Người dân Anh 'quay xe' với Brexit
Đã gần 7 năm và 4 đời Thủ tướng kể từ khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), tới nay, người dân Anh đang bắt đầu cảm nhận ngược chiều với kỳ vọng ban đầu.
Trong khảo sát công chúng mới nhất của YouGov vừa được công bố, 52% người tham gia cho biết việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là sai lầm, so với mức 32% vẫn tin rằng đây là quyết định đúng đắn.
Một khảo sát khác được thực hiện vào tháng 1/2023 cho thấy, 45% dân số Anh cảm nhận rằng Brexit khiến cuộc sống của họ tệ hơn, so với 11% trả lời cuộc sống được cải thiện.
Trước đó, một khảo sát do Focaldata and UnHerd thực hiện với 10.000 người tham gia trên toàn nước Anh đưa ra kết quả rằng, 54% đồng ý với nhận định nước Anh đã sai khi rời khỏi EU.
Các khảo sát này được thực hiện trong bối cảnh, nền kinh tế Anh được dự báo sắp trải qua 2 năm tồi tệ, khiến quốc gia này có tăng trưởng thấp nhất trong nhóm G20. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng giá cả leo thang và biến động chính trị liên tục cũng khiến không chỉ giới chức quản lý Anh đau đầu, mà cả người dân cũng chán nản.
Anand Menon, giám đốc tổ chức sáng kiến Changing Europe, giáo sư tại King’s College London cho rằng, có 2 lý do chính khiến thái độ của công chúng đối với Brexit thay đổi.
“Thứ nhất, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả những người bỏ phiếu đồng tình với Brexit cho rằng, chính phủ Anh đã triển khai và kiểm soát quá trình này không tốt. Họ xem đây là thất bại của chính phủ. Thứ hai, nhiều người dân nhận thấy Brexit mang tới nhiều tác động kinh tế tiêu cực hơn trong suốt gần 7 năm qua”, Anand Menon đánh giá.
Nhận định này đồng điệu với kết quả khảo sát của YouGov, khi 68% người tham gia khảo sát đồng ý rằng chính phủ Anh đã kiểm soát tình huống Brexit kém, so với chỉ 21% cho rằng các nhà quản lý đã xoay sở tốt.
Giới chuyên gia cho rằng, những tác động tiêu cực của Brexit tới nền kinh tế Anh đã cộng hưởng thêm cùng hệ quả của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng các ngành nghề từ chăn nuôi, trồng trọt cho tới sản xuất ô tô, dược phẩm… đều đối diện những vấn đề là hệ quả trực tiếp của Brexit trong vài năm qua.
“Không có gì phải nghi ngờ khi nói rằng Brexit là một phần lý do cho các số liệu kinh tế sa sút hiện tại, khiến nước Anh có màn biểu diễn tệ hơn so với các quốc gia G7 khác”, Anand Menon chia sẻ.
Mới đây, sau nhiều tháng đàm phán, Anh và EU đã đạt được một thỏa thuận thương mại mới mang tên Khuôn khổ Windsor thay thế Nghị định thư Bắc Ireland. Đây được xem là bước đột phá trong mối quan hệ giữa Anh và EU, đồng thời giúp Thủ tướng Anh Rishi Sunak “ghi điểm” sau 4 tháng nhậm chức. Kể từ khi Anh bỏ phiếu rời EU tới nay, vị trí tổng thống này đã thay tới người thứ 4.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, sau nhiều năm trôi qua, Brexit không còn là vấn đề hàng đầu đối với công dân Anh. Tăng trưởng kinh tế và lạm phát mới là vấn đề được quan tâm nhất. Vào tháng 1/2019, năm gần nhất có bầu cử, Brexit là vấn đề hàng đầu với 72% cử tri. Cho tới tháng 10/2022, con số này giảm xuống còn 6%.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguoi-dan-anh-quay-xe-voi-brexit-d184808.html