Giá tôm nguyên liệu giảm sâu do khó khăn trong xuất khẩu.

Giá tôm nguyên liệu giảm sâu do khó khăn trong xuất khẩu.

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha. Trong đó, có khoảng 8.000 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Theo Sở Công Thương Cà Mau, nguyên nhân giá tôm liên tiếp sụt giảm là do, sau tác động của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng chiến tranh, các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu đều có những vấn đề, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức tiêu thụ hàng hóa nói chung, mặt hàng tôm nói riêng giảm; nguồn cầu giảm kéo theo giá tôm giảm.

Liên quan vấn đề này, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội nghị tháo gỡ. Ngoài đề nghị hệ thống ngân hàng tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo cơ quan chức năng tìm đầu ra cho con tôm, trong đó, có việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-dan-ca-mau-lo-lang-vi-gia-tom-nguyen-lieu-giam-thap-post1034025.vov