Người chèo đò trên dòng Sào Khê

Tràng An mùa này, nước dòng Sào Khê dâng cao và trong văn vắt. Lẫn trong mây trời và những trầm tích đá vôi soi bóng, có thể nhìn thấy từng viên cuội, lũ cá nhỏ lẫn trong đám rong tảo xanh nõn dưới đáy sông...

Trên dòng Sào Khê.

Người đàn bà chèo đò có cái tên khá thôn dã: Trần Thị Sửu, người xã Trường Thịnh, huyện Hoa Lư. Qua câu chuyện của bà, cả một vùng Cố đô Hoa Lư và danh thắng Tràng An cứ thế hiện lên theo nhịp tay chèo.

- Sao tôi thuộc vùng đất này đến thế ư? Vì nó đã gắn với tôi từ lúc biết chập chững theo mẹ đi đò, khẩn đất- bà Sửu nói và kể rằng khi bà còn bé cả vùng Trường Ninh, Trường Yên còn nghèo lắm. Thiếu đất canh tác, bà theo cha mẹ và dân làng đốt đuốc chèo thuyền xuyên qua các hang, vào thung sâu khai khẩn, tìm đất trồng lúa. Nhờ có phù sa bồi tụ từ nghìn đời, cây lúa gieo xuống cứ thế lớn rồi cho bông nặng trĩu, giúp cả vùng đi qua bao mùa giáp hạt. Rồi những đêm trường trời căm căm rét, lại cùng dân làng đốt đuốc, hò nhau ngăn hang tát cá...

Sâu trong lòng di sản có hang Ba Giọt. Giữa trần hang tối có ba nhũ đá buông thõng xuống lưng chừng hang. Từ mỏm đá này có thứ nước tinh khiết trong vắt, được chắt lọc qua triệu lớp đá vôi, nhỏ xuống lòng sông. Tương truyền rằng, hễ ai chèo đò qua, được nước vô tình rớt trúng đầu sẽ được hưởng hết kiếp người hạnh phúc viên mãn, đong đầy. “Xưa, mỗi bận chèo đò qua, lần nào tôi cũng chùng chình, chờ nước rơi vào mình và lần nào cũng nhận được một giọt… Có lẽ vì thế nên cuộc đời đã trả cho tôi những bằng an, hạnh phúc giản dị- bà Sửu nói vui.

Đất nước đổi mới, quê hương bà cũng khởi sắc từng ngày, chuyện cơm ăn, áo mặc không còn phải lo nghĩ nhiều. Nhà nước cho xây dựng một con đập lớn, ngăn nước dòng Sào Khê, cả một vùng núi đá vôi, với những hang động kỳ thú ngập trong nước. Cùng với Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Dính, Tam Cốc Bích Động… Tràng An trở thành một quần thể danh thắng tuyệt đẹp. Nói như bà Sửu thì Tràng An mùa nào cũng đẹp, cái đẹp không lẫn với bất cứ nơi nào.

Cữ này, từ trên cao nhìn xuống, bến đò Tràng An đẹp như một thiếu nữ dịu dàng, đài các. Từng lớp đò nhỏ nằm chen chúc nhau như những chiếc lá tre mong manh, in hình xuống dòng nước trong suốt.

Trong câu chuyện miên man, bà Sửu còn hồ hởi cho biết, quần thể danh thắng Tràng An đang mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân địa phương sống quanh khu vực di sản. Mỗi ngày, bà nhận từ 2 - 3 chuyến đò chở khách vào thăm thú di sản. Tính sơ sơ mỗi tháng công việc chèo đò cũng những nhân viên chèo khác mức lương cố định từ 3 - 6 triệu đồng. “Tràng An trở thành khu du lịch nổi tiếng thế giới, người dân chúng tôi đã được hưởng lợi rất nhiều, do đó mọi người đều có ý thức trong việc chung tay giữ gìn các giá trị của di sản cho các thế hệ mai sau- bà nói.

...Chúng tôi rời bến thuyền khi trời chiều tắt nắng. Vẫn như văng vẳng bên tai câu nói của bà Sửu - người chèo đò trên dòng Sào Khê: “Ngoài đồng lương từ những chuyến đò, công việc đã cho tôi được gặp gỡ, giao lưu với du khách, được nói với họ những nét đẹp của quê hương, đất nước mình đã là một đặc ân, là thứ thù lao vô giá mà cuộc đời đã trả cho những người như tôi”.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich/nguoi-cheo-do-tren-dong-sao-khe-tintuc403128